Nói Sư phạm Toán là ngành Thanh Huyền theo đuổi thì không hẳn. Cô nàng chia sẻ, bản thân đã được bố mẹ định hướng theo nghề “cầm phấn" đứng trên bục giảng ngay từ khi còn nhỏ. Sau này, khi càng lớn lên và đặc biệt khi đã là một sinh viên trường Đại học Giáo dục, tới hiện tại, Thanh Huyền đã dành từ đam mê để nói về nghề nhà giáo cao quý.
Thanh Huyền chia sẻ: “Gia đình mình ai cũng là giáo viên nên mọi người trong nhà cho rằng việc mình theo Sư phạm là điều đương nhiên, đến bản thân mình cũng vậy. Mình cũng không biết thứ tình cảm trân quý với nghề nhà giáo của mình chính xác bắt đầu từ lúc nào. Nhưng mình biết chắc rằng tình yêu nghề dạy học đang cháy trong mình như hiện tại là từ sau khi bước chân vào “ngôi nhà” Đại học Giáo dục. Có lẽ, chính do môi trường giáo dục hiện tại và những câu chuyện truyền cảm hứng từ gia đình, thầy cô, bạn bè đã hun đúc nên tình yêu với nghề nhà giáo trong mình.”
Thanh Huyền hiện vừa học tại trường Đại học Giáo dục, vừa kiến tập tại trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hiện tại, Thanh Huyền đang theo học chương trình dạy Toán cấp THCS và THPT. Vì thế, trong tương lai, cô bạn sẽ dạy một trong hai cấp học này. Chia sẻ về lý do chọn lứa tuổi học sinh này để dạy, Thanh Huyền tâm sự: “Lựa chọn độ tuổi để dạy là một điều rất quan trọng. Mình thấy bản thân phù hợp nhất với học sinh cấp THPT, một phần vì mình yêu những năm tháng mình học cấp 3. Đây quả thực là một quãng thời gian cực kỳ quý giá và đáng trân trọng đối với mình. Một phần nữa là vì mình rất tâm lý, mình tự thấy bản thân có khả năng hiểu được tâm lý học sinh và giáo dục được các em. Mình rất mong tới ngày có thể chính thức đứng trên bục giảng và truyền tải những kiến thức mình có tới những lứa học sinh đi sau như những người bạn, người em của mình.”
Thanh Huyền sở hữu nét đẹp hiền hòa, khả ái.
Thanh Huyền tỏa sáng trong cuộc thi UEd's Got talent của trường Đại học Giáo dục.
Dù mới chỉ kiến tập online (do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19) tại trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhưng Thanh Huyền đã cảm nhận được nghề nhà giáo là một công việc khá áp lực và bận rộn. Nhưng cũng chính vì điều đó mà cô giáo Toán tương lai luôn cố gắng, phấn đấu học hỏi và rèn luyện hết sức mình để có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời tích lũy cho mình những kinh nghiệm, bài học quý giá để vận dụng vào quá trình giảng dạy sau này.
Đối với Thanh Huyền, điều đáng tự hào nhất với một người giáo viên là được học sinh yêu quý, kính trọng, được truyền tải hết những kiến thức bản thân có cho từng lứa học sinh tiếp bước, giúp ích cho xã hội, cống hiến cho cuộc đời.
Nếu kể đến những nhà giáo mà Thanh Huyền ngưỡng mộ thì rất nhiều. Với Huyền, bất kể thầy cô nào mà Huyền đã từng học qua thì đều đáng trân trọng. “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, các thầy cô đều rất giỏi và tâm huyết. Ngoài ra ở nhà Thanh Huyền còn có ông, các bác, bố, mẹ và các anh chị cùng là giáo viên. Đây đều là những người mà nữ sinh trường Đại học Giáo dục thần tượng, kính phục.
Với ánh mắt ngưỡng mộ, Thanh Huyền tâm sự: “Nghề giáo bao đời nay luôn được xem là nghề cao quý, nghề “trồng người”. Người thầy, dù ở đâu cũng là những người được kính trọng nhất. Qua đây, con/ em muốn kính gửi lời cảm ơn sâu sắc và trân trọng tới đại gia đình mình và các thầy cô giáo đã từng giảng dạy, đồng hành cùng con/ em trong suốt những năm tháng đèn sách vừa qua. Đặc biệt là thầy chủ nhiệm cấp ba, cô giáo dạy Toán cấp ba và cô Mai cố vấn Sư phạm Toán đã là những người truyền cảm hứng nhiều nhất cho con/ em. Sắp tới là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, con/ em/ mình xin kính chúc tất cả những người thầy, người bạn đã và đang công tác, học tập trong ngành Giáo dục luôn mạnh khỏe, thành công với sự nghiệp trồng người.”