Chị Nguyễn Thị Xuân ở Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, trở thành mẹ đơn thân sau sự ra đi đột ngột của chồng do tai nạn lao động. "Tôi từng hứa sẽ ở vậy nuôi con tới năm 18 tuổi rồi mới đi bước nữa", chị Xuân, 44 tuổi, chia sẻ.
Năm ấy con trai chị, Nguyễn Tuấn Anh mới 3 tuổi. Một mình nuôi mẹ già, con nhỏ nên người phụ nữ dân tộc Tày đi làm thuê khắp nơi. Con trai dần lớn cũng đồng nghĩa người mẹ quá tuổi xuân, những nét mưa nắng dãi dầm hiện trên khuôn mặt. Bạn bè thương Xuân góa chồng sớm nên mai mối, nhưng cả hai lần gặp mặt, hai người đàn ông Việt đều không ưng chị.
Một ngày năm 2018 đang lướt Facebook chị Xuân thấy hiện lên một ứng dụng hẹn hò. Nhờ hai năm đi làm tạp vụ cho các homestay ở Sapa chị biết ít tiếng Anh nên đăng ký thử. Mấy ngày sau mở ra chị thấy hàng loạt tin nhắn.
Người góa phụ dừng lại ở bức ảnh selfie của một người đàn ông có khuôn mặt hiền lành tên Bertrand Le Garrec. Chị để lại số điện thoại cho một mình anh.
Sáng hôm sau thức dậy chị đã nhận được tin nhắn làm quen của Bertrand. Anh cho biết mình 53 tuổi, là thuyền trưởng tàu viễn dương có 37 năm đi biển và mới nghỉ hưu. Bertrand đã ly hôn, có ba con trưởng thành.
Nói chuyện một thời gian Xuân thấy anh không chỉ có khuôn mặt hiền lành, còn rất thật thà và đúng giờ. Hàng ngày anh căn 12h30 trưa và 21h ở Việt Nam để nhắn tin cho chị. Thi thoảng anh gọi video khoe mình đang đi siêu thị, nấu cơm, quay cảnh có mẹ già, chị gái.
Ba tuần sau anh Bertrand bay sang Việt Nam. "Tôi chưa từng thấy bàn tay phụ nữ nào thô như của cô ấy", anh Bertrand, 59 tuổi, kể. "Cô ấy không sơn móng, nuôi tóc đen dài. Tôi biết cô ấy là người mộc mạc, chăm chỉ và cũng rất vất vả".
Gặp nhau được một tuần anh rủ chị đi du lịch. Đều là những người đã đi qua bao bão giông cuộc đời, chuyến đi là dịp cho người này quan sát người kia. Chị Xuân củng cố nhận định anh Bertrand tử tế và thoáng tính. "Anh thuê hai phòng khác nhau và đưa hộ chiếu cho tôi giữ, đưa tiền để tôi tự chi tiêu cho hai người", chị chia sẻ.
Từ phía anh Bertrand càng cảm nhận được sự thật thà của Xuân, đặc biệt chị cho cảm giác là người phụ nữ biết chăm lo, vun vén cho gia đình. Hết một tuần anh thổ lộ cảm xúc của mình, rồi hỏi: "Còn em đã xác định được có tình cảm với tôi chưa?".
Chị Xuân chưa trả lời, mà gọi về nhà cho con trai và mẹ nói rằng có người đàn ông ngoại quốc muốn tìm hiểu mình. Cả nhà ai cũng vui, động viên chị tiến tới.
Ngày hôm sau chị dẫn Bertnand về thăm nhà, thăm bản. Các anh chị em đã tụ tập làm cỗ đón tiếp. Mặc dù là lần đầu tiên đến Việt Nam, Bertnand nhanh chóng hòa nhập. Anh ngồi xuống cuốn nem, cũng trải chiếu dọn cơm và chúc rượu. Anh mang cho cậu bé Tuấn Anh cảm giác chở che của một người cha, ôm cậu bé vào lòng hỏi han những chuyện mà chàng trai mới lớn không thể nói cùng mẹ.
Sau bữa cơm, chị Xuân dẫn bạn trai "ra mắt" chồng cũ. Đứng trước mộ của người đã khuất, Bertnand nói: "Bạn cứ yên tâm làm công việc của bạn đi, giờ đây Tuấn Anh và mẹ đã có tôi chăm sóc".
Anh Bertnand và chị Xuân tổ chức đám cưới năm 2023, hai năm sau khi đăng ký kết hôn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Người đàn ông Pháp ở lại với mẹ con chị Xuân thêm vài ngày rồi về nước. Khi đó anh hẹn nửa năm sau sẽ quay trở lại. Nhưng một tháng sau anh lại bay sang Việt Nam và ở lại 9 tháng, cùng chị Xuân đi chơi khắp miền Tây Bắc.
Tình yêu chín muồi, anh về nước để làm thủ tục kết hôn, nhưng Covid-19 bùng phát nên mắc kẹt ở quê nhà Ploneour Lanvern, miền Tây Bắc nước Pháp tròn một năm. Nỗi nhớ mong mẹ con chị Xuân và cuộc sống nơi núi rừng Tây Bắc khắc khoải trong anh.
"Tôi quyết định phần đời còn lại sẽ gắn bó ở Việt Nam", anh nói.
Một ngày đông năm 2020, chị Xuân sửng sốt khi anh thông báo đang rao bán một trong hai ngôi nhà của mình ở Pháp. Anh trấn an chị rằng lương hưu của mình thoải mái cho cả hai chi tiêu, tiền bán bớt một căn nhà sẽ giúp anh có thể làm được nhiều thứ ở Việt Nam.
Ngay khi quay trở lại, hai người đăng ký kết hôn vào tháng 4/2021 và tổ chức đám cưới. Vì con trai muốn tự lập nên vợ chồng chị xây cho con một ngôi nhà mới ở Trấn Yên, còn họ ngược lên cách đó 180 km ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Căng Chải, bắt đầu cuộc sống mới.
Cặp vợ chồng chọn mua là một mảnh đất trống, còn thưa dân. Đứng ở đó, Bertnand chỉ cho vợ thấy nhà của họ sẽ có ba tầm nhìn rất đẹp. "Trên cao kia là thác nước trắng xóa, cảm tưởng như từ trên trời đổ xuống. Trước mặt là ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp như dải lụa. Và nhìn về trái là con suối uốn lượn hình chữ S", Bertrand nói.
Để hài hòa với bản làng họ dựng ngôi nhà sàn với nguyên vật liệu mua từ những ngôi nhà cũ trong vùng. Người vợ vẽ bản thiết kế, người chồng tư vấn xây dựng. Họ xuống suối nhặt sỏi về để làm đường đi, lối lại. Cùng nhau, họ vỡ đất trồng cây, trồng hoa kín vườn nhà.
Tròn một năm xây dựng, một khu nhà sàn ba tầng được hình thành, sau họ còn xây thêm hai nhà nghỉ dưỡng khác bên cạnh, tổng cộng có sức chứa lên tới 60 người. Mùa xuân năm 2022, homestay mở cửa đón khách, càng thêm xinh đẹp trong sắc hồng rực rỡ của 100 gốc mai anh đào và mảnh vườn sao nháy, cúc chuồn phấp phới.
Xong xuôi được cơ ngơi, Bertnand dẫn vợ về Pháp. Anh xúc động kể rằng gia đình anh chưa bao giờ thân thiết tới vậy, từ khi có sự xuất hiện của chị Xuân. Chị chu đáo, thường hay gửi quà gồm trà khô, bánh đậu xanh, gạo nếp, hạt điều được người nhà anh rất thích. Một tháng chị ở đó, mỗi nhà lên một lịch mở tiệc đón tiếp.
"Trước đây chị gái chưa bao giờ sang nhà tôi ăn uống, nhưng từ khi có cô ấy, mọi người thích ngồi vui vẻ bên nhau", anh Bertnand kể.
Anh Bertnand ôm mẹ vợ cảm ơn trong ngày cưới, tháng 4/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Với chị Xuân, việc một người đàn ông bán nhà bán cửa, để lại cha mẹ ở quê hương, sang Việt Nam với mình là phước lành của cuộc đời.
Hàng ngày anh theo chân vợ 24/24h không biết chán, bất kể chị đi chợ, gội đầu, họp phụ nữ và kể cả đi thăm bà đẻ. Bertnand hòa vào cuộc sống bản làng nên được mọi người rất quý mến, hết nhà này tới nhà kia mời cơm. Anh luôn sắp xếp công việc để đến dự những lễ cầu mưa thuận gió hòa, cúng cơm mới hay bữa cơm mừng bẻ một vạt ngô. Mỗi lúc như vậy, anh sẽ góp thêm chai rượu, hoa quả, bánh kẹo.
Điều khiến người phụ nữ Việt cảm kích nhất là tình cảm anh đối xử với người thân của chị. Lần con dâu đẻ, anh Bertnand ở dưới bệnh viện Bắc Ninh ba ngày, tay xách nách mang đồ đạc để chăm con dâu và cháu. Mỗi lúc các con tới nhà chơi, bao giờ anh cũng làm ba phong bì cho con trai, con dâu và cháu nội.
Có lần ra thăm mộ thấy cỏ mọc kín, anh nhắc chị Xuân cần phải về thăm mộ chồng ba lần, thay vì đi một lần như hiện tại. Một lần giỗ bố Tuấn Anh trùng vào dịp 2/9 đông khách quá nên chị Xuân không về được, Bertnand đã trách: "Dù em làm gì, ngày giỗ của anh ấy em cũng phải về".
"Giờ cứ đến ngày rằm, mùng Một, anh lại tự sắp hoa quả, dọn bàn thờ, thắp hương cho chồng cũ của tôi", chị Xuân chia sẻ.