Theo Zhihu, anh Đới ở Hồ Nam, Trung Quốc, là một tài xế xe công nghệ. Tháng 7/2021, anh đã chi 150.000 NDT (hơn 524 triệu đồng) để mua một chiếc xe điện mới để phục vụ cho công việc. Tuy nhiên, sau 3 năm sử dụng, vào tháng 8/2024, người đàn ông này phát hiện xe của mình đột nhiên không thể sạc như bình thường.
Sau khi mang xe đi kiểm tra, anh Đới được thông báo rằng xe của anh đã bị nhà sản xuất là Công ty TNHH ô tô Vi Hữu Hồ Nam khóa pin từ xa. Theo đó, công nghệ khóa cổng sạc và ngăn chặn việc sạc pin từ xa ở xe điện đã trở nên phổ biến ở đất nước tỷ dân. Hành động này của các nhà sản xuất thường là để đảm bảo an toàn cho phương tiện trong những trường hợp nhất định.
Để tìm hiểu nguyên nhân, anh Đới đã gọi điện để khiếu nại với nhà sản xuất thì được đối phương cho biết với loại xe mà anh mua, họ chỉ cung cấp tùy chọn thuê pin. Vì anh Đới chỉ mua xe chứ chưa mua pin nên mới xảy ra tình huống trên. Trong trường hợp này, anh Đới phải ký hợp đồng dịch vụ với đơn vị cho thuê pin X, đơn vị được nhà sản xuất uỷ quyền thay pin cho dòng xe mà họ sản xuất, thì mới có thể tiếp tục sạc pin cho xe.
“Chỉ khi anh ký thỏa thuận thuê pin thì chúng tôi mới giúp anh mở khóa hệ thống pin”, đại diện phía nhà sản xuất xe cho biết.
![Người đàn ông chi 524 triệu đồng mua xe điện, 3 năm sau pin xe bỗng bị khoá liền gọi điện khiếu nại, nhà sản xuất bức xúc cho biết: Người đàn ông chi 524 triệu đồng mua xe điện, 3 năm sau pin xe bỗng bị khoá liền gọi điện khiếu nại, nhà sản xuất bức xúc cho biết:](https://kenh14cdn.com/203336854389633024/2025/2/12/id103909428-gettyimages-1224908078-800x450-1-1739372252481-1739372252964398829281.jpg)
Ảnh minh hoạ: Zhihu
Ngay sau đó, anh Đới đã liên hệ với đơn vị X để thuê pin. Tuy nhiên, sau khi xem xét hợp đồng cho thuê, người đàn ông này lại từ bỏ ý định trên. Nguyên nhân được anh Đới đưa ra là trong hợp đồng cho thuê pin của đơn vị này không có điều khoản nào có lợi cho chủ xe là anh.
Cụ thể, ngoài mức giá thuê 0,3 NDT/km, đơn vị X còn cung cấp cho khách hàng gói thuê 798 NDT/tháng (hơn 2,7 triệu đồng) hoặc mua đứt pin với giá khoảng 40.000 - 50.000 NDT (từ 140 triệu - 174 triệu đồng). Anh Đới cho rằng những gói dịch vụ này quá cao so với mức chi phí mà anh có thể bỏ ra nên anh đã từ chối ký hợp đồng với đơn vị này.
Khi nhận được khiếu nại từ anh Đới, đại diện đơn vị sản xuất xe điện cho biết họ cũng là nạn nhân trong vụ việc này và khẳng định đại lý bán xe mới là bên có lỗi. Theo đó, phía nhà sản xuất xe cho biết họ đã yêu cầu các đại lý bán xe phải giải thích rõ ràng về tình trạng tách biệt pin và xe với khách hàng. Tuy nhiên trong hợp đồng mua bán xe của những đại lý này lại không có nội dung liên quan. Cũng vì thế nên nhà sản xuất chỉ có thể khóa pin xe và yêu cầu người mua phải quay lại thuê pin. Trong trường hợp các chủ xe muốn đòi quyền lợi, nhà sản xuất đề nghị họ nên khởi kiện các đại lý đã bán xe cho mình.
Với trường hợp của anh Đới, vì người đàn ông này không đồng tình với các gói dịch vụ mà đơn vị X đưa ra nên phía nhà sản xuất xe cho biết họ sẽ cố gắng đàm phán với đơn vị này để giúp anh hưởng được nhiều quyền lợi hơn khi ký hợp đồng thuê pin.
Không chỉ anh Đới, nhiều chủ xe từng mua loại xe trên cũng rơi vào tình huống tương tự. Theo đó, vào năm 2023, anh Lưu ở tỉnh Chiết Giang đã mua một chiếc ô tô điện với giá gần 120.000 NDT (hơn 419 triệu đồng). 3 tháng sau, chiếc xe không thể sạc được nữa vì đã bị nhà sản xuất khoá in từ xa. Khi chủ xe này liên hệ để giải quyết, nhà sản xe cho biết anh Lưu phải trả 800 NDT/tháng (hơn 2,7 triệu đồng) thì mới có thể sạc pin trở lại.
Trong khi đó, anh Phùng ở Trùng Khánh thì bị đơn vị sản xuất xe điện kiện ra toà và yêu cầu trả lại pin xe khi người đàn ông này không chịu thuê pin xe. Cuối cùng, tòa án Trùng Khánh đã ra phán quyết bác bỏ đơn kiện của nhà sản xuất xe. Không đồng tình với phán quyết của toà án, nguyên đơn đã nộp đơn kháng cáo. Tòa án cấp cao sau khi xem xét vụ án đã giữ nguyên phán quyết ban đầu.
Những vụ việc này sau khi được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của dư luận xứ Trung. Nhiều người cho rằng việc làm của phía nhà sản xuất xe là hợp lý, tuy nhiên mức giá thuê mà đơn vị cung cấp dịch vụ thuê pin đưa ra còn quá cao khiến nhiều chủ xe không thể chi trả. Bên cạnh đó, một số khác cũng lên án hành vi che giấu vấn đề về pin xe điện của các đại lý bán xe và cho đó là hành vi lừa đảo. Phần đông dư luận đều cho rằng những đơn vị này nên kinh doanh “có tâm” hơn nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ánh Lê (Theo Zhihu)