Ý tưởng kinh doanh táo bạo của “phú nhị đại”
Lý Bá Lâm là một “phú nhị đại” (người thuộc thế hệ thứ 2 của gia đình giàu có) tại vùng Đông Bắc Trung Quốc. Ông được tiếp xúc với kinh doanh từ sớm, đồng thời nhận được sự hậu thuẫn hết mức từ phía gia đình. Năm 2003, Lý Bá Lâm bước vào lĩnh vực bất động sản và đạt được thành công đáng kể trong lĩnh vực này. Chỉ sau 3 năm, ông đã gây tiếng vang trong ngành khi kiếm được 20 triệu NDT (khoảng 70 tỷ đồng).
Tuy nhiên, năm 2007, Lý Bá Lâm khiến mọi người kinh ngạc khi đưa ra quyết định từ bỏ công việc kinh doanh bất động sản đang bùng nổ của mình và chuyển sang nghề “làm việc cùng những tảng đá”.
Nguyên nhân là do thời điểm đó, bố của Lý Bá Lâm mắc bệnh nặng và phải đến Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc để điều trị. Tại đây, Lý Bá Lâm phát hiện vùng biển này có môi trường sinh thái ưu việt, là thiên đường tự nhiên thích hợp cho việc nuôi hải sâm. Vì thế, “phú nhị đại” này đã mạnh tay thuê 10.000 ha biển ở Tần Hoàng Đảo trong thời hạn 30 năm để thực hiện kế hoạch mà mình ấp ủ.
Thời gian tiếp theo đó, Lý Bá Lâm chi thêm 4 triệu NDT (khoảng 13,9 tỷ) để mua 2 máy thả đá chuyên dụng từ Yên Đài, tỉnh Sơn Đông và bắt đầu "dự án dưới biển" của mình. Theo ông, hải sâm cần có môi trường sống thích hợp và đá chính là “ngôi nhà” của chúng. Kế hoạch của Lý Bá Lâm là đưa một số lượng lớn đá xuống biển để tạo ra một rạn san hô nhân tạo khổng lồ, nhằm thu hút hải sâm về trú ngụ. Nhưng ai có thể ngờ rằng canh bạc này gần như khiến Lý Bá Lâm phải trả giá bằng tất cả những gì mình có.
Kế hoạch ban đầu tưởng chừng như diễn ra suôn sẻ, nhưng thực tế đã giáng một đòn mạnh vào ước mơ lớn lao của Lý Bá Lâm. Năm 2008, công việc thả đã chính thức bắt đầu. Trong vòng 2 năm, ông đã đầu tư 400.000 tấn đá và tiêu hết số tiền tiết kiệm được. Tuy nhiên, đến khi thợ lặn chuyên nghiệp xuống biển kiểm tra để tiến hành đặt hải sâm thì phát hiện những tảng đá thả xuống đã biến mất. Cuối cùng, Lý Bá Lâm mới phát hiện ra vấn đề là do các dòng hải lưu đã đẩy đá đi và rạn san hô nhân tạo theo kế hoạch ban đầu hoàn toàn không được hình thành. Điều này khiến Lý Bá Lâm thực sự suy sụp.
Do số tiền đầu tư ban đầu quá lớn nên Lý Bá Lâm rơi vào tình trạng thua lỗ trầm trọng. Đến năm 2010, ông phải bán nhà, bán ô tô và thậm chí đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm của cha mình. Về sau, hồ sơ xin vay vốn cũng bị ngân hàng từ chối, hy vọng cuối cùng cũng tiêu tan. Nhiều người biết chuyện đã chê cười Lý Bá Lâm làm chuyện điên rồ, phung phí tiền bạc cho dự án khó có thể thành công. Ngay cả bản thân ông cũng bắt đầu nghi ngờ liệu đây có phải là một ván cược đã định sẵn sẽ thua từ đầu hay không.
Kiên trì đến cùng
Một buổi sáng sớm cuối thu năm 2010, Lý Bá Lâm quyết định nắm lấy cơ hội cuối cùng. Ông mặc bộ đồ lặn và tự mình xuống biển để kiểm tra tình hình. Không ai ngờ được rằng, chuyến lặn này đã thay đổi cuộc đời ông. Những tảng đá bị dòng hải lưu cuốn trôi thực ra đã tạo thành một bức tường đá cao 3 mét ở phía xa, và bức tường đá được bao phủ bởi những con hải sâm. Nhìn thấy cảnh tượng này, Lý Bá Lâm vỡ òa trong ngạc nhiên và hạnh phúc. Sự đầu tư mà ai cũng coi là lãng phí của ông đã vô tình tạo nên kỳ tích dưới đáy biển.
Khi quay trở lại thuyền, ông bắt đầu tổ chức các cuộc trục vớt hải sâm. Chỉ trong vài ngày, Lý Bá Lâm đã thu hoạch được 50.000 kg hải sâm, mang về doanh thu hơn 9 triệu NDT (hơn 31 tỷ đồng). Khoản thu nhập này không chỉ giúp ông thoát khỏi khủng hoảng nợ nần, mà khiến ông trở thành người có tiếng tăm trong giới khai thác hải sâm.
Nhưng thành công không chỉ đến từ may mắn. Để nghề nuôi hải sâm bền vững, Lý Bà Lâm tiếp tục ném đá xuống biển. Đến năm 2012, tổng cộng 1,58 triệu tấn đá đã được ông đưa xuống biển để phục vụ cho việc nuôi hải sâm. Những khối đá này tạo thành một hệ sinh thái khổng lồ dưới nước, thu hút một lượng lớn hải sâm đến đây sinh sống hàng năm.
Cho đến hiện tại, vùng biển này có thể sản xuất 300.000 kg hải sâm hoang dã mỗi năm và loại hải sâm rẻ nhất có thể được bán với giá 160 NDT/kg (hơn 500 nghìn đồng). Nhờ đó, thu nhập hàng năm của Lý Bá Lâm đã vượt quá 50 triệu NDT/năm (hơn 174 tỷ đồng).
Điều đặc biệt là hầu như không có chi phí bổ sung cho hoạt động kinh doanh này. Hải sâm phát triển hoàn toàn tự nhiên và không cần cho ăn nhân tạo. Mô hình kinh doanh này không chỉ đưa ông trở thành “huyền thoại” trong ngành hải sâm mà còn tạo ra ý tưởng mới cho nghề nuôi trồng và thu hoạch các loài sinh vật biển.
Nhờ sự kiên trì và tầm nhìn xa, Lý Bá Lâm đã từ một người bị cười chê đã trở thành “vua hải sâm” với khối tài sản khổng lồ. Thành công của ông cũng đã thay đổi quan điểm của nhiều người về nuôi trồng thủy sản trên biển. Giờ đây, vùng biển mà ông khai thác trở thành “ngân hàng dưới biển sâu”, không chỉ mang về nguồn lợi nhuận dồi dào, mà còn là động lực phát triển kinh tế địa phương và cung cấp nhiều cơ hội việc làm cho người dân.
(Theo QQ, Baijiahao)