Người đàn ông sinh năm 1981 vay 5,6 tỷ đồng rồi qua đời, vợ con và cha mẹ bị 12 chủ nợ khởi kiện, tòa án tuyên bố: "Họ không phải trả khoản nợ này"

Sau khi người đàn ông Trung Quốc mất, người thân của anh ta đã nhận được giấy triệu tập của tòa án địa phương.

Tháng 10/2023, anh Hà, sinh năm 1981, giáo viên tại một trường dạy nghề ở thành phố Nghĩa Ô, Chiết Giang, Trung Quốc, đột ngột qua đời vì một cơn nhồi máu cơ tim. Không lâu sau đó, rất nhiều người đến tìm người thân của người đàn ông này để đòi tiền. Những người này cho biết trước khi qua đời, anh Hà từng vay tiền họ nhưng chưa trả.

Chị Phương, vợ cũ của anh Hà, cho biết có tổng cộng 12 chủ nợ đến nhà đòi nợ. Lúc này, người phụ nữ này mới biết chồng cũ của mình đã nợ 1,6 triệu NDT (hơn 5,6 tỷ đồng). 

Những chủ nợ cho biết họ tìm đến chị Phương vì 2 lý do. Đầu tiên, mặc dù chị Phương và anh Hà đã ly hôn được 9 tháng, song phần lớn số nợ trên được vay từ lúc cả hai còn chung sống nên người phụ nữ này vẫn phải có trách nhiệm hoàn trả. Thứ hai, sau khi anh Hà qua đời, người thân của anh chỉ có cha mẹ và người con trai. Con trai của anh chỉ mới 10 tuổi còn cha mẹ anh thì đều đã ngoài 70 nên việc tìm kiếm họ để đòi nợ là không phù hợp.

Anh Đinh, một trong 12 chủ nợ cho biết số tiền anh Hà nợ mình là số tiền vay 2 tháng trước khi vợ chồng họ ly hôn. Cuối năm 2022, anh Hà nói với anh Đinh rằng anh đang cần tiền và hứa sẽ trả lại trong vòng 1 tháng. Vì là chỗ quen biết, anh Đinh đã đồng ý giúp đỡ anh Hà. Tuy nhiên, khi đến hạn trả nợ, anh Hà đã không thực hiện lời hứa của mình. Vào tháng 10/2023, anh Đinh phát hiện ra bạn mình đã qua đời. Cũng như những chủ nợ khác, người đàn ông này quyết định đi tìm chị Phương để đòi lại số tiền đã cho vay.

Đối mặt với việc này, chị Phương vô cùng suy sụp. Người phụ nữ này cho biết chị không hề biết gì về những khoản nợ này. Hơn nữa, chị và chồng cũ cũng đã ly hôn nên việc các chủ nợ yêu cầu chị trả nợ thay là không hợp lý.  

Thấy tình hình ngày càng phức tạp, các chủ nợ đã khởi kiện chị Phương, bố mẹ anh Hà và cả con trai người đàn ông này ra tòa.

Về vụ việc này, tòa án địa phương cho biết theo Bộ luật Dân sự Trung Quốc, sau khi anh Hà qua đời, những người được thừa kế tài sản là vợ, con và cha mẹ. Vì vợ chồng anh Hà đã ly hôn nên chị Phương là vợ cũ, không phải là người thừa kế hợp pháp. Tuy nhiên trong vụ việc này, việc các chủ nợ đòi nợ vẫn liên quan mật thiết đến người phụ nữ này vì hầu hết các khoản nợ trước đây đều do anh Hà nợ trước khi ly hôn. Cụ thể, trong số 1,6 triệu NDT tiền nợ, có 1,3 triệu NDT được vay trước khi ly hôn.

Mặt khác, giữa 2 vợ chồng này còn 1 sợi dây ràng buộc là người con trai. Đứa trẻ là người thừa kế của anh Hà và là một trong những bị cáo, trong khi chị Phương là người giám hộ của đứa trẻ theo quy định pháp luật Trung Quốc. Vì vậy, chị Phương phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với đứa trẻ và tài sản mà con trai mình sẽ được hưởng từ người cha đã mất.

Người đàn ông sinh năm 1981 vay 5,6 tỷ đồng rồi qua đời, vợ con và cha mẹ bị 12 chủ nợ khởi kiện, tòa án tuyên bố:

Ảnh minh họa: Internet

Về vấn đề nợ chung, theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc, nguyên tắc cơ bản về việc công nhận tài sản chung của vợ chồng là nợ phải trả chung và được ký chung. Nếu số tiền vay tương đối lớn và số tiền đó không được sử dụng vào mục đích chung của vợ chồng thì có thể coi là nợ của một trong hai vợ chồng.

Sau khi điều tra, tòa án địa phương ra phán quyết rằng mặc dù các khoản nợ của anh Hà là do vay mượn trong thời kỳ hôn nhân, nhưng phần lớn đều do người đàn ông này vay và sử dụng cho mục đích cá nhân, chị Phương không hề hay biết. Do đó, tòa án cho rằng phần lớn số tiền nợ là của riêng anh Hà, chị Phương không cần phải chịu bất cứ trách nhiệm nào. Còn với tư cách là người thừa kế, con trai và cha mẹ của anh Hà vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng. 

Ngay sau khi phán quyết của tòa án địa phương được đưa ra, ngân hàng mà anh Hà đã vay tiền đã đệ đơn kiện cha mẹ và con trai của anh ra tòa.

Tại tòa, cha mẹ anh Hà nhấn mạnh rằng họ không hề biết về khoản nợ trên và họ cũng không có khả năng trả nợ. Mỗi lần đến tòa, nỗi đau mất con dường như lại dâng lên trong họ. Điều đáng chú ý hơn là không chỉ ngân hàng mà sau đó, những chủ nợ khác cũng đã đệ đơn kiện. Nợ nần chồng chất và những vụ kiện tụng liên tiếp khiến cha mẹ và con trai của anh Hà như kiệt sức. Kết quả, cả 3 người này đều tuyên bố từ bỏ quyền thừa kế tài sản mà anh Hà để lại.

Theo Bộ luật Dân sự Trung Quốc, nếu người thừa kế từ bỏ quyền thừa kế của mình thì người đó không cần phải trả các khoản nợ của người đã khuất. Tuy nhiên, có một số điều kiện cần thiết để từ bỏ quyền thừa kế. Việc này phải được thực hiện sau khi quá trình thừa kế bắt đầu và trước khi phân chia di sản và phải được lập thành văn bản. Vì vậy, dù họ có tuyên bố trước tòa rằng họ sẽ từ bỏ quyền thừa kế, nhưng mọi chuyện vẫn cần phải được điều tra và xem xét thêm.

Xét thấy theo quy định về quản lý di sản, những người thừa kế của anh Hà không có ý định nhận di sản cũng như không muốn gánh các khoản nợ mà người mất để lại, vì vậy tòa án địa phương đã chỉ định một bên quản lý di sản, đó là Cục Dân chính địa phương. Về những khoản nợ của anh Hà, sau khi điều tra, tòa án phát hiện toàn bộ tài sản của người này chỉ có 65.000 NDT (hơn 228 triệu đồng) nên tòa án địa phương đã yêu cầu đơn vị này trả nợ cho các chủ nợ trong phạm vi di sản do người đã mất để lại. Cục dân chính địa phương sau đó đã trả nợ cho 12 chủ nợ theo đúng tỷ lệ. Sự việc kết thúc ở đây.

(Theo Baidu)