Trang OD đưa tin, có một thẩm mỹ viện ở Quảng Ninh, Việt Nam được nhiều người tìm đến yêu cầu độn dái tai để thay đổi vận mệnh. Họ tin rằng, bằng cách tăng kích thước tai của mình giống như Phật Di Lặc - một biểu tượng của sự may mắn, họ sẽ thu hút tài lộc, cuộc sống sẽ trở nên giàu có.
Quảng cáo về thủ thuật này nhan nhản trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội. Nhiều thẩm mỹ viện khẳng định tiêm filler rất nhanh và không đau.
Chủ của thẩm mỹ viện này nói rằng, phần lớn khách hàng muốn làm dịch vụ này đều là nam giới trên 30 tuổi. Tất cả đều tin rằng, tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kinh doanh thành hay bại của mình ở độ tuổi này.
Thủ tục tiêm chất làm đầy cho tai tốn khoảng 15 – 20 phút, được quảng cáo an toàn, không có tác dụng phụ lâu dài. Một số cơ sở thẩm mỹ thậm chí còn hứa sẽ điều chỉnh hình dạng và kích thước tai nếu khách hàng không hài lòng.
Axit hyaluronic là chất làm đầy được sử dụng nhiều nhất để mở rộng vành tai, trong đó loại có nguồn gốc từ Hàn Quốc được ưa chuộng nhất trên thị trường. Mặc dù tiêm filler khá an toàn nếu được thực hiện bởi những chuyên gia có kinh nghiệm nhưng nếu là quá trình nghiệp dư và nguồn gốc chất làm đầy không rõ ràng có thể khiến khách hàng gánh hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, có một người đàn ông có nhu cầu được làm tai to để hút tài lộc, anh tin rằng "tai to tướng làm quan". Tuy nhiên, vì một số lý do liên quan tới tài chính nên anh đã nhờ một người bạn làm việc tại một tiệm spa mua cho axit hyaluronic để về nhà tự tiêm và mọi thứ không diễn ra theo ý muốn.
Sau khi tiêm xong, anh nhận thấy vành tai của mình thay đổi màu sắc, trở nên biến dạng nên vội vàng đến bệnh viện khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán anh bị tắc mạch và loét hoại tử một phần dái tai. Nguyên nhân tình trạng của bệnh nhân này không rõ ràng, có thể do người tiêm vô tình tiêm vào mạch máu, hoặc cũng có thể do axit hyaluronic là hàng trôi nổi, kém chất lượng.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP.HCM cũng cho biết có trường hợp một người đàn ông khác do “đặc thù công việc” nên muốn có tai Phật. Tuy nhiên, vết thương bị viêm nhiễm quá nặng phải cắt bỏ tai. Các bác sĩ nghi ngờ rằng, người đàn ông đã tiêm silicone thay vì axit hyaluronic. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật tái tạo dái tai.
Sau khi thủ thuật này được lan truyền trên mạng xã hội Việt Nam, các bác sĩ đưa ra cảnh báo mọi người không nên làm theo. Nếu là người mê tín, việc thực hiện thủ thuật nên tiến hành tại các cơ sở uy tín, bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm để đảm bảo an toàn tính mạng.