Theo các biện pháp nới lỏng kiểm soát dịch bệnh mới được công bố, những người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà và không cần xét nghiệm đối với những người đi lại trong nước. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Bắc Kinh đang xoay chuyển từ chính sách “không COVID” sang hướng đến sống chung với dịch bệnh.
Tuy nhiên, giới chức y tế cảnh báo họ vẫn sẽ giám sát chặt chẽ xu hướng tử vong và nguồn lực y tế trong trường hợp cần tái siết chặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn.
Nhân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 tại nhà ga Hongqiao ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 6/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trên khắp đất nước, người dân đã vô cùng phấn khởi khi chính sách nới lỏng được áp dụng. Nhiều người hy vọng động thái điều chỉnh chiến lược phòng dịch có thể giúp Trung Quốc dần mở cửa với thế giới, sau 3 năm virus SARS-CoV-2 lần đầu được ghi nhận ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc vào cuối năm 2019. Trên mạng xã hội Weibo, thông báo nới lỏng biện pháp phòng dịch đã trở thành chủ đề có lượt xem nhiều nhất. Nhiều người bày tỏ vui mừng khi cuộc sống bình thường đã quay trở lại.
“Đã đến lúc cuộc sống của chúng ta quay lại bình thường và Trung Quốc trở lại với thế giới”, một người dùng Weibo viết.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 một siêu thị tại Urumqi, Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, ngày 5/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong gần 3 năm qua, Trung Quốc đã đối phó với COVID-19 như một căn bệnh nguy hiểm tương tự dịch hạch và dịch tả. Khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lan rộng vào đầu năm nay, nhiều cộng đồng đã bị phong tỏa, đôi khi lệnh phong toả kéo dài nhiều tháng.
Hàng chục người đã tìm đến tài khoản Weibo của Lý Văn Lượng, người đầu tiên cảnh báo về COVID-19 bác sĩ ở Vũ Hán đã qua đời vào năm 2020. Dưới bài đăng cuối cùng của ông, nhiều người đã trút bầu tâm sự về những điều đã trải qua trong đại dịch.
“Bác sĩ, chúng tôi đã vượt qua được, chúng tôi sắp có cuộc sống bình thường!”, một người dùng viết.
“Ánh sáng ban ngày đã le lói”, một người khác chia sẻ.
Người dân đeo khẩu trang đứng chờ đèn giao thông ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Thượng Hải là một trong những khu vực đầu tiên thông báo sẽ áp dụng các hướng dẫn kiểm dịch tại nhà mới và cũng loại bỏ các quy định đối với khách du lịch vào thành phố. Công viên giải trí Disneyland Thượng Hải sẽ mở cửa trở lại cho du khách vào ngày 8/12.
Các thành phố bao gồm Thành Đô, Thiên Tân, Thâm Quyến, Thượng Hải và Vũ Hán, hành khách đi tàu ngầm địa phương không còn phải trình kết quả xét nghiệm axit nucleic. Hơn 10 thành phố và khu vực ở Chiết Giang cũng đã chấm dứt xét nghiệm đại trà thông thường. Người dân địa phương ở các thành phố như Hàng Châu và Ninh Ba không cần quét mã axit nucleic hoặc mã QR ở những nơi công cộng, ngoại trừ những địa điểm đặc biệt như trung tâm chăm sóc người cao tuổi, trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Tại Thâm Quyến, người dân địa phương không cần phải trình kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính khi vào các khu dân cư, văn phòng, nhà hàng và siêu thị, thay vào đó chỉ cần quét mã sức khỏe và mã QR vị trí.
Một số nhà đầu tư cũng hoan nghênh bước điều chỉnh mới nhất có thể vực dậy nền kinh tế và tiền tệ đang suy yếu của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Nhà kinh tế trưởng Zhiwei Zhang tại Pinpoint Asset Management, chia sẻ: “Nỗ lực thay đổi chính sách này là một bước tiến lớn. Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ mở lại hoàn toàn biên giới trước giữa năm 2023”.
Các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc cũng hy vọng những thay đổi này sẽ đánh dấu sự chuyển hướng sang mở cửa rộng rãi hơn.
Ông Colm Rafferty, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi muốn môi trường kinh doanh ở đây quay lại mức độ có thể dự đoán được, nhờ đó các công ty có thể hoạt động trở lại bình thường”.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Mi Feng đã cho rằng mọi thay đổi về việc đi lại trong nước sẽ được thực hiện “dần dần”.
Dù không rõ sự điều chỉnh mới nhất có phải là tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại hay không, nhưng các quan chức y tế đều nhấn mạnh “phòng dịch năng động” sẽ có hiệu quả hơn chiến lược loại bỏ tất cả các ca lây nhiễm.
Người dân đeo khẩu trang xếp hàng bên ngoài một hiệu thuốc ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, động thái nới lỏng chính sách phòng dịch đã gây ra cơn sốt mua thuốc ho và hạ sốt trên khắp đất nước do một số cư dân, đặc biệt là người già chưa được tiêm phòng. Tại quận Triều Dương, thủ đô Bắc Kinh, nơi tập trung các địa điểm giải trí và trụ sở công ty, nhiều hiệu thuốc đã "cháy hàng" một số loại thuốc này.
Trong bối cảnh đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thành phố Bắc Kinh kêu gọi người dân cần mua thuốc hợp lý, mua theo nhu cầu và không nên dự trữ một cách mù quáng.
Người dân đổ xô đi mua thuốc hạ sốt khi Trung Quốc nới lỏng phong toả. Ảnh: Reuters
Ông Feng Zijian, cựu quan chức của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, cho biết có tới khoảng 60% dân số Trung Quốc có thể đã mắc COVID-19 trong đợt bùng dịch quy mô lớn đầu tiên. Ông dự đoán nước này sẽ ghi nhận khoảng 80% - 90% người dân sẽ mắc bệnh.