Thông lệ thì ‘tháng 7 nước nhảy khỏi bờ’, còn bây giờ nước vẫn… giậm chân tại chỗ. Lũ không chịu về kéo theo nhiều nỗi lo cho người miền Tây vì đồng ruộng không có phù sa, cá tôm giảm sút, sạt lở phức tạp hơn…
Mấy năm trước, lũ về mang theo nhiều cá, nhất là cá linh, giúp người dân có thêm thu nhập – Ảnh: HỒNG HẢI
Quá tháng rồi mà lũ vẫn chưa về
Bây giờ, nước sông Cửu Long từ trong xanh đã đổi sang màu đùng đục, màu của mùa nước nổi (còn gọi mùa lũ) mà thiên nhiên ban tặng cho 2 tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp. Người miền Tây ngơ ngác không hiểu vì sao đã quá tháng rồi mà lũ vẫn chưa về dù nước sông đã đổi màu từ lâu.
Dân vùng hạ boăn khoăn, bởi thông lệ “tháng 7 nước nhảy khỏi bờ”, còn bây giờ nước vẫn giậm chân tại chỗ. Những năm trước, dù lũ có thấp đến đâu thì tháng này nước cũng đã vào đồng, vào kênh rạch mang theo tôm cá và phù sa cho ruộng đồng.
Đã bước sang tháng 7 âm lịch nhưng tại các cánh đồng vùng Bảy Núi, nước vẫn chưa tràn về – Ảnh: HỒNG HẢI
Nhiều dòng kênh ở xã Phú Lộc, TX.Tân Châu, An Giang hiện nay nước vẫn quá thấp – Ảnh: HỒNG HẢI
Cảnh cánh đồng ngập lũ năm nào giờ trở thành nỗi chờ đợi của dân vùng hạ – Ảnh: TN
Cũng tháng này, năm rồi, cánh đồng vùng Bảy Núi thuộc 2 huyện Tịnh và Tri Tôn (An Giang) nhiều nơi đã ngập sâu từ 0,5 – 1 m. Còn bây giờ, những cánh đồng héo quắt chạy dài, từng bầy trâu thơ thẩn gặm cỏ non. Một bức tranh đối lập các mùa lũ trước. Trên đồng không còn tiếng xình xịch của ghe chạy kéo cá, không có bóng xuồng con nhấp nhô giăng lưới bắt cá tôm. Cá linh không về nên chợ Cây Mít trở nên quạnh quẽ, xóm vó chuyên bắt cá linh cũng vắng tanh…
Cảnh mua bán cá linh trên đồng nước nổi năm nay có khả năng biến mất. – Ảnh: HỒNG HẢI
Cá linh không có thì làm lợp bán cho ai bây giờ!
Hai đập xả lũ Tha La và Trà Sư (H.Tịnh Biên) nước chưa tràn về nên năm nay không biết có còn cảnh vận hành xã lũ như mọi năm hay không. Nhớ lại, những mùa này, đi qua những vùng đất thấp nhất của An Giang như xã Phú Lộc (TX.Tân Châu), xã Phước Hưng, Vĩnh Hội Đông (H.An Phú) năm rồi bị nước lũ tràn về ngập cả đường đi, người dân ra khỏi nhà phải đi bằng xuồng ghe thay xe máy. Nhưng tháng này, những cánh đồng, những con lộ phơi mình chờ nước lũ.
Năm rồi, trên các cánh đồng ngập nước ở xã Phú Lộc, Phú Hữu, thương lái, các dựa cá chạy ghe xuống tới gặp các ngư dân tranh nhau thu mua cá linh non bỏ mối lại cho các tiểu thương, các chợ cá. Nhưng bây giờ thì vắng ngắt, nói như ông Phan Văn Giáp, Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Lộc, mùa này vẫn chưa có gì gọi là mùa lũ cạn!
Lũ không về nên nghề lợp cá linh cũng hiu hắt – Ảnh: HỒNG HẢI
Lũ không về nên các làng nghề ăn theo lũ kém sôi động hẳn đi. Làng nghề lợp cá linh ở cồn Cóc xã Phước Hưng (H.An Phú) năm rồi sôi động, lợp làm ra không đủ bán nhưng nay không thợ nào dám làm vì sợ ngán ngại con nước trước mắt.
Anh Nguyễn Văn Ngà (39 tuổi), một trong những người làm lợp giỏi xứ này, phân trần cá linh không có thì làm lợp bán cho ai bây giờ! Để làm ra một cái lợp, thợ phải đốn tre rồi chẻ ra đan vót công phu, một lợp tốt có thể xài được ba mùa nước bán với giá 60.000 – 70.000 đồng.
Cá linh là bóng hình gắn liền với mùa nước nổi – Ảnh: HỒNG HẢI
Lũ không về nên xóm chuyên bán lợp cua đồng ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Đức (H.Châu Phú) cũng hoạt động cầm chừng. Xóm này từ lâu nổi tiếng với hàng chục hộ sống bằng nghề đan lợp bắt cua đồng.
Ông Út Đừng, trên 30 năm sống với nghề lợp cua, cho biết bình thường giá lợp cua là 30.000 đồng/cái. Mọi năm, vào tháng 7, nhà nào cũng tất bật đan lợp để chuẩn bị bán cho khách từ các vùng xa mua về bỏ mối và bán cho ngư dân. Nhưng năm nay, lũ đầu mùa cạn nước nên khách khứa eo sèo bởi đồng không có nước kéo theo không có cua sinh sôi.
Lợp cua đang bán ế do lũ chưa về – Ảnh: HỒNG HẢI
Anh Nguyễn Văn Hải (ngụ xã Mỹ Đức) nhớ lại, cũng tháng này năm rồi, anh mua hàng trăm cái lợp đi lên các vùng ngập nước đặt lợp bắt cua đồng. Nước nhiều nên cua sinh sôi nhanh, cua dính lợp nhiều lắm, lúc đó anh bán cua nguyên con cho thương lái, các điểm thu mua cua giá từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, còn cua có càng to bẻ bán càng lẻ với giá từ 100.000 đồng/kg trở lên. Còn mùa này, đồng trơ trọi nước nên không ai dám mua lợp đi thả cua.
Anh Hải đâu biết rằng, ở các quán ăn thành thị, ít quán nào dám làm món càng cua đồng bán cho khách bởi cua ít nên giá cao, hơn 350.000 đồng/kg càng cua.
Mùa lũ tràn về mang theo vô số cá linh, là đặc sản chỉ có trong mùa lũ. Cá linh là nguồn lợi kinh tế khổng lồ giúp cư dân hạ bạc có rủng rỉnh tiền. Lớp nào bắt cá bán cho các điểm thu mua để chế biến làm mắm cá linh, nước mắm cá linh; lớp nào đem ra chợ bán. Mọi năm, giá cá linh non đầu mùa luôn đắt đỏ, từ 200.000 – 300.000 đồng/kg, khi cuối mùa còn 30.000 – 50.000 đồng/kg.