Anh đã bị quân đội của chính quyền Myanmar giam giữ trong nhiều tuần vì nghi ngờ vận chuyển hàng hóa cho các lực lượng đối lập. Trong thời gian đó, vợ anh buộc phải vay mượn tiền để nuôi gia đình. Khi được thả ra, anh đã mất việc và gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, nợ nần chồng chất. Tuyệt vọng, Maung Maung đã lên Facebook rao bán thận của mình.
" Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy cuộc sống quá khắc nghiệt. Tôi không còn cách nào khác để sống sót ngoài việc đi cướp hoặc giết người để kiếm tiền", anh nói. “Vợ tôi cũng vậy, cô ấy không muốn sống nữa. Nhưng chỉ vì con gái mà chúng tôi còn tiếp tục".
Vài tháng sau, vào tháng 7/2023, Maung Maung, người yêu cầu sử dụng biệt danh vì lý do an toàn, đến Ấn Độ để phẫu thuật cấy ghép. Một doanh nhân người Hoa gốc Myanmar giàu có đã mua thận của anh với giá 10 triệu kyat Myanmar (3.079 USD), gần gấp đôi thu nhập bình quân hằng năm của một hộ gia đình ở đô thị Myanmar, theo số liệu năm 2019 của Đơn vị Quản lý Thông tin Myanmar thuộc Liên Hợp Quốc.
Maung Maung không phải là người duy nhất.
Cuộc điều tra kéo dài một năm của CNN cho thấy nhiều người tuyệt vọng ở Myanmar đang rao bán nội tạng của họ cho những người giàu có trên Facebook. Với sự giúp đỡ của môi giới, họ có thể đến Ấn Độ... để cấy ghép - bất chấp luật pháp ở cả hai quốc gia quy định việc bán nội tạng là bất hợp pháp.
CNN đã tìm thấy các bài đăng chào bán nội tạng trên ít nhất ba nhóm Facebook bằng tiếng Myanmar và đã nói chuyện với hai chục người tham gia thị trường buôn bán nội tạng - bao gồm người bán, người mua và người môi giới - để tìm hiểu nội tình của một ngành công nghiệp bất hợp pháp được thúc đẩy bởi sự tuyệt vọng tại đất nước bị tàn phá bởi xung đột nội bộ.
Khi được đề nghị bình luận, Meta, công ty mẹ của Facebook, cho biết một nhóm trực tuyến đã bị gỡ xuống, nhưng công ty từ chối cung cấp thông tin chi tiết hoặc bình luận thêm. Các quy định của Facebook không chấp nhận nội dung cho phép người dùng mua, bán hoặc trao đổi các bộ phận cơ thể con người và các vi phạm có thể được báo cáo để xem xét.
Nghèo đói
Ba năm sau khi quân đội Myanmar nắm quyền bằng một cuộc đảo chính, gần một nửa trong số 54 triệu người dân của đất nước này sống dưới mức nghèo khổ. Con số này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2017, theo các nhà nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
Khi các nhóm vũ trang khác nhau chiến đấu chống lại sự kiểm soát của chính quyền, bạo lực đã lan rộng khắp đất nước. Đầu tư nước ngoài giảm mạnh, thất nghiệp tăng vọt và giá cả hàng hóa cơ bản tăng với tốc độ mà hầu hết mọi người không thể theo kịp. Trong khi người bán thì nghèo và người mua tương đối giàu, cả hai phía đều tham gia vào thị trường nội tạng bất hợp pháp vì họ đang ở trong tình thế khó khăn.
“Bán một phần cơ thể của bạn là một quyết định khó khăn đối với tất cả mọi người. Không ai muốn làm điều đó”, April, 26 tuổi, người yêu cầu sử dụng biệt danh, nói ngay sau khi quảng cáo bán thận của cô trên Facebook vào tháng 2. “Lý do duy nhất tôi làm điều này là vì tôi không còn lựa chọn nào khác".
April nói rằng cô đã từ bỏ ước mơ trở thành y tá và chuyển đến thủ đô thương mại Yangon của Myanmar khi cô 18 tuổi để làm việc trong một nhà máy may mặc và giúp đỡ gia đình mình. Nhưng mức lương hằng tháng 100 USD của cô không đủ trang trải chi phí sinh hoạt tăng cao do cuộc khủng hoảng chính trị và hóa đơn y tế không ngừng tăng lên khi dì cô mắc bệnh ung thư.
“Tôi đang cố gắng hết sức để tồn tại trong tình huống khó khăn như vậy. Có những ngày tôi khóc. Có những ngày tôi không có gì để ăn khi bạn bè không thể giúp đỡ tôi", April nói với CNN .
Một đêm, không thể ngủ được, April thức khuya và lướt Facebook, tình cờ bắt gặp một nhóm nơi mọi người đang chào bán thận của mình. Hầu hết các nhóm như vậy được lập ra cho người bị bệnh thận chia sẻ phương pháp điều trị tại nhà và giới thiệu bác sĩ. Nhưng những năm gần đây, các bài đăng chào bán nội tạng ngày càng trở nên phổ biến, theo phân tích của CNN .
Một người vẫn có thể sống khỏe mạnh với một quả thận, nhưng ca phẫu thuật lớn có thể để lại hậu quả lâu dài. Nguy cơ lớn nhất là không có quả thận dự phòng trong trường hợp quả thận còn lại gặp vấn đề, theo Quỹ Thận Quốc gia.
April nhanh chóng viết trên Facebook: “Tôi muốn hiến tặng thận của mình. Nhóm máu của tôi là O. Tôi cần tiền để giúp dì tôi, người bị ung thư và cần phẫu thuật. Tôi 26 tuổi và không uống rượu. Nhắn tin cho tôi nhé!".
Bất hợp pháp nhưng dễ tiếp cận
Trong buôn bán nội tạng trực tuyến, người mua và người bán thường làm việc với người môi giới (giữa người hiến/bán thận với người nhận). Họ phải làm giả các tài liệu cần thiết và sắp xếp phẫu thuật.
Vì việc buôn bán nội tạng là bất hợp pháp ở Ấn Độ và việc hiến tặng chỉ được phép giữa các thành viên trong gia đình, trừ một số ngoại lệ hiếm hoi, phía môi giới thường giả mạo hồ sơ gia đình, cây phả hệ và các tài liệu khác với sự giúp đỡ của luật sư và công chứng viên. Đại sứ quán Myanmar tại New Delhi phải xem xét giấy tờ để chuyển vụ việc sang ủy ban cấp phép của tiểu bang hoặc bệnh viện.
Ủy ban cấp phép là phòng tuyến cuối cùng. Tài liệu, ảnh gia đình và sao kê ngân hàng được kiểm tra, và các cuộc phỏng vấn được thực hiện để vạch trần những kẻ giả mạo thành viên gia đình hoặc bất kỳ ai đang buôn bán nội tạng.
Thiri Khine, người yêu cầu sử dụng biệt danh để có thể nói chuyện một cách an toàn, trở thành góa phụ khi chồng cô qua đời cách đây tám năm. Sáu năm sau, bị bệnh thận, cô tạo dáng trong những bức ảnh cưới mới. Lần này, chú rể đứng cười bên cạnh cô là người mà cô đang mua thận với giá 12 triệu kyat (3.695 USD).
Thiri Khine đã cố gắng được ghép thận bằng cách tham gia danh sách chờ chính thức, nhưng cho biết quá trình này sẽ kéo dài hàng năm, đến mức cô có thể đã chết vì bệnh trước khi được phẫu thuật.
Từ năm 1995 đến năm 2022, chỉ có 308 ca ghép thận thành công ở Myanmar, theo văn phòng của lãnh đạo chính quyền Myanmar Min Aung Hlaing.
Kể từ đại dịch COVID-19 và cuộc đảo chính, việc cấy ghép chỉ có thể được thực hiện tại các bệnh viện quân đội, trừ một số ít trường hợp ngoại lệ, theo một bác sĩ hiện tại và một cựu bác sĩ ở Yangon - những người yêu cầu giấu tên vì lý do an toàn.
Giao tranh cũng đã dẫn tới tình trạng thiếu bác sĩ. Trong những ngày đầu tiên của cuộc đảo chính, các bác sĩ thường đi đầu trong phong trào phản đối, điều trị cho những người biểu tình bị thương và tổ chức đình công. Vì điều này, họ đã phải trả giá đắt, với nhiều nhân viên y tế bị bắt giữ hoặc buộc phải trốn chạy khỏi đất nước, khiến hệ thống y tế vốn đã mong manh của Myanmar đứng bên bờ vực sụp đổ.
Chuyến đi đến Ấn Độ
Trong những tuần trước ca phẫu thuật, Thiri Khine và người chồng giả của cô đã luyện tập cho cuộc phỏng vấn của ủy ban cấp phép, tìm câu trả lời cho những câu hỏi như họ đã gặp nhau như thế nào, món ăn yêu thích của nhau là gì và số biển số xe của họ.
“Đó là một cuộc thẩm vấn để xác nhận liệu chúng tôi có phải là một cặp vợ chồng thực sự hay không. Nhưng thực tế là họ biết rằng chúng tôi đang nói dối", Thiri Khine nói. “Luật pháp nghiêm ngặt, và các quy định của bệnh viện cũng vậy. Tuy nhiên, họ giúp chúng tôi được điều trị bằng cách bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo và tài liệu giả mạo".
Tất cả 10 người hiến tặng và nhận nội tạng mà CNN đã nói chuyện, ngoại trừ một người, đều xác nhận rằng trong mỗi trường hợp của họ, các tài liệu đã bị giả mạo để chứng minh mối quan hệ gia đình. Họ giả vờ là vợ chồng, anh em rể, cháu gái và cháu trai. Maung Maung được cho là con rể của người nhận nội tạng.
Maung Maung đã trải qua nhiều xét nghiệm y tế và phỏng vấn trong những ngày trước ca phẫu thuật. Anh chưa bao giờ rời khỏi Myanmar trước đó, nhưng bây giờ anh đang chụp ảnh trước Đền Lotus nổi tiếng của New Delhi bên cạnh gia đình của người đàn ông sẽ sớm có quả thận của anh.
“Tôi đang chịu đựng nỗi đau khi nhìn vào gia đình mình. Họ không có gì cả. Trong khi đó, tôi cũng lo lắng về những gì đang chờ đợi phía trước", anh nói với CNN trước ca mổ.
“Nếu tôi chết, tôi hy vọng số tiền này có thể giúp vợ và con gái tôi có thức ăn và sống sót, ngay cả khi nó không đủ để họ sống suốt đời".
"Cứu mạng"
Năm 2022, dưới 10.000 ca ghép thận từ người hiến sống đã được thực hiện trên khắp Ấn Độ, theo Tổ chức Cấy ghép Nội tạng và Mô Quốc gia. CNN không thể xác nhận số lượng ca phẫu thuật cấy ghép liên quan đến bệnh nhân người Myanmar hoặc số ca mổ mà trong đó nội tạng có thể đã được bán.
Một môi giới tại Yangon, người yêu cầu giấu tên do tính chất bất hợp pháp của công việc, nói rằng, nhiều người biết các tài liệu là giả mạo nhưng làm ngơ vì lý do nhân đạo.
“Đó là một hành động cứu mạng sống. Đó không phải là điều xấu, ông nói. Ông đã nhận một ca ghép thận theo cách tương tự vào năm ngoái.
Tiến sĩ Sunil Shroff, một bác sĩ phẫu thuật cấy ghép và là người sáng lập Mạng lưới Hỗ trợ lấy đa nội tạng, một tổ chức phi lợi nhuận khuyến khích hiến tặng nội tạng ở Ấn Độ, cho biết vấn đề hiến tặng nội tạng rất phức tạp. Rất khó xác thực tài liệu được tạo ra ở một quốc gia khác.
Vài ngày sau ca phẫu thuật lấy và ghép thận vào tháng 8/ 2023, Maung Maung ngồi trên mép giường bệnh và vén áo lên để lộ vết sẹo mới ở bên trái.
“Có vẻ như nó đang lành từ bên trong, nhưng vẫn còn đau bên ngoài", anh nói khi chạm vào vết sẹo tím.
Khi đi qua bệnh viện, anh chỉ ra những bệnh nhân người Myanmar khác trong phòng hồi sức, mỗi người đều có vết sẹo dài 10 cm trên bụng.
“Khi bạn đi vào nhà vệ sinh, bạn thấy người Myanmar và khi bạn đi đâu đó gần đó, bạn lại thấy người Myanmar", anh nói.
Đối với những người bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của nghèo đói, việc bán một bộ phận cơ thể thường xuất hiện như một cách nhanh chóng để thoát ra. Đây là phương sách cuối cùng mà những người ở nhiều quốc gia khác từ Afghanistan đến Nepal đã thực hiện, nhưng đó là phương sách đi kèm với những hậu quả nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong.
“Chất lượng cuộc sống sau khi bán thận không tốt vì khi tiền hết, họ lại quay về điểm xuất phát. Và sau đó có một vết sẹo để nhìn. Họ nhìn vào nó và trở nên trầm cảm", bác sĩ Shroff nói.
Maung Maung dự đoán rằng với chỉ còn lại một quả thận, “có thể sống tối đa là 15 đến 20 năm nữa rồi tôi sẽ ra đi".
Tuy nhiên, anh không hối tiếc về quyết định của mình.
“Nếu tôi không làm điều này vào lúc này, cuộc sống của tôi sẽ rơi vào hỗn loạn. Không có việc làm, không có thức ăn. Vợ tôi, con gái tôi không có gì để ăn. Cả ba chúng tôi có thể đã chết hoặc trở nên điên loạn", anh nói.
Anh đã trở về nhà ở Mandalay nhưng chưa phục hồi đủ để làm việc. Anh dành hầu hết thời gian ở nhà, chịu đau, trong khi số tiền anh kiếm được từ việc bán thận dần dần cạn kiệt.
Còn về April, lần cuối CNN có thể liên lạc với cô ấy là vài tháng trước. Cô đã tìm thấy một người đàn ông 49 tuổi từ Yangon sẵn sàng mua thận của cô với giá 12 triệu kyat (3.700 USD).
Các tài liệu đã được giả mạo, ảnh gia đình cho thấy April là con gái lớn của người đàn ông đã được chụp. Chỉ còn lại ca phẫu thuật.
Khi ca ghép thận gần kề, April lo lắng cô có thể chết trên bàn mổ, nhưng cảm thấy đã quá muộn để quay lại.
Gia đình của April vẫn chưa biết về kế hoạch bán thận của cô.