Sarah, 45 tuổi, đã sống độc thân 20 năm, quyết định thử hẹn hò online khi cô quen Daniel qua Tinder hồi năm ngoái. Tuy có chút hoài nghi về việc bắt đầu một mối quan hệ bằng ứng dụng này, cả hai đã nhanh chóng kết nối và trò chuyện nhiều lần trong ngày.
Daniel - một anh chàng điển trai được bọn lừa đảo tạo ra bằng công nghệ tinh vi - tâm sự với Sarah rằng anh ta có lối sống xa hoa nhờ đầu tư vào tiền điện tử. Anh dụ cô sử dụng một ứng dụng giao dịch Bitcoin hợp pháp, qua đó có thể kiếm được lợi nhuận và rút tiền hữu hình.
Ngay khi Sarah bị cuốn vào tiền điện tử, Daniel tiếp tục rủ cô thử một nền tảng khác. Cô đã đầu tư toàn bộ số tiền vất vả kiếm được và không hề biết nó được chuyển thẳng vào tài khoản của Daniel. Sarah đánh mất 100.000 USD (gần 2,5 tỷ đồng) và gần như không còn hy vọng sẽ nhìn thấy số tiền đó.
Sarah nói cô cảm thấy xấu hổ và "ghê tởm" với chính mình vì đã sập bẫy lừa đảo, nhưng cho biết không có dấu hiệu cảnh báo nào cho thấy Daniel không phải là người thật. "Chẳng có gì là không đáng tin cả. Ảnh của anh ta trông rất thật", cô chia sẻ với chương trình 60 Minutes của Australia.
Liam O’Shannessey, giám đốc điều hành công ty bảo mật Cyber CX, cho biết những kẻ lừa đảo đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để thuyết phục nạn nhân rằng họ đang trò chuyện với một người thật. Ông O’Shannessey còn trình diễn công nghệ nhân bản khuôn mặt cho phép kẻ lừa đảo gọi video cho nạn nhân - điều không thể thực hiện được cách đây vài năm.
Sarah chia sẻ câu chuyện để cảnh tỉnh mọi người không trở thành nạn nhân của lừa tình, lừa tiền online. Ảnh: Nine
Những nạn nhân bị lừa đảo như Sarah thường nghĩ họ là mục tiêu của một tên tội phạm độc ác và mặc dù điều đó đúng trong một số trường hợp, xu hướng mới đã xuất hiện khiến các giao dịch trực tuyến trở nên nguy hiểm hơn. Các tổ chức tội phạm đã bắt đầu tạo ra các nhà máy "giết mổ lợn" (pig-butchers) - một trò lừa đảo được đặt tên theo hoạt động vỗ béo lợn trước khi giết mổ - nhằm dụ dỗ những người vô tội đến Đông Nam Á, tra tấn để buộc họ phải gian lận. "Họ đánh đập chúng tôi rất dã man", một cựu tù nhân kể trong chương trình 60 Minutes. "15 ngày không thức ăn, không nước uống. 15 ngày bị nhốt trong phòng".
Những kẻ cầm đầu tạo danh mục nạn nhân được cá nhân hóa, trong đó có chi tiết về độ tuổi, tình trạng mối quan hệ, tiền lương và bất kỳ thông tin nào có thể tìm thấy trên phương tiện truyền thông xã hội công khai. Những hồ sơ này sau đó được cung cấp cho các tù nhân để họ tiếp tục hành vi lừa đảo.
Sarah chỉ là một trong số nhiều nạn nhân của trò lừa đảo này trên toàn thế giới. Cô kể câu chuyện của mình với hy vọng cảnh tỉnh những người khác. "Điều này đang xảy ra với rất nhiều người và tôi nghĩ họ không nhận ra mình bị lừa. Bạn mất đi sự tự tin vào bản thân và niềm tin ở mọi người. Một trong những điều khó khăn nhất là chính tôi cũng đồng lõa trong việc đó. Chúng tiếp cận mọi người thông qua một trong những điều tuyệt vời nhất của cuộc sống, đó là tình yêu và sự lãng mạn", Sarah nói.
Sarah cho biết cô vẫn đang cố gắng chấp nhận sự thật. Trong khi đó, đội cảnh sát lừa đảo của New South Wales đã nói với cô rằng khả năng lấy lại được bất kỳ khoản tiền nào là rất thấp.