Người phụ nữ từ chối thừa kế khối tài sản 17 tỷ đồng của bố mẹ để lại, tòa án phán quyết: Cô sẽ bị phạt 8 tháng tù giam

Người phụ nữ này khẳng định rằng cô có quyền nhận hoặc từ chối tài sản bố mẹ để lại. Tuy nhiên, tòa án đã không đồng ý điều này.

Cô Từ (Sơn Đông, Trung Quốc) và chồng từng là những doanh nhân thành đạt. Tuy nhiên, hơn 20 năm trước, công việc kinh doanh của họ gặp khó khăn, chuỗi vốn liên tục bị đứt gãy. Để duy trì cuộc sống và tiếp tục đầu tư, cô đã vay mượn từ nhiều nguồn, trong đó có anh Lý, với khoản tiền 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng) kèm thỏa thuận trả lãi. Song những nỗ lực vực dậy doanh nghiệp không thành công, khiến cô Từ và chồng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Sau khi phát hiện cô Từ không trả nợ gốc và lãi đúng hạn, anh Lý đã nhiều lần nhắc nhở. Tuy nhiên, người phụ nữ này luôn tìm cách né tránh thậm chí ngắt kết nối. Lo ngại khoản vay 300.000 NDT sẽ không được hoàn trả, anh Lý quyết định khởi kiện cô Từ ra tòa. 

Mặc dù anh Lý thắng kiện. Song tòa án không thể thi hành án do cô Từ và chồng không còn tài sản nào đứng tên. Phán quyết cuối cùng được đưa ra là cho phép tiếp tục thi hành án nếu phát hiện vợ chồng này có thêm tài sản trong tương lai.

Không từ bỏ, trong suốt 10 năm qua, anh Lý luôn theo dõi sát sao tình hình tài chính của cô Từ. Cơ hội xuất hiện khi người đàn ông phát hiện cô Từ cùng các anh chị em của mình ra tòa tranh chấp quyền thừa kế tài sản trị giá 5 triệu NDT (khoảng 17 tỷ đồng) của cha mẹ. 

Người phụ nữ từ chối thừa kế khối tài sản 17 tỷ đồng của bố mẹ để lại, tòa án phán quyết: Cô sẽ bị phạt 8 tháng tù giam- Ảnh 1.

Cô Từ từ chối khối tài sản khổng lồ do bố mẹ để lại.

Anh Lý hy vọng nếu cô nhận được phần tài sản thừa kế, khoản nợ 300.000 NDT có thể được thanh toán. Tuy nhiên, điều không ai ngờ là người phụ nữ này đã từ chối quyền thừa kế. 

Nghi ngờ cô Từ cố tình từ bỏ thừa kế để trốn nợ, anh Lý tiếp tục đệ đơn kiện người phụ nữ này. Anh lập luận rằng cô Từ ban đầu có ý định tranh chấp thừa kế với anh chị em, thậm chí đã đưa vụ việc ra tòa, nhưng sau đó lại từ bỏ quyền thừa kế một cách bất thường. Theo anh đây là hành vi từ bỏ thừa kế để trốn nợ.

Trước lập luận này, cô Từ cho rằng việc từ chối thừa kế là quyền cá nhân và pháp luật không bắt buộc bất kỳ ai phải nhận tài sản thừa kế. 

Theo đó, Luật Dân sự Trung Quốc quy định rằng người thừa kế có quyền tự do quyết định chấp nhận hoặc từ chối tài sản thừa kế. Quyền này cho phép cá nhân cân nhắc các yếu tố cá nhân và tài chính trước khi đưa ra lựa chọn. Mặc dù quyền từ chối thừa kế là quyền cá nhân, song luật pháp Trung Quốc cũng đặt ra các giới hạn để ngăn chặn việc lạm dụng quyền này. Như việc từ chối thừa kế sẽ bị coi là vô hiệu nếu hành vi này khiến người thừa kế không thể thực hiện các nghĩa vụ pháp lý, chẳng hạn như trả nợ cho chủ nợ.

Trong trường hợp này, cô Từ, người đã vay nợ anh Lý một khoản tiền và được tòa án xác nhận nghĩa vụ trả nợ. Sau khi được quyền thừa kế tài sản từ cha mẹ, cô quyết định từ chối nhận tài sản. Hành vi này khiến cô không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo phán quyết của tòa án. 

Do đó, hành vi từ chối thừa kế của cô Từ bị tuyên vô hiệu, vì trực tiếp xâm phạm quyền lợi hợp pháp của chủ nợ là anh Lý. Hơn nữa, tòa án kết luận rằng hành vi này cấu thành tội không chấp hành phán quyết. Với tình tiết vi phạm nghiêm trọng, cô bị tuyên phạt 8 tháng tù giam.

Vụ việc trên nhấn mạnh rằng quyền từ chối thừa kế được pháp luật Trung Quốc bảo vệ. Song mọi người không thể sử dụng nó như một công cụ để trốn tránh nghĩa vụ pháp lý. Người cho vay có quyền yêu cầu tòa án xem xét tính hợp pháp của hành vi từ chối thừa kế nếu hành vi đó gây thiệt hại cho mình. Quy định này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người cho vay mà còn đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong hệ thống pháp luật Trung Quốc. 

Theo Toutiao