Trừ khi bạn là người “dị biệt”, chúng ta ai trong đời cũng sẽ có lúc gặp người mình không ưa. Theo Deep Patel, tác giả của cuốn sách “Lời nói dối của cậu bé bán báo: 11 Nguyên tắc thành công”, hãy nhớ rằng chúng ta không ai là hoàn hảo cả. Điều đó cũng bao gồm cả bạn.
Suy cho cùng, bạn sẽ không thể cả đời tránh những người mình không thích, thậm chí việc tự đặt ra một bức tường rào về những người mình sẽ không làm việc cùng, bạn có thể đang giới hạn chính mình. Những người thành công luôn biết cách khôn ngoan để đối mặt với người mà họ không thích.
1. Chấp nhận rằng bạn không thể hòa hợp với tất cả mọi người
Chúng ta thường mong rằng tất cả mọi người mà chúng ta gặp sẽ thích mình song sự thật thì điều đó rất khó. Theo Patel, bước đầu tiên để bạn đối phó với những người mà bạn không thích chính là chấp nhận sự thật rằng không giao tiếp với tất cả mọi người là điều hết sức bình thường. Nó không có nghĩa rằng bạn ích kỷ, là người xấu và họ cũng vậy.
Theo nhà tâm lý học, Tiến sĩ Susan Krauss, có khả năng chỉ là bạn và người ấy không phải gu của nhau. Nhà tư vấn, tác giả Beverly D. Flaxington cho rằng, phong cách, hành vi của mỗi người có thể gây ra sự chia rẽ. Trong khi một số người luôn sống lạc quan thì số khác luôn tự nói rằng họ là những người “có suy nghĩ thực tế”; trong khi một số thích nổi bật thì những người khác lại luôn rụt rè.
Chúng ta thường sẽ nỗ lực hơn vào những việc chúng ta thích làm. Cũng giống như khi tương tác với người bạn không thích, bạn sẽ không nỗ lực nhiều và dần dần điều này có thể biến thành sự không ưa, ghét bỏ.
2. Thử suy nghĩ những điều họ nói theo hướng tích cực
Theo Krauss, hãy thử suy nghĩ những lời từ người mà bạn không thích theo hướng tích cực và quan sát họ sẽ hành động ra sao sau đó. Có thể anh rể của bạn hoàn toàn không có ý nói bạn ngốc nghếch, cô đồng nghiệp bàn bên cũng không thực sự muốn gây khó khăn cho công việc của bạn.
Ngay cả khi người bạn ghét đang cố tình muốn cản trở bạn, hãy nhớ rằng việc nổi giận chỉ khiến bạn xấu đi mà thôi.
3. Nhận thức được cảm xúc của chính mình
Nhớ rằng, mọi người chỉ có thể khiến bạn bực tức khi bạn cho phép họ. Bạn chính là người kiểm soát và quyết định cảm xúc của mình, cách bản thân phản ứng với các tình huống. Đừng để cơn tức giận khiến bản thân mất kiểm soát.
Nếu ai đó đang khiến bạn bực mình, hãy nhanh chóng nhận ra cảm xúc đó và “tống” chúng ra khỏi người. Đôi khi, đơn giản việc bạn cần làm chỉ là mỉm cười và gật đầu để cho mọi chuyện qua đi.
Điều quan trọng, là hãy đối xử với mọi người bạn gặp với cùng mức độ tôn trọng. Điều này không có nghĩa bạn phải thật niềm nở với người mình không thích hay làm theo tất cả những gì họ nói. Hãy cư xử văn minh và lịch sự. Làm được điều này, bạn sẽ giữ vững được lập trường của mình, không bị ảnh hưởng bởi người khác và không rơi vào vòng xoáy gây thù hằn với người khác.
4. Đừng chỉ nhìn nhận từ góc độ của mình
Rất nhiều sự bất đồng thực chất bắt nguồn từ sự hiểu nhầm. Khi bạn không đồng ý với ai đó, hãy thử nhìn nhận điều đó từ quan điểm, vị trí của họ. Điều chúng ta cần tập trung là vấn đề, không phải con người.
Nếu bạn cần không gian riêng, hãy tự thưởng cho mình và thư giãn. Tiến sĩ Travis Bradberry từng giải thích điều này một cách đơn giản rằng: “Nếu họ hút thuốc, bạn có ngồi đó cả buổi chiều để hít khói thuốc không? Không! Bạn phải đi ra xa và tận hưởng không khí trong lành chứ!”.
5. Thể hiện cảm xúc một cách bình tĩnh
Thông thường, cách chúng ta giao tiếp quan trọng hơn những gì chúng ta nói. Nếu ai đó liên tục làm phiền bạn và gây ra những vấn đề lớn hơn, Patel cho rằng bạn không nên yên lặng. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, đối đầu không nhất thiết phải hung hăng.
Hãy sử dụng đại từ nhân xưng "Tôi" để bắt đầu, ví dụ như: "Tôi cảm thấy không thoải mái khi bạn làm điều này, vì vậy sẽ tốt hơn khi bạn làm điều khác thay vào đó”.
Bạn càng chia sẻ vấn đề cụ thể, người nghe sẽ càng có khả năng tiếp thu những gì bạn đang nói. Đó cũng là bạn cho đối phương cơ hội chia sẻ câu chuyện của họ.
Krauss gợi ý rằng bạn có thể nhờ một ai đó làm người hoà giải để mang tính khách quan hơn. Bạn không cần làm bạn bè với người mình không thích nhưng bạn có thể tìm ra cách giao tiếp và làm việc cùng nhau hiệu quả. Học cách làm việc với những người mà bạn không thích thực sự là một trải nghiệm rất thú vị và bạn có thể thấy mình vượt qua trở ngại tốt thế nào.
6. Chọn chiến thuật của riêng mình
Không phải mọi thứ đều đáng để bạn dành thời gian và sự quan tâm. Đôi khi, cách giải quyết vấn đề chỉ đơn giản là buông bỏ. Hãy tự hỏi bản thân xem, bạn có thực sự muốn gắn bó với người đó không hay tốt hơn là bản thân nên nỗ lực nhiều hơn, tập trung cho công việc của mình.
7. Đừng chỉ phòng thủ
Nếu bạn nhận thấy ai đó thường xuyên coi thường bạn, tập trung chỉ trích bạn, đừng chỉ chịu đựng. Điều tồi tệ nhất bạn có thể làm chính là chỉ phòng thủ và chịu đựng. Patel nói rằng, điều này sẽ khiến đối phương mạnh thêm. Thay vào đó, hãy tập trung vào họ và chủ động đưa ra những câu hỏi vấn đề cụ thể của họ với điều bạn làm là gì.
Nếu họ bắt nạt bạn, hãy sẵn sàng. Họ muốn bạn tôn trọng họ thì bản thân họ cũng phải làm điều đó bằng cách cư xử văn minh với bạn. Theo nhà thần kinh học, Tiến sĩ Berit Brogaard, những câu chuyện bắt nạt nơi công sở có thể là những chiêu trò bắt nạt người khác phải phục tùng.
Nếu bạn muốn ngầm nhận được sự đồng ý của người khác, những thủ thuật tâm lý sẽ phát huy tác dụng. Nghiên cứu cho thấy, bạn nên nói nhanh hơn khi không đồng ý với ai đó để họ có ít thời gian xử lý những gì bạn đang nói. Nếu bạn nghĩ rằng họ có thể đang đồng ý với mình, hãy nói chậm lại để họ có thời gian tiếp nhận thông điệp.
8. Cuối cùng, hãy nhớ rằng bạn là người quyết định hạnh phúc của mình
Khi tâm trí bạn chỉ quay cuồng, giận dữ vì ai đó, bạn sẽ khó đưa ra được những quyết định đúng đắn. Đừng bao giờ để người khác cản trở thành công hay hạnh phúc của mình.
Nếu những lời nhận xét, phê bình của họ thực sự là để nhắm vào bạn, hãy nghĩ xem bạn đang tự ti về điều gì đó hay lo lắng về công việc? Hãy tập trung vào giải quyết vấn đề của mình thay vì bận tâm về những lời phàn nàn đó.
Không ai có thể sống cuộc sống của bạn và chỉ có bạn mới là người quyết định hạnh phúc của mình. Đừng so sánh bản thân với bất kỳ ai khác, hãy luôn biết yêu thương và trân trọng bản thân mình.