Mỗi ngày, chị Phạm Ngọc Ánh (27 tuổi, nhân viên hành chính), phải đi làm từ nhà tại Hà Đông đến công ty tại đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình) với quãng đường hơn 16km. Vì đã có gia đình, chị Ánh đi chiếc xe ga có cốp lớn. Mỗi lần chị đổ 120.000 đồng là đầy bình xăng và đi được khoảng 5 ngày. Hiện tại, ngoài việc lên công ty mỗi ngày, vì còn phải ghé qua nhà em gái để giúp đi chợ mua đồ nên chỉ chưa đầy 3 ngày, cô gái 27 tuổi đã phải đổ xăng một lần.
Theo chị Ngọc Ánh, không chỉ xăng mà giá lương thực, thuốc men cũng tăng cao. Cô lấy ví dụ, trước đây mỗi lần đi chợ thường mua 5.000 - 10.000 đồng rau xanh là đủ cả nhà 3 người ăn. Hiện tại, người mẹ trẻ này phải chi trung bình 15.000 - 20.000 đồng mới đủ. Ngay cả các loại gia vị như gừng, sả, tỏi... giá cũng tăng cao.
Bên cạnh đó, cả nhà 3 người cũng vừa khỏi COVID-19 nên chị Ngọc Ánh phải tích cực mua hoa quả để tẩm bổ dù chi phí đắt đỏ hơn. Ngoài ra, vì phải làm việc tại văn phòng nên chị thường xuyên sử dụng các dịch vụ giao hàng, giá cả tăng phí ship cũng tăng lên.
“Với thu nhập hàng tháng như hiện tại, mình phải tính toán chi ly và kỹ càng hơn để đảm bảo sinh hoạt gia đình. Giá xăng cao nên mọi chi phí, mua sắm cũng tăng khiến mình mình phải đắn đo hơn. Nhiều hôm mua mớ rau cũng cân nhắc loại nào giá hợp lý mà vẫn đảm bảo cung cấp vitamin cần thiết.
Mình thấy lương nhanh hết hơn hẳn và gần như không có tích lũy trong thời điểm dịch bệnh, giá cả tăng cao như hiện nay. Dịch bệnh đã khó khăn hơn vì tốn nhiều tiền thuốc men, phòng tránh, giờ cái gì cũng tăng theo nên mình thấy rất áp lực”, chị Ngọc Ánh nói.
Thời gian dịch bùng phát, Nguyễn Thu Hà (25 tuổi, freelancer) chủ yếu làm việc từ xa. Thường xuyên ở nhà nên hơn một tháng nay cô không phải đổ xăng cho xe máy vì nếu ra ngoài thì có bạn đón.
Thu Hà cảm thấy lo lắng vì phải sử dụng đến tiền tiết kiệm khi tình hình dịch bệnh và giá cả thị trường leo thang
Theo Thu Hà, trước đây đổ khoảng 100.000 đồng đã đầy bình xăng xe máy, nay với số tiền đó chỉ có thể đổ được 2/3. Vì ít phải đi lại, cô gái 25 tuổi không bị áp lực bởi giá xăng tăng liên tục nhưng lại bị ảnh hưởng ở khía cạnh khác đó là giá thực phẩm, dịch vụ giao hàng ăn uống bị đẩy lên cao.
“Mấy ngày gần đây, giá mỗi đơn đặt đồ ăn qua app đã tăng lên. Nếu ngày trước đặt món hết khoảng 50.000 - 60.000 đồng, đã áp mã giảm giá, thì giờ phải tốn 65.000 - 70.000 đồng. Dù chỉ nhỉnh lên một chút nhưng ngày nào cũng đặt, tính ra mình tốn khá nhiều.
Công việc đợt này cũng gặp khó khăn nên mình phải dùng đến khoản tiết kiệm dành dụm năm ngoái. Giờ đặt đồ ăn ở ngoài hay tự nấu ăn ở nhà cũng đều tốn kém, mình hy vọng tình hình sẽ sớm ổn hơn”, Thu Hà chia sẻ.
Giống như Thu Hà và nhiều người sống độc thân khác, Nguyễn Thùy Trang từng ít khi quan tâm đến giá cả xăng dầu. Trong thời gian gần đây, khi giá xăng tăng từng ngày và nghe bạn bè, đồng nghiệp bàn tán xôn xao, cô cũng để ý hơn.
Thùy Trang quyết tâm thắt chặt chi tiêu, hạn chế đi chơi, ăn uống bên ngoài và mua sắm để vượt qua giai đoạn khó khăn này
“Chưa khi nào mình cảm thấy lo lắng khi đi đổ xăng như vậy. Ngày trước mình chỉ mất khoảng trên dưới 800.000 đồng mỗi tháng để đổ xăng nhưng con số ở thời điểm hiện tại có lẽ sẽ tăng gấp đôi”, Trang nói
Vì vậy, để thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn khó khăn này, nữ nhân viên marketing quyết định sẽ tự chuẩn bị cơm trưa, hạn chế đi chơi hay ăn bên ngoài và giảm bớt mua sắm mỹ phẩm, quần áo.
"Với các khoản chi ăn uống, mua sắm, mình có thể cân đo, đong đếm và tính toán được nên sẽ cố gắng tiết kiệm nhất có thể. Mình phải thật cố gắng để vượt qua giai đoạn này thôi", Thùy Trang bày tỏ.