Người trẻ "giải độc" công nghệ từ đâu?

Tiện ích từ công nghệ cũng mang mặt trái là khiến nhiều người trẻ vướng kẹt giữa thực và ảo, trở nên “nghiện”, xao nhãng đời sống và học tập, không biết “giải độc” từ đâu?

Người trẻ "giải độc" công nghệ từ đâu? - 1

“Nghiện” vì máy móc hiểu mình hơn cả mình

Bùi Mạnh Hùng đang là học viên cao học ngành Khoa học Máy tính tại ĐH Stanford (Mỹ). Chàng trai trẻ này nổi tiếng vì có TOEFL iBT 119/120 và từng nhận học bổng từ 9 trường ĐH lớn của Mỹ như: Stanford, Berkeley, Johns Hopkins, Rice, UCLA…

Là người “sống cùng công nghệ”, nhưng Hùng thừa nhận mình đã phải tìm cách để bớt đi sự phiền toái, dành thời gian cho công việc nghiên cứu, bằng cách tắt hết các "nortification" không cần thiết. Điện thoại của Hùng được dọn dẹp màn hình ở tình trạng đơn giản nhất, xóa hết các ứng dụng không cần thiết cho việc học hoặc dễ thu hút sự chú ý dẫn đến xao nhãng và… cám dỗ.

Mạnh Hùng kể câu chuyện của mình và kết luận: “Công nghệ, mạng xã hội ban đầu được tạo ra để liên kết mọi người. Nhưng ngay nay, các ứng dụng và máy móc có thể thu thập phân tích thông tin cá nhân, máy móc có thể thu thập, hiểu và phân tích được. Trong nhiều trường hợp máy móc còn hiểu chúng ta còn hơn bản thân mình, khi đó mỗi người có thể trở nên bị phụ thuộc. Nghiện công nghệ và giỏi công nghệ là khác nhau. Người giỏi là có thể làm công nghệ, ứng dụng và sử dụng nó để đạt hiệu quả công việc. Nghiện là lệ thuộc hoàn toàn công nghệ”.

Theo thống kê của Digital Việt Nam, một người Việt trung bình hằng ngày dành 6 giờ 30 phút (tức hơn ¼ ngày) để sử dụng/truy cập Internet. Trong đó, khoảng 2 giờ 22 phút cho việc sử dụng các trang mạng xã hội, 2 giờ 09 phút cho việc xem truyền hình, 1 giờ 01 phút cho việc nghe nhạc và các dịch vụ trực tiếp, 1 giờ cho việc chơi điện tử. Điểm đáng chú ý là 70,1% người dùng các trang mạng xã hội ở nước ta có độ tuổi từ 13 đến 34.

Chính việc máy móc hiện nay có thể hiểu rõ về con người, ThS Phạm Công Nhật (chương trình Quản trị Truyền thông, ĐH Sterling (Anh), cho rằng trong thế giới công nghệ hiện nay: “Cái gì sử dụng mà trả tiền thì mình là khách hàng, cái gì sử dụng miền phí thì mình là…sản phẩm”. Người trẻ, nhất là gen Z, trở nên nghiện vì công nghệ quá hiểu mình.

Mỗi ngày, công nghệ và thuật toán kết nối người trẻ đến hàng trăm lời mời, dịch vụ trải nghiệm trên mạng nhưng thực chất là thu thập dữ liệu. “Nghiện” khiến thế giới quan của người trẻ trở nên hạn hẹp: “khi bạn like, share nhiều về một chủ đề nào đó, các thuật toán sẽ làm cho thế giới quan trở nên hạn hẹp hơn vì chỉ giúp bạn tiếp xúc với người có cùng quan điểm. Càng ít góc nhìn khác, thế giới quan càng nhỏ bé và buồn tẻ. Dần dà, khả năng tranh luận của mỗi người trở nên hạn chế, bảo vệ cái tôi bằng mọi giá vì ít đi góc nhìn”, ThS Phạm Công Nhật phân tích. Thêm vào đó: “Giới trẻ thích tra trên mạng những thắc mắc, thay vì hỏi người thân. Đây là một cách bị thu thập thông tin, phụ thuộc công nghệ. Dần dà, máy móc có thể hiểu mình hơn”

“Cai nghiện” từ đâu?

Theo ThS Nguyễn Trung Nghĩa, giảng viên khoa Tâm lý học (ĐH KHXHNV, ĐHQG TP. HCM), Bác sĩ tại Trung tâm Tâm lý Touching Soul Center, công nghệ là khái niệm trung tính, không vướng kẹt vào chuyện xấu hay tốt, quan trọng là cách sử dụng.

“Nghiện là hành vi lặp đi lặp lại thành thói quen, tạo ra cảm giác thèm nhớ, thúc đẩy tìm kiếm sử dụng và bất chấp hậu quả. Nghiện công nghệ không căn cứ vào lượng thời gian sử dụng mà tùy mà vào mục đích”.

Nhiều người trẻ mắc kẹt trong quỹ thời gian dành cho công nghệ, mạng xã hội dẫn đến sao nhãng và xa rời cuộc sống thật. Từ góc độ truyền thông, ThS Phạm Công Nhật cho rằng, nghiện hay không nghiện không quan trọng bằng muốn thoát khỏi nó hay không? Con người chỉ tập trung cao nhất 3-4 giờ trong ngày. Càng ít sử dụng mạng xã hội càng đỡ xao nhãng: “Dành bao nhiêu thời gian cho công nghệ không quan trọng, mà là hiệu quả công việc và giá trị mà nó mang lại. Tạo ra nhiều tiền chỉ mang đến niềm vui, tạo ra nhiều giá trị mới mang đến hạnh phúc”.

Người trẻ "giải độc" công nghệ từ đâu? - 2

"Tìm gốc rễ vấn đề quan trọng hơn đề ra biện pháp", theo BS Nguyễn Trung Nghĩa.

Gốc rễ của việc “giải độc” này, theo BS Nghĩa, chính là câu hỏi vì sao lại nghiện? Nhiều bạn trẻ “nghiện” mạng xã hội, Internet vì không tìm thấy sự kết nối ở chính bên trong cuộc sống hoặc nỗi đau, stress nào đó mà không đối mặt được. Khi đó, người trẻ cần một ai đó đủ kinh nghiệm để hướng dẫn, hoặc tự đối mặt mà vượt qua. Tìm gốc rễ vấn đề quan trọng hơn đề ra biện pháp.

“Nghiện” lâu ngày có thể làm thay đổi cấu trúc não bộ chứ không đơn thuần là ý chí. Nếu để hành vi lặp lại một cách vô thức càng nhiều, vỏ não yếu đi khiến khả năng kiểm soát mất dần. Cho rằng nghiện đơn thuần thuộc về ý chí và cố gắng chữa bằng những khuyến khích như “mạnh mẽ lên đi” hoặc bắt ép, chỉ dẫn đến thất bại”.

Sự khác nhau giữa thế giới thực và ảo khiến nhiều bạn trẻ mắc kẹt, ngại ngùng bước ra đời thực. Theo BS Nghĩa, mạng xã hội giả tạo hay không do chính người đưa thông tin lên quyết định.

“Người đăng các clip, câu chuyện khôi hài chưa hẳn đã là người lạc quan vui vẻ. Không hẳn những người nhiều suy tư, trầm buồn, sâu sắc là những cái đầu đầy ắp phản biện, tư duy logic về cuộc sống. Nếu người trẻ nhận thức được điều đó sẽ lựa chọn cho mình cách tiếp nhận và đưa thông tin. Tách bạch được đời sống cá nhân và công cụ sẽ không thất vọng về sự không giống nhau giữa ngoài đời và trên mạng”, ông phân tích.

Để “giải độc”, ông Nghĩa cho rằng: “Tách mình khỏi công nghệ chỉ là phần nhỏ, cần có hành vi thay thế, lấp vào khoảng trống. Khi phát hiện đang lướt mạng xã hội một cách thức, bạn có thể đứng dậy làm một vài động tác thể dục, đọc 2 trang sách. Dần dần những hành vi thay thế đó sẽ giúp cải thiện dần".