Bộ Gia đình Hàn Quốc cho biết, biện pháp mới này nhằm khuyến khích nhóm thanh niên khép mình có động lực quay lại trường học, tìm việc làm và “trở lại cuộc sống bình thường”.
Bộ cho biết trong thông cáo báo chí rằng những thanh niên sống “ẩn dật” từ 9 đến 24 tuổi đủ điều kiện nhận trợ cấp hàng tháng.
Chính phủ sẽ trả 500 đô một tháng (gần 12 triệu VNĐ) cho thực phẩm, quần áo, nhà ở và các chi phí sinh hoạt khác của thanh niên.
Một thanh niên đủ điều kiện sẽ nhận được tiền dưới dạng hàng hóa hoặc tiền mặt được gửi vào tài khoản ngân hàng. Người phát ngôn cho biết trong trường hợp họ dưới 18 tuổi, tiền sẽ được gửi vào tài khoản của cha mẹ, ông bà, và có sự đồng thuận của họ. Ngoài ra, sau khi đăng ký nhận khoản trợ cấp thành công, họ không cần phải tiếp tục chứng minh rằng mình vẫn đang ra ngoài đường và “hòa nhập với xã hội”.
Ngày càng nhiều những “kẻ cô độc”
Khoảng 338.000 người trong độ tuổi từ 19 đến 39 ở Hàn Quốc đã trở thành những kẻ “cô độc ẩn dật”, theo thông cáo báo chí của Bộ, trích dẫn số liệu thống kê năm 2022 từ Viện Y tế và Các vấn đề Xã hội Hàn Quốc.
Đặc biệt, những thanh thiếu niên trẻ có xu hướng tự nhốt mình ở nhà trong thời gian dài, có thể là vài tháng cho đến vài năm, quyết tâm không thèm đi học, đi làm. Hiện tượng này lập tức khiến chúng ta nhớ đến những hikikomori ở Nhật Bản. Theo ước tính của các quan chức Nhật Bản, số lượng thanh niên hikikomori sống khép mình hiện rơi vào khoảng 1 triệu người.
Theo thông cáo báo chí của chính phủ, nhiều thanh niên cô lập mình sống trong các gia đình nghèo khó, họ sớm đã có dấu hiệu muốn tách mình ra khỏi xã hội. Có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng trên, có thể vì họ gặp các sang chấn tuổi thơ, bị bắt nạt ở trường học, áp lực học tập, xung đột gia đình hoặc thiếu sự quan tâm của cha mẹ.
Trong các nghiên cứu do Bộ Gia đình Hàn Quốc cung cấp, có một thanh niên 17 tuổi giấu tên cho biết em bắt đầu sống ẩn dật từ khi 15 tuổi vì bạo lực gia đình.
Em mô tả mình là một "người thờ ơ, hầu hết thời gian là ngủ" và chỉ ăn để tồn tại.
"Rất khó rời khỏi nhà. Ngay cả khi em lấy hết can đảm để bước ra ngoài rồi thì vẫn không thể nhìn vào mắt của mọi người mà giao tiếp đàng hoàng”, người thanh niên 17 tuổi cho biết.
Ngay cả khi ra ngoài thì vẫn rất khó để tương tác với mọi người xung quanh
Các nhà chức trách lo ngại sự cô lập kéo dài có thể khiến thanh niên này dễ mắc chứng trầm cảm và bị kìm hãm sự phát triển thể chất do lối sống không điều độ, thiếu dinh dưỡng.
Hàn Quốc đang chạy đua để chuẩn bị cho việc dân số độ tuổi lao động sụt giảm đến mức đáng báo động trong thời gian tới. Các chuyên gia lo ngại xu hướng này dẫn đến sự mất cân bằng về sự phân bố nguồn lao động ở Hàn Quốc, khi chỉ có một số lượng nhỏ công nhân cố gắng hỗ trợ số lượng người về hưu ngày càng tăng.
Trong khi đó, giá nhà đất tăng cao và tình trạng mất việc cũng diễn ra ngày một phổ biến ở Hàn Quốc đang đặt ra một áp lực tài chính khổng lồ trên vai thế hệ trẻ.
Theo một cuộc khảo sát của chính phủ năm 2019, hơn 1/4 người Hàn Quốc từ 20 đến 39 tuổi từng được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Và các nghiên cứu vào năm 2019 và 2021 cho thấy gần 1/3 học sinh cấp 2 và cấp 3 của Hàn Quốc đã nghĩ đến việc tự tử vì áp lực học tập.
Người trẻ còn nhận được khoản trợ cấp nào khác không?
Khoản trợ cấp 500 đô hằng tháng cho thanh niên sống khép kín có liên quan đến Đạo luật hỗ trợ phúc lợi cho thanh niên của Hàn Quốc.
Các khoản tài trợ khác của chính phủ dành cho thanh thiếu niên theo Đạo luật bao gồm 1.500 đô (35 triệu VNĐ) mỗi năm cho chi phí y tế, tối đa 577 đô (13,5 triệu) hằng tháng cho học phí, 277 đô (6,5 triệu VNĐ) mỗi tháng cho dịch vụ hỗ trợ việc làm và 230 đô (5,4 triệu VNĐ) cho các dịch vụ tư vấn sức khỏe tâm thần.
Chính phủ cũng trích một phần nhỏ để các thanh niên “sửa sang” lại ngoại hình
Một số thanh niên cũng đủ điều kiện nhận 2.700 đô (63 triệu VNĐ) hằng năm để trả phí pháp lý và 230 đô (5,4 triệu VNĐ) hằng tháng cho các trải nghiệm văn hóa.
Người phát ngôn của Bộ cho biết chính phủ thường nhận được đơn đăng ký của các thanh niên không đi học, có nguy cơ phạm pháp, không được giám sát hoặc đến từ các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn mức trung bình.
Ngoài ra, chính phủ cũng trích một phần nhỏ để các thanh niên “sửa sang” lại ngoại hình. Họ có khả năng nhận được 230 đô (5,4 triệu VNĐ) tiền mặt hỗ trợ cho phẫu thuật thẩm mỹ, đây là khoản chi trả cho việc sửa sẹo, hình xăm, mất răng hoặc biến dạng khuôn mặt, khiến họ khó tương tác, trò chuyện với bạn bè đồng trang lứa trong cuộc sống hàng ngày.