Ban tổ chức cũng như các giám khảo đã cùng nhau theo dõi hành trình làm việc của các nhà làm phim trẻ và tìm ra top 3 tác phẩm xứng đáng được vinh danh ở vị trí cao nhất cuộc thi.
Top 3 nhà làm phim xuất sắc nhất trong cuộc thi
Người xuất sắc giành hạng nhất thuộc về tác phẩm Khu rừng của Páo - Nguyễn Phạm Thành Đạt . Bộ phim của anh kể về một chàng trai người dân tộc thiểu số H’Mông lấy vợ từ khi mới 14 tuổi theo phong tục tập quán của quê nhà. Nhưng khi Páo dần trưởng thành thì bất ngờ nhận ra tình yêu của mình dành cho một cô gái khác. Páo phải đấu tranh giữa việc tiếp tục duy trì trách nhiệm gia đình của một người con H’Mông hay từ bỏ tất cả để chạy theo tình yêu cá nhân.
Dự án “Khu rừng của Páo” khai thác chủ đề tập tục của dân tộc thiểu số H’Mông ở vùng rừng núi Tây Bắc
Khai thác chủ đề về văn hoá tập tục lâu đời của dân tộc thiểu số ở Việt Nam, “Khu rừng của Páo” ghi dấu ấn nhờ những khung hình mang đậm màu sắc núi rừng Tây Bắc. Được biết, tình tiết trong phim dựa theo câu chuyện có thật ngoài đời của một người bạn của Thành Đạt.
Chia sẻ về thành tích này, Thành Đạt gửi lời biết ơn đến chương trình đã tạo ra “sân chơi” cho những người trẻ mê làm phim: “Trước đây em chỉ tiếp xúc với việc làm phim thông qua bài tập trong trường điện ảnh, đây là lần đầu em bước ra ‘sân chơi’ lớn thế này. Hôm nay cầm chiếc cúp ở đây, em rất cảm kích mọi người đã giúp những người trẻ như chúng em có cơ hội tiếp xúc với công việc sản xuất phim ảnh”.
Nguyễn Trần Ái Nhi với dự án “Vẹt con” đạt giải nhì của cuộc thi
Phan Ngọc Thanh Ngân đạt giải ba với dự án “Đứng giữa lằn ranh”
Hai dự án đạt giải còn lại lần lượt thuộc về “Vẹt con” của Nguyễn Trần Ái Nhi (hạng nhì) và “Đứng giữa lằn ranh” của Phan Ngọc Thanh Ngân (hạng ba).
Tác phẩm “Vẹt con” được sản xuất bởi một cô gái du học sinh ở Đức. Câu chuyện trong phim kể về một chàng trai tên Erik (25 tuổi) và cuộc gặp gỡ với bác Thu (54 tuổi). Mục đích chuyến đi ra nước ngoài của bác Thu lần này là để nhận lại di vật của Minh – con trai bác, cũng là bạn trai của Erik trong thời gian sống ở Đức. Với tâm lý của một người mẹ, bác Thu muốn mang tro cốt của Minh về Việt Nam nhưng Erik thì chưa sẵn sàng.
“Đứng giữa lằn ranh” lấy bối cảnh trong một chiếc taxi với rất nhiều nhân vật xuất hiện
Trong khi đó, dự án “Đứng giữa lằn ranh” lại mang một màu sắc khác biệt khi kể về chuyến hành trình của một người đàn ông trên xe taxi đến điểm hẹn – nơi anh đoàn tụ cùng gia đình. Dọc đường đi, anh gặp gỡ rất nhiều người bạn đồng hành xa lạ nhưng đến cuối cùng mới chợt phát hiện, những con người ấy thật ra rất thân quen.
Cuộc thi phim ngắn “Việt Nam của tôi” được tiếp sức bởi Sáng kiến “Quỹ vẻ đẹp Điện ảnh - Kinh tế Sáng tạo Việt Nam” của Netflix. Cuộc thi nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các phía, trong đó có Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng với Cục Điện ảnh Việt Nam. Ra mắt lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2021 với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đánh dấu là Sáng kiến Quỹ Kinh tế Sáng tạo đầu tiên của Netflix tại Việt Nam nhằm hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo của đất nước và các nhà làm phim Việt Nam từ các cộng đồng ít được biết đến, mang tới nhiều cơ hội để tiếng nói của họ được lắng nghe. Suốt hơn 6 tháng diễn ra cuộc thi, có hơn 200 tác phẩm gửi về cho chương trình. Ban tổ chức tiến hành chấm chọn top 10 phim chất lượng nhất để trao tặng kinh phí sản xuất trị giá 230 triệu đồng (tương đương 10.000 USD).
Trước đó, Quỹ Vẻ đẹp điện ảnh – Kinh tế sáng tạo Việt Nam đã công bố con số lên gần 5 tỷ đồng với mục đích hỗ trợ cộng đồng làm phim yếu thế ở Việt Nam như các nhà làm phim nữ giới, người thuộc dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người có hoàn cảnh sống khó khăn hay người thuộc cộng đồng LGBT+. Thông qua cuộc thi, ban tổ chức muốn tìm kiếm những nhà làm phim trẻ xuất sắc nhất để góp phần đưa điện ảnh Việt Nam lên một tầm cao mới, vươn xa hơn trong tương lai.