Sống sao để hòa hợp được với đại gia đình nhà chồng là cả một "thử thách" vô cùng lớn đối với mỗi phụ nữ khi kết hôn. Đôi khi không phải chúng ta cứ sống hết lòng là sẽ được nhận lại tình cảm quý mến của anh em nhà chồng. Giống tâm sự của nàng dâu trong câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Chuyện cô kể như sau: "Chồng em là út nhưng lại thành trưởng vì nhà chỉ có anh là con trai, trên là 2 chị gái. Ngày hai đứa em kết hôn, 2 chị gái anh đều đã đi lấy chồng, em mừng thầm nghĩ thoát cảnh sống chung với 'giặc Ngô'. Thế nhưng cuối cùng cũng có được yên thân với 2 chị chồng đâu.
Cả 2 chị chồng em đều ở gần nhà đẻ nên hay về lắm. Hầu như cuối tuần nào hai nhà đó cũng kéo nhau về bên ngoại tụ tập ăn uống. Các chị ấy toàn cậy mình là lớn, đùn hết việc cho em dâu làm. Có hôm em phải nấu cơm cho chục người lớn với 7 đứa trẻ con. Ăn xong các chị chồng bật karaoke ngồi hát, mình em lại còng lưng dọn dẹp.
Thi thoảng mẹ chồng em thấy các chị ấy vô duyên quá, bà ngại con dâu cũng nhắc 2 con gái rằng sang nhà thì phải chủ động cùng làm với em dâu nhưng các chị ấy toàn cười nửa đùa nửa thật nói rằng dâu là con, gái đi lấy chồng về chơi chỉ là khách".
Nàng dâu này kể, cũng bởi 2 chị chồng không bao giờ biết san sẻ hay thông cảm với cô nên dù đã về làm dâu 4 năm nhưng quan hệ giữa cô với chị chồng vẫn không thể nào gần gũi, thân thiết được, mặc dù bản thân cô đã cố gắng rất nhiều. Đặc biệt khi nhà có công việc, trọng trách làm dâu trưởng của cô lại càng nặng nề hơn khi không nhận được sự giúp đỡ của chị em bên nhà chồng.
Cô kể: "Cuối tuần vừa rồi là giỗ ông nội chồng em. Bố mẹ chồng em làm 3 mâm để con cháu trong nhà về sum vầy thắp hương ông. Tuy nhiên hôm ấy công ty em có việc đột xuất nên dù đã xin nghỉ nhưng sếp vẫn gọi lên giải quyết.
Xong việc là 10h, em vội vàng quay về luôn. Khi ấy 2 chị chồng em cũng vừa mới sang được 1 lúc. Họ đang dọn cỗ lên thắp hương, thấy em về cả 2 chị ấy đều tập trung chỉ trích em rằng: 'Gớm, dâu trưởng nhà này sướng nhỉ. Nhà có giỗ mà đi tới giờ ăn mới về. Kể ra mợ cũng giỏi trốn việc đấy chứ'.
Cứ thế 2 người họ xối xả mắng em rằng làm dâu trưởng mà vô trách nhiệm. Thực tình nghe chị chồng nói em cũng ức chế muốn nói lại vài lời nhưng nghĩ nhà đang đông người nên đôi co lúc ấy sẽ không hay. Tuy nhiên đúng lúc đó chồng em đi từ dưới bếp lên, nghe 2 chị gái nói vợ mình thế, anh cười nhạt bảo: 'Người trốn là 2 chị đó. Rõ ràng tối qua đích thân mẹ gọi điện dặn 2 chị về sớm cùng vợ em nấu cỗ thắp hương, đừng để mình em dâu xoay sở như mọi khi. Vậy là các chị vẫn đúng giờ ăn mới về. 3 mâm cỗ hôm nay đều do 1 tay vợ em làm đó. Cô ấy dậy từ 3h sáng, làm xong mới lên công ty chứ không phải là tránh việc như các chị nghĩ đâu. Các chị đừng có từ bụng ta suy ra bụng người như thế'.
Chồng em nói xong lại thêm bố mẹ chồng cùng gay gắt nói thêm. Thậm chí mẹ chồng em còn bảo: '2 đứa bỏ ngay cái kiểu về nhà là hạnh họe chia trách nhiệm với em dâu đi. Sao lúc ăn thì cấm thấy chia trách nhiệm mà lúc làm lại đùn hết cho em nó'.
2 chị chồng em im thin thít, cấm ai nói thêm được câu nào. Còn em nghe xong liền ngẩng cao đầu đi vào phòng, trong lòng cũng hả hê lắm".
Áp lực của cảnh làm dâu chỉ những người từng trải qua mới thấm hết được. Vậy nên cùng là phụ nữ, giá như 2 chị chồng trong câu chuyện trên cũng thấu cho lòng em dâu thì có phải cảnh làm dâu của chị em sẽ vơi đi bao phần vất vả. Tên gọi "giặc ngô bên chồng" kia từ đó cũng không còn là nỗi ám ảnh với mỗi cô gái khi về nhà chồng.