Nhà sản xuất Phạm Ngọc Quốc Cường: Định vị Jazz dành cho “quý ông”

"Muốn chơi được nhạc Jazz phải có trình độ chuyên môn cao và khả năng ứng tấu. Ở sân chơi Nam Jazz Night, tất cả là một khối. Ngay cả anh em ban nhạc cũng được đầu tư để có phong thái xứng tầm. Tôi muốn Tuấn Nam hay Quyền Thiện Đắc trên sân khấu không chỉ là nhạc công mà còn toát lên phẩm chất “quý ông.”

Hai đêm Jazz Fusion Concert thuộc chuỗi chương trình Nam Jazz Night vừa khép lại với dư âm tròn đầy và lãng mạn. Nói là lãng mạn, bởi cũng đã rất lâu rồi, Jazz mới được thênh thang vang lên tại thánh đường Nhà hát Lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - không gian thiêng liêng gọi tên cái đẹp mẫu mực của nghệ thuật. Với hai đêm nhạc này, người ta thấy, các thế hệ theo đuổi khát vọng Jazz như Quyền Văn Minh- Quyền Thiện Đắc- Tuấn Nam... không còn đơn độc. Sau hơn nửa thế kỷ, từ Quyền Văn Minh, Jazz Việt vẫn là con đường độc đạo nhưng đến Tuấn Nam đã xuất hiện người đồng hành. Cái bắt tay của nhà sản xuất đã định vị “Nam Jazz Night” không còn là cuộc dạo chơi của một nhạc công, thay vào đó một sân chơi chuyên nghiệp của những “quý ông” mở ra một đường băng để Jazz Việt cất cánh.

Nhà sản xuất Phạm Ngọc Quốc Cường: Định vị Jazz dành cho “quý ông” - 1

- Xin chào ông Phạm Ngọc Quốc Cường. Trong cương vị giám đốc sản xuất của chuỗi Nam Jazz Night, xin chúc mừng ông và ê kíp đã thực hiện thành công hai đêm Jazz Fusion Concert ở Nhà hát Lớn Hà Nội (16/8) và Thành phố Hồ Chí Minh (18/10). Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 làm ngừng trệ mọi hoạt động biểu diễn, việc thực hiện hai đêm nhạc chỉ cách nhau hai tháng có phải là “tất tay” quá không?

Nói “tất tay” cũng là đúng, nhưng không phải cái vung tay khoa trương. Bối cảnh này quá nhiều khó khăn để mà chơi trội. Tôi nghĩ đó là cú liều để tôi và Tuấn Nam quyết liệt và hết mình; với quyết tâm tạo ra một chuỗi chương trình, một sân chơi không khoảng cách không thoả hiệp và một hệ sinh thái để nhạc Jazz có đời sống trong thị trường âm nhạc Việt Nam. Rất mừng là đêm đầu tiên ở Nhà hát Lớn Hà Nội thật sự thuyết phục được khán giả và truyền cảm hứng, niềm tin cho chúng tôi.

- Là một doanh nhân, điều gì dẫn lối ông đến địa hạt âm nhạc. Nói theo ngôn ngữ kinh tế thì điều gì thuyết phục ông “đầu tư” cho Nam Jazz Night?

Đầu tiên là sở thích cá nhân. Tuy làm về lĩnh vực đầu tư tài chính nhưng suốt thời niên thiếu tôi cũng tham gia phong trào ban nhạc. Tôi chơi trống trong một ban nhạc rock sinh viên. Du học ở Pháp, tôi quyết tâm trở về để tìm kiếm cho mình cơ hội, cũng như mong muốn kiến tạo một giá trị gì đó cho quê hương. Lý do dẫn tôi đến với Jazz chính là Tuấn Nam. Khi Nam ngồi vào cây đàn như cá về với nước. Tôi bị thuyết phục bởi tâm hồn nghệ sỹ, chất khù khoằm nhưng tài năng của Nam. Ở cú rẽ Nam rời ban nhạc Anh Em và muốn theo đuổi khát vọng Jazz, tôi muốn trở thành người đi bên cạnh cùng hiện thực hoá một sân chơi xứng tầm cho Jazz Việt.

Nhà sản xuất Phạm Ngọc Quốc Cường: Định vị Jazz dành cho “quý ông” - 2

"Muốn chơi được nhạc Jazz phải có trình độ chuyên môn cao và khả năng ứng tấu. Ở sân chơi Nam Jazz Night, tất cả là một khối. Ngay cả anh em ban nhạc cũng được đầu tư để có phong thái xứng tầm. Tôi muốn Nam hay Quyền Thiện Đắc trên sân khấu không chỉ là nhạc công mà còn toát lên phẩm chất “quý ông.” - Nhà sản xuất Phạm Ngọc Quốc Cường chia sẻ.

- Sau hơn nửa thế kỷ, Jazz Việt vẫn bị định kiến là “con ghẻ” kén cả người chơi nhạc lẫn người nghe. Quyết định của anh có giống “đường quang không đi lại đâm vào bụi rậm” không?

Khi bạn lựa chọn trở thành người “khai hoang” thì cần xác định ban đầu rất ngổn ngang. Đến những lão đại như Quyền Văn Minh và Quyền Thiện Đắc đều lắc đầu nói “phát triển nhạc Jazz ở Việt Nam quá khó” khi mà đại đa số đều chưa quen và thích, hiểu nhạc Jazz là gì thì thứ âm nhạc đó chỉ nên chơi như thú đam mê. Ở góc độ nhà đầu tư, tôi cũng có cái thú “nhúng tay” vào những địa hạt mà ít người khai thác. Nguyên tắc của người đầu tư là đi những con đường mà chưa ai đặt chân tới. Jazz lại là dòng nhạc rất sang trọng và ngẫu hứng. Tôi muốn cùng cộng sự của mình tạo ra một sân chơi, đặt chân tới một mảnh đất hoang và bắt đầu gieo những hạt mầm đầu tiên.

- Trong đêm Jazz Fusion Concert tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nghệ sỹ Quyền Văn Minh có xúc động chia sẻ, đại ý: “Nam Jazz Night” giống như một đường băng đưa Jazz lên một đẳng cấp mới. Sau nửa thế kỷ theo đuổi khát vọng Jazz, khoảng cách từ Bình Minh Jazz ra Nhà hát Lớn vừa gần lại vừa xa. Đó có phải lý do cả hai đêm Nam Jazz Night đều được thực hiện ở thánh đường nhà hát?

Chúng tôi định vị Jazz là dòng nhạc sang trọng. Chẳng có nơi nào tôn vinh nghệ thuật và nghệ sỹ bằng thánh đường nhà hát. Những không gian nhỏ hay ngoài trời việc lắp đặt âm thanh sẽ không đảm bảo. Điều tôi muốn thay đổi đó là tiêu chuẩn đồng bộ cả về tổ chức, truyền thông và chất lượng nghệ thuật. Đồng bộ cũng có nghĩa là chuyên nghiệp. Việc của tôi là đặt mỗi người vào đúng thế mạnh của họ. Nguyên lý của nhà đầu tư tài chính là “trứng để vào nhiều giỏ” nhưng trong nghệ thuật không thể áp dụng “xấu đều hơn tốt lỏi.” Nhạc hay thì mới có thể níu chân khán giả ngồi lại đến phút cuối cùng. 

- Không chỉ thay đổi về quy trình sản xuất, người ta cũng thấy anh “nhúng tay” thay đổi diện mạo của Tuấn Nam theo chiều hướng Business Man. Đó là tín hiệu khẳng định mỗi quan hệ “tuy hai là một” của nhà sản xuất và nghệ sỹ?

Bản chất nhạc jazz là nỗi lòng, là chậm rãi, thư giãn, sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên Jazz hợp không gian ấm cúng và sang trọng. Các nghệ sỹ phải có bề ngoài , phong thái phù hợp. Đó là sự bài bản và chỉnh chu. Tôn trọng mình chính là tôn trọng thứ âm nhạc mình theo đuổi và khán giả. Muốn chơi được nhạc Jazz phải có trình độ chuyên môn cao và khả năng ứng tấu. Ở sân chơi Nam Jazz Night, tất cả là một khối. Ngay cả anh em ban nhạc cũng được đầu tư để có phong thái xứng tầm. Tôi muốn Nam hay Quyền Thiện Đắc trên sân khấu không chỉ là nhạc công mà còn toát lên phẩm chất “quý ông.”

- Ở góc độ nhà sản xuất, anh thấy điều gì cần thay đổi ở nghệ sỹ (và khó nhất) để chuyên nghiệp và tiếp cận thị trường?

- Là cái tôi. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Có cái tôi mới có cá tính và bản sắc. Nhưng nếu không biết dung hoà, cái tôi sẽ thành cái tội giết chết sự phát triển của âm nhạc. Trong một đội bóng mà tất cả đều là tiền đạo thì sẽ thất bại.

Nhà sản xuất Phạm Ngọc Quốc Cường: Định vị Jazz dành cho “quý ông” - 3

Nhà sản xuất Phạm Ngọc Quốc Cường và nghệ sĩ Tuấn Nam 

- Có chuyện bất đồng quan điểm “bằng mặt không bằng lòng” không?

Đi đến thời điểm này chúng tôi vẫn đang bằng mặt và cả bằng lòng (cười). Tôi vẫn nói với Nam, âm nhạc cũng như mọi sản phẩm, không phải chỉ phục vụ cái sở thích của mình. Điều khó nhất và ý nghĩa nhất là được làm cái mình thích một cách tốt nhất để tiếp cận với phân khúc khán giả và tiếp cận khách hàng.

- Lâu nay vẫn có một tuyên bố “Việt Nam chưa có thị trường âm nhạc đúng nghĩa”. Ở thời điểm này, theo nhận định của anh?

Việt Nam luôn là một thị trường hấp dẫn nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn. Thị trường âm nhạc cũng vậy. Khán giả Việt Nam khó thay đổi những luôn thích cái mới. Một thị trường đã ổn định rồi sẽ khó thay đổi và bứt phá. Điều tôi và Nam đồng điệu, đồng lòng là muốn làm những điều chưa ai làm hoặc chưa chinh phục được. Quyết định thực hiện chuỗi Nam Jazz Night chúng tôi cũng không biết là sẽ đi đến đâu. Nhưng một điều may mắn là có rất nhiều anh em chung vai gắng sức.

Nhà sản xuất Phạm Ngọc Quốc Cường: Định vị Jazz dành cho “quý ông” - 4

Nhà sản xuất Phạm Ngọc Quốc Cường: Định vị Jazz dành cho “quý ông”

- Sau hai đêm Jazz Fusion Concert, Nam Jazz Night sẽ “cất cánh” ra sao?

Nam Jazz Night không chỉ một chuỗi, với vài đêm nhạc. Lý tưởng của Nam Jazz Night là sân chơi đúng nghĩa, chuyên nghiệp cho Jazz. Chúng tôi vui vì các nghệ sỹ, các ca sỹ rất hào hứng. Tình yêu với nhạc Jazz đã khiến mọi người vun vén, nhén nhóm khát vọng Jazz bùng cháy. Thực sự Jazz ẩn chứa sóng hấp dẫn, kết nối bè bạn và tạo nhiều cảm hứng tươi mới. Từ đáy lòng mình, tôi muốn nói lời cảm ơn các nghệ sỹ đã đồng lòng cùng với chúng tôi, đặc biệt có sự đồng hành của các thương hiệu đẳng cấp. Chính nguồn lực tinh thần này chắp cánh cho tôi và Nam tự tin và quyết tâm hơn. Tương lai gần, trên đường băng cất cánh, chúng tôi sẽ biến Nam Jazz Night thành đại nhạc hội Jazz quốc tế. Ngoài len lỏi tới các dòng nhạc, kết nối người yêu Jazz, chúng tôi sẽ vươn tới những bè bạn quốc tế. Đó là giấc mơ mà tôi và Nam đang ấp ủ.

- Xin chân thành cảm ơn ông!