1.Tôi tìm đến ngôi nhà ở số 18 Lương Tấn Thịnh, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên giữa buổi sáng tháng 5. Nhìn gương mặt rạng rỡ và nụ cười thân thiện của vợ chồng ông bà Phan Thanh Bình - Phan Thị Mùi, thân sinh GS.TS Phan Thành Nam, tôi cảm nhận niềm vinh hạnh của một gia đình có hai người con thành danh.
Ông Bình chia sẻ rất chân tình: “Nam từng là học sinh giỏi Văn cấp tỉnh khi đang ở bậc trung học cơ sở, nhưng lại đam mê Toán học và Vật lý, nên thi vào Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh – Phú Yên và trở thành học sinh chuyên Toán niên khóa 2000 - 2003. Trong suốt 12 năm đi học văn hóa phổ thông, chưa bao giờ Phan Thành Nam và em trai là Phan Thành Việt bị ép đi học thêm, vợ chồng tôi để cho con tự do phát triển theo sở thích và niềm đam mê.
Hai anh em lần lượt vào chuyên Toán Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh rồi Khoa Toán Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và được những bậc thầy nổi tiếng như Dương Minh Đức, Đặng Đức Trọng giảng dạy, truyền lửa đam mê…”.
Nhớ lại con đường đưa mình đến với duyên nghiệp Toán học, GS.TS Phan Thành Nam chia sẻ: “Trước khi vào học chuyên Toán ở Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh – Phú Yên, tôi từng đọc “Các nhà Vật lý đi tiên phong”.
Đó là một quyển sách rất hay, ở đó các nhà bác học như Faraday được mô tả như những anh hùng. Tôi rất muốn học theo hướng đó để hiểu những gì họ làm. Trong sách chỉ dẫn muốn hiểu Vật lý phải học Toán nên tôi khởi sự từ Toán học, đến khi làm tiến sĩ mới chuyển hướng Vật lý - Toán theo định hướng ban đầu”.
Năm đầu tiên ở Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phan Thành Nam gây bất ngờ với bạn bè khi lập kỳ tích đầu tiên bằng tấm Huy chương Vàng môn Toán tại kỳ thi Olympic các tỉnh phía Nam.
Đến năm lớp 11 cậu học trò này không chỉ tiếp tục đoạt Huy chương Vàng môn Toán tại kỳ thi Olympic các tỉnh phía Nam, mà còn đạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia không có giải Nhất và được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn vào đội dự tuyển thi chọn Đội tuyển Olympic Toán quốc tế năm 2002.
Tốt nghiệp THPT năm 2003, Phan Thành Nam được tuyển thẳng vào đại học và trở thành sinh viên lớp tài năng Toán học Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học hạng xuất sắc năm 2007, Nam được giữ lại trường để tiếp tục theo học thạc sĩ Toán ứng dụng trong chương trình liên kết với Đại học Orléans - Cộng hòa Pháp. Chỉ sau một năm, Nam đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ tại Pháp với số điểm 19,6/20 và là thủ khoa năm 2008.
Phan Thành Nam (bên trái, hàng dưới) trong đội hình luyện tập quân sự khi còn là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Con đường du học đã đưa Nam trở thành nghiên cứu sinh với học bổng toàn phần tại 4 trường đại học danh tiếng ở Pháp, Mỹ, Đan Mạch và Ý, nhưng Nam đã chọn điểm đến là Đại học Copenhagen - Đan Mạch để theo đuổi chuyên ngành Toán lượng tử và đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2011, khi mới 26 tuổi.
Không dừng lại ở đó, ngọn lửa đam mê khoa học vẫn bùng cháy trong tâm trí của TS Phan Thành Nam, năm 2011 Nam tiếp tục hành trình nghiên cứu sau Tiến sĩ (postdoc) tại Đại học Cergy - Pontois thuộc Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp và tại Institute of Science and Techhnology - Cộng hòa Áo.
Đáp lại những nỗ lực của chàng trai thông minh, đam mê khám phá toán lượng tử, năm 2016, TS Phan Thành Nam được phong hàm GS Toán tại Masaryk University - Cộng hòa Czech, đến giữa năm 2017 được phong hàm GS tại Đại học Ludwig Maximilian Muchen thành phố Munchen – Cộng hòa liên bang Đức vào năm 2017, một trong những trường đại học danh tiếng hàng đầu ở châu Âu.
2. Trước khi được công nhận GS, Phan Thành Nam từng là học giả IST tại Viện Khoa học và Công nghệ Áo sau đó được mời về giảng dạy tại Đại học Masaryk, Brno - Cộng hòa Czech. GS.TS Phan Thành Nam đã 2 lần được mời tham luận tại Hội nghị Quốc tế về Vật lý - Toán. Hội nghị này là diễn đàn lớn nhất thế giới về Vật lý - Toán, được tổ chức ba năm một lần bởi Hiệp hội Quốc tế về Vật lý - Toán.
GS.TS Phan Thành Nam bên người mẹ – cựu nhà giáo Phan Thị Mùi.
Tên tuổi của GS.TS Phan Thành Nam nổi bật trong cộng đồng Toán thế giới từ năm 2018, khi Nam là một trong ba nhà Toán học trẻ được Hội Vật lý thuần túy và ứng dụng Quốc tế (IUPAP) trao giải thưởng “Nhà khoa học trẻ về Vật lý – Toán” tại Đại hội Vật lý - Toán quốc tế (ICMP) tổ chức ở Montreal – Canada.
Trước khi nhận giải thưởng này, Nam đã có nhiều đóng góp nền tảng cho lý thuyết Toán học của các hệ lượng tử nhiều hạt, đặc biệt đã chứng minh giả thuyết ion hóa trong lý thuyết Thomas-Fermi-Dirac-von Weizsacker và chứng minh Bogoliubov cho một lớp các hệ Bonson có tương tác.
Khi nghe thấy tên mình nằm trong danh sách 10 nhà Toán học được giải thưởng chính thức của Hội Toán học Châu Âu – EMS lần thứ 8 -2020 đã được đăng tải trên trang tin Hội Toán học Châu Âu, chính GS.TS Phan Thành Nam cũng bất ngờ. Nam biết được tin này khi trang cá nhân của GS Ngô Bảo Châu gửi đến Nam những dòng chữ ngắn gọn, chân thành: “Chúc mừng Phan Thành Nam, chúc mừng Phú Yên. Đây là thành tích rất đáng tự hào”.
GS.TS Phan Thành Nam bên vợ.
Nam chia sẻ: “Tôi thật sự bất ngờ và vinh hạnh khi biết mình là một trong mười nhà Toán học được trao giải thưởng chính thức của Hội Toán học châu Âu – EMS. Giải thưởng này do Hội đồng xét giải cực kỳ uy tín tuyển chọn, Ban tổ chức giải tự thống kê thành tựu các công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố của các nhà Toán học có quốc tịch tại châu Âu hoặc đang làm việc tại châu Âu chứ không phải các ứng viên lập hồ sơ đăng ký hoặc tổ chức, cá nhân nào đó đề cử”.
Khi điểm lại hành trình nghiên cứu khoa học, GS.TS Phan Thành Nam chia sẻ: “Trong thời gian làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, tôi đã được các bậc giáo sư định hướng nhiều vấn đề thú vị cần tìm hiểu bằng sự nỗ lực và niềm đam mê thật sự. Trường hợp của tôi giáo sư không hướng dẫn một bài toán cụ thể mà chỉ ra không một chủ đề lớn có nhiều hướng phát triển với những bài toán khó”.
Lĩnh vực nghiên cứu của GS.TS Phan Thành Nam là Giải tích và Vật lý Toán, đặc biệt là cơ học lượng tử nhiều hạt, lý thuyết phổ, phép tính biến phân và phương trình đạo hàm riêng, giải tích số. Theo số liệu trên trang MathScinet của Hội Toán học Mỹ, GS.TS Phan Thành Nam đã công bố 39 công trình khoa học trên các tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới.
GS.TS Phan Thành Nam đang giảng dạy tại tại Đại học Ludwig Maximilian Muchen thành phố Munchen – Cộng hòa liên bang Đức. Nam đang đảm trách hướng dẫn 2 nghiên cứu viên sau tiến sĩ (postdoc), 2 nghiên cứu sinh (Ph.D student) tiến sĩ cùng một số sinh viên thạc sĩ, đại học.
Được biết, em trai của Nam là Phan Thành Việt sau khi tốt nghiệp khoa Toán Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng được tuyển chọn sang Cộng hòa Pháp theo học chương trình thạc sĩ tại Đại học Orléans - Cộng hòa Pháp rồi tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2015 và hiện là giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng – TP Hồ Chí Minh.
Giải thưởng EMS của Hội Toán học Châu Âu được tổ chức từ năm 1992 với định kỳ 4 năm một lần. Mỗi kỳ có 10 nhà Toán học được trao giải, đều là những nhà Toán học trẻ không quá 35 tuổi, quốc tịch châu Âu hoặc đang làm việc tại châu Âu và có những đóng góp xuất sắc trong Toán học. Sau 8 kỳ giải thưởng EMS, năm nay lần đầu tiên một nhà Toán học trẻ gốc Việt được vinh danh. Giải thưởng EMS của Hội Toán học Châu Âu chỉ xếp sau giải thưởng Fields của Hội Toán học Thế giới. Hầu hết các nhà Toán học được trao giải thưởng EMS đều trở thành những nhà Toán học lớn của thế giới. Trong số những nhà Toán học đã được trao giải thưởng EMS của Hội Toán học châu Âu có 11 nhà Toán học đã đoạt giải thưởng Fields của Hội Toán học thế giới.