Nhạc Hoa lời Việt có còn phát triển ở Việt Nam?

Nhạc Hoa lời Việt lẫn nhạc Việt lời Hoa đang có những bước phát triển trở lại tại thị trường nhạc Việt trong thời gian qua.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vừa ra mắt một loạt bản audio nhạc Việt lời Hoa. Quyết định này của nam nhạc sĩ khiến nhiều khán giả đặt dấu hỏi. Trước giờ, việc những bản nhạc Hoa có lời Việt là điều thường thấy, ngược lại dường như chưa có quá nhiều tiền lệ.

Những bài hát được lựa chọn để làm mới là Chiếc Khăn Gió Ấm, Vầng Trăng Khóc,... đều là những bản hit đình đám một thời. Tuy vậy, phần nhạc với giọng hát mới chưa gây được ấn tượng cho khán giả.

Thế nhưng, với xu hướng trở lại của nhạc Hoa trong thời gian gần đây, những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng nhận được nhiều kỳ vọng sẽ có được thành công trong tương lai gần.

Những tháng qua, đoạn điệp khúc: "Tiếng pháo hoa ngân vang trời mà anh chẳng ở đây/ Kết thúc không như mong đợi lòng này đau lắm đấy" được sử dụng nhiều trên TikTok. Nhiều khán giả đinh ninh rằng đây là một tác phẩm của Việt Nam, nhưng thực tế lại là nhạc Hoa lời Việt. 

Video: Ca khúc được chia sẻ nhiều sau khi nhiều đoạn clip cắt từ phim điện ảnh Mai chèn âm thanh này vào 

Đây là bản tiếng Việt của ca khúc Không Biết Phải Làm Sao đình đám khắp nền tảng Douyin của Trung Quốc. Phiên bản Việt hóa do ViAM viết lời, Dương Lan Nhi thể hiện. Phần lời và giai điệu của bài hát đầy tâm trạng nên thường được sử dụng cho các đoạn clip với nhiều suy tư.

Một ca khúc khác là Váy Cưới Của Em Giống Như Bông Tuyết cũng trở thành âm thanh nổi bật trên nền tảng TikTok trong những ngày qua. Phiên bản lời Việt được ca sĩ Chí Thiện hát cũng nhận được nhiều phản ứng tích cực từ khán giả. 

Cũng vì thế, nhiều người tin rằng nhạc Hoa vẫn là một dòng nhạc có dư địa phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam, đặc biệt là khi những sản phẩm như phim ảnh Trung Quốc vẫn được khán giả Việt đón nhận nhiệt tình. 

Video: Chí Thiện cover ca khúc nổi bật trên TikTok trong thời gian qua.

Cách đây không lâu, một diễn đàn về âm nhạc có chia sẻ bài viết về các sáng tác của ca sĩ Jimmii Nguyễn. Dưới bài đăng, không ít ý kiến cho rằng anh đạo nhạc. Có người nói Jimmii Nguyễn là "trùm cuối của đạo nhạc", "toàn đạo nhạc mà cũng được gọi là nhạc sĩ"...

Tuy vậy, Jimmii Nguyễn không đồng tình với những ý kiến này. Nhạc sĩ này khẳng định khi chấp nhận cover bài hát nhạc Hoa, hợp đồng ghi rõ những nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm bản quyền và lời Việt do anh đảm nhận.

"Tôi là người nghệ sĩ có trách nhiệm với nghệ thuật. Khi đặt bút cho những bài hát nhạc Hoa, tôi tự nhủ làm sao cho khán giả trong nước thấy được sự trân trọng của mình dành cho họ, phải cho họ cảm nhận được nỗi niềm chất chứa của hồn Việt", Jimmii Nguyễn nói.

Jimmii Nguyễn là nhân tố nổi bật với những ca khúc nhạc Hoa.

Jimmii Nguyễn là nhân tố nổi bật với những ca khúc nhạc Hoa.

Gần đây, nhạc Hoa lời Việt cũng dần quay trở lại với những sân khấu live từ các đêm nhạc phòng trà. Dù luôn "sống" trong lòng khán giả, nhạc Hoa không phải là hướng đi dễ dàng mà ai cũng có thể chinh phục. Ngoài thể hiện được màu sắc riêng biệt trong giọng hát, các ca sĩ còn phải có kỹ thuật chắc chắn, cách xử lý linh hoạt và một bản phối hấp dẫn.

Nếu không, người nghe sẽ dễ dàng so sánh và nhận ra sự chênh lệch với bản gốc. Đây là điều từng xảy ra với Nam Em khi cô quyết định viết lời và hát lại nhiều ca khúc nhạc Hoa nhưng vấp phải vô vàn những chỉ trích từ cộng đồng mạng. Bên cạnh đó, một số nhân tố trẻ khác cũng tạo ra nhiều ý kiến trái chiều khi hát nhạc Hoa lời Việt có thể kể đến Tăng Phúc, Phạm Lịch.

Những ca khúc nhạc ngoại lời Việt nói chung đều là những bài hát quen thuộc và nhận được sự yêu mến của khán giả. Và ở đâu cũng vậy, luôn luôn sẽ có những nhà sáng tạo để gìn giữ và phát triển âm nhạc Việt Nam bên cạnh những trào lưu khác.