Nhân chứng thảm họa giẫm đạp ở Seoul: Tôi đã cố hô hấp nhân tạo, nhưng cả hai người đều đã chết

Nhiều nhân chứng kể lại việc được lực lượng cứu hộ đề nghị tham gia hô hấp nhân tạo và hồi sức tim phổi cho các nạn nhân, dù chưa từng có kinh nghiệm.

Ana, 24 tuổi, người Tây Ban Nha cùng bạn là Melissa, 19 tuổi, người Đức , ở trong quán bar bên cạnh hẻm dốc nơi thảm họa xảy ra.

Họ tìm cách rời khỏi quán bar vào lúc 23 giờ, nhưng nhìn thấy nhiều xe cứu thương tới hiện trường và cảnh sát kêu gọi mọi người di chuyển để có chỗ đưa các nạn nhân thiệt mạng và bị thương ra ngoài.

"Có nhiều nạn nhân tới mức lực lượng cứu hộ phải đề nghị người dân cùng hô hấp nhân tạo. Tất cả mọi người cùng tìm cách giúp đỡ. Chúng tôi có hai người bạn biết cách hồi sức tim phổi, do đó họ đã ra ngoài để sơ cứu cho các nạn nhân," Ana nói với BBC.

"Ba phút sau, họ trở lại, trông rất buồn bã và bắt đầu khóc. Họ đã cố gắng cứu 5-6 người, nhưng tất cả đều chết trong tay những người bạn của tôi," Ana kể lại.

"Tôi đã ra khỏi quán bar và cố gắng sơ cứu cho hai cô gái. Tôi không biết cách hồi sức tim phổi, nhưng được những người ở đó hướng dẫn. Họ nói rằng tôi cần giữ đầu các nạn nhân và mở miệng họ ra, đại loại như vậy. Tôi cố gắng sơ cứu nhưng cả hai đã tử vong. Tôi phải nói rằng tất cả những người được đưa ra ngoài để hô hấp nhân tạo đều đã ngừng thở, vậy nên mọi người không giúp được gì," Ana giải thích.

"Chúng tôi không làm được gì hết, đó là điều gây đau đớn nhất," cô gái 24 tuổi nói thêm.

Nhân chứng thảm họa giẫm đạp ở Seoul: Tôi đã cố hô hấp nhân tạo, nhưng cả hai người đều đã chết - Ảnh 1.

Nhiều người hỗ trợ lực lượng cứu hộ sơ cứu cho các nạn nhân thảm họa dẫm đạp ở Seoul (Ảnh: AP)


Hàng ngàn thanh thiếu niên ở độ tuổi 20-30 tập trung ở khu vực Itaewon, thủ đô Seoul (Hàn Quốc) để ăn mừng lễ hội Halloween, sau hai năm giới hạn Covid-19.

Tuy vậy, hình ảnh về thảm họa chen lấn, giẫm đạp sau đó được lan truyền trên mạng xã hội. Nhân chứng mô tả vụ việc giống như một bộ phim chiến tranh. Hơn 150 người thiệt mạng trong thảm họa, hơn 80 người khác bị thương.

Raphael Rashid, một phóng viên tự do, nói với BBC rằng có "hàng chục ngàn người" tập trung ở khu vực xảy ra thảm họa. Anh và nhiều người khác bị chèn ép ở lề đường.

Video ghi lại thảm họa cho thấy đám đông bị chèn ép tới mức họ không di chuyển được, chỉ một số ít thoát ra bằng cách trèo lên tường. Nhiều nhân chứng hỗ trợ lực lượng cứu hộ hồi sức tim phổi cho các nạn nhân, nhưng rồi những túi đựng thi thể vẫn được xếp trên các con đường xung quanh.

Hẻm dốc quá hẹp đã trở thành một cái bẫy chết chóc. Đám đông xô đẩy về phía trước, khiến những người phía trước ngã xuống và bị dẫm lên. Một số video trên Twitter cho thấy lực lượng cứu hộ tìm cách kéo những người mắc kẹt ra khỏi đám đông.

"Người thấp bé như tôi còn không thở nổi," một nhân chứng nữ giới nói với hãng thông tấn AFP. Cô cho biết bản thân sống sót được do ở rìa hẻm, trong khi "những người ở giữa chịu đau đớn nhiều nhất".

Raphael Rashid cho rằng thời điểm đó "không ai hiểu được điều gì đang diễn ra". Một số cảnh sát phải "trèo lên xe của họ, kêu gọi mọi người rời khỏi khu vực càng sớm càng tốt".

Lee Beom-suk, một bác sĩ có mặt ở hiện trường vụ việc, nói với đài truyền hình YTN rằng anh đã cố gắng hồi sức tim phổi cho các nạn nhân, nhưng "số lượng nạn nhân tăng rất nhanh, khiến lực lượng cứu hộ không sơ cứu kịp. Nhiều người đã phải giúp chúng tôi hô hấp nhân tạo cho các nạn nhân".

Lee nói rằng ở thời điểm đó, "rất nhiều nạn nhân đã tái xanh mặt". "Tôi không thể bắt mạch hay dò hơi thở của họ, nhiều người bị chảy máu mũi," anh nói thêm.

Park Jung-hoon, 21 tuổi, nói với Reuters rằng mọi chuyện đã "hoàn toàn vượt kiểm soát". Moon Ju-young, 21 tuổi, cũng cho rằng "cảnh sát và lực lượng cứu hộ đã nỗ lực hết mình, nhưng dường như họ không được chuẩn bị trước".