Vu Hải Ninh, sinh năm 1988, ở thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông giải thích điều này không phải vì mê tín mà để xoa dịu nỗi đau của vợ Phạm Hồi Hương, người đã mất vì ung thư 9 năm trước.
Mỗi khi mệt mỏi hoặc nhớ vợ, Vu lại nhắn tin vào số điện thoại để cập nhật tình hình mới nhất cho cô như "Hôm nay anh nhớ em, ngoài trời rất lạnh và hy vọng chỗ em ở vẫn ấm áp" hay "Hiện tại, anh cô đơn lắm". Mọi việc chỉ dừng lại khi số điện thoại của người vợ bị khóa do quá lâu không sử dụng.
Chín năm kể từ ngày vợ mất, Vu vẫn ở vậy, không đi bước nữa dù nhiều lần gia đình hai bên thúc giục tìm hạnh phúc mới.
"Với tôi, Hồi Hương luôn là người vợ duy nhất", anh nói.
Vu Hải Ninh quen vợ tại một xưởng sản xuất ở Thâm Quyến khi cả hai cùng làm công nhân. Sau 5 năm yêu nhau, cặp đôi đã nghĩ tới chuyện kết hôn.
Năm 2014, Phạm Hồi Hương phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối nên giấu người yêu, chủ động nói lời chia tay. Anh Vu đau khổ bỏ đi làm ăn xa nhưng đã lập tức đến Tín Dương, Hà Nam (quê của Hồi Hương) sau đó nửa năm khi biết người yêu mắc bệnh hiểm nghèo.
"Nhìn thấy cô ấy nằm trên giường bệnh, trái tim tôi như bị dao đâm", Vu nhớ lại. Kể từ lúc đó, anh luôn ở bên cạnh, tận tâm chăm sóc, thậm chí tiêu hết số tiền mình có để chữa bệnh cho người yêu.
Nhìn thấy sự kiên trì của Vu, Phạm dù cảm động nhưng rất áy náy. Cô nhiều lần thuyết phục anh rời đi, nói rằng bản thân không xứng đáng và không muốn làm ảnh hưởng tới hạnh phúc của anh. Nhưng lần nào Vu cũng lắc đầu và nắm chặt tay cô.
Vì phải gánh chi phí y tế cho bạn gái, Vu nhận thêm nhiều công việc vất vả để tăng thu nhập và tiết kiệm từng đồng. Hàng ngày mỗi khi rảnh là Vu lại vào bệnh viện chăm sóc người yêu, cho cô ăn, lau chùi tắm rửa, xoa bóp tay chân.
Dù được hóa trị, tình trạng của Phạm ngày càng tệ hơn. Vu rất đau lòng khi nghĩ rằng người mình yêu một ngày nào đó sẽ sớm rời bỏ thế giới này.
Nhìn Phạm hốc hác, Vu rất đau lòng và cho biết mục tiêu của anh khi đó là được ở bên nhau càng lâu càng tốt, cũng như muốn cho cô một danh phận. Cuối năm đó, Vu muốn tổ chức đám cưới và tự đi mua nhẫn.
Khi Vu cầu hôn, Phạm nghĩ rằng anh nói đùa. Nhưng khi anh đeo nhẫn cưới vào tay, cô gái đã ứa nước mắt vì xúc động. Bố mẹ Vu ở quê khi biết chuyện cũng gửi cho con trai 20.000 tệ (70 triệu đồng) kèm sổ hộ khẩu để đăng ký kết hôn cũng như có kinh phí sắm sửa đồ cưới.
Nhưng vì sức khỏe Phạm rất yếu nên đám cưới chỉ có thể tổ chức tại bệnh viện. Khi Cục Nội vụ biết được nguyện vọng của cả hai, đã cử nhân viên đến viện để làm thủ tục đăng ký giúp đôi trẻ.
Ngày 17/11/2014, tại phòng họp của Bệnh viện Ung thư tỉnh Hà Nam, Vu Hải Ninh và Phạm Hồi Hương đã tổ chức đám cưới. Dù thủ tục đơn giản nhưng lại tràn ngập tình yêu và sự chúc phúc của người thân, bạn bè cũng như các y bác sĩ. Trong đám cưới, Phạm được khoác lên mình bộ váy trắng ao ước bấy lâu cùng mái tóc giả.
"Chồng ơi, em chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể sống được đến ngày hôm nay. Em cảm thấy mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế giới", Phạm nói.
Đám cưới của Vu Hải Ninh và Phạm Hồi Hương được tổ chức tại Bệnh viện Ung thư tỉnh Hà Nam, Trung Quốc tháng 11/2014. Ảnh: 163.com
Sau đám cưới, sức khỏe Phạm ngày càng yếu nên được gia đình xin về nhà chồng tại thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông. Ở nhà, cả hai bắt đầu cuộc sống hôn nhân, trân trọng từng khoảnh khắc được ở bên nhau. Vu chăm sóc vợ rất chu đáo, hàng ngày chuẩn bị đồ ăn ngon rồi cùng Phạm trò chuyện, dạo phố. Dù sức khỏe yếu nhưng người vợ luôn cố gắng giữ nụ cười tươi vì muốn để lại kỷ niệm đẹp nhất cho chồng.
Một năm sau ngày cưới, cô Phạm qua đời. Những ngày sau đó, Vu như người mất hồn, không ăn uống gì, chỉ nói chuyện với vợ qua bức ảnh thờ cũng như hát những bài mà cô ưa thích.
Để nguôi đi phần nào nỗi nhớ vợ, anh tìm lại chiếc điện thoại di động mà vợ từng dùng, sạc đầy pin, nạp tiền rồi chôn xuống phía dưới tấm bia mộ. Chiếc điện thoại này mang nhiều kỷ niệm giữa hai người cũng như minh chứng cho tình yêu của họ. Vu cho biết làm như vậy anh cảm thấy được an ủi phần nào, giống như vợ vẫn còn sống và trò chuyện với mình.
Từ đó trở đi, mỗi khi nhớ vợ, Vu Hải Ninh đều nhắn tin đến số điện thoại này. Dù biết sẽ không bao giờ được trả lời tin nhắn nhưng với anh, điều đó không quan trọng. "Đây là cách để tôi giao tiếp với vợ và là nơi để tôi có thể bày tỏ suy nghĩ của mình", người chồng nói.
Vu thường nhắn tin kể về hoàn cảnh hiện tại của mình cũng như chia sẻ niềm vui nỗi buồn với vợ. Những tin nhắn không bao giờ được đọc này đã trở thành lối thoát cảm xúc cũng như động lực giúp Vu tiếp tục sống.
Suốt thời gian dài, Vu Hải Ninh vẫn duy trì thói quen nhắn tin cho vợ, cho đến khi số điện thoại này được tái sử dụng cho người khác. Không chỉ vậy, dù đi đâu, anh cũng mang theo chứng minh thư của cô bên mình, như thể Phạm vẫn luôn ở bên.