Nhân tố mới giúp ẩm thực châu Á "gây bão" mạng xã hội nước Mỹ

Ngày nay, các video và hình ảnh về món ăn châu Á xuất hiện khắp nơi trên mạng xã hội nước Mỹ, như một minh chứng cho niềm đam mê ẩm thực châu Á của người dân nước này. Trong quá khứ, món ăn châu Á thường bị người Mỹ coi là rẻ, không ngon và quá kỳ lạ; nhưng giờ đây, nhiều người không khỏi trầm trồ: "Thơm thật".
Nhân tố mới giúp ẩm thực châu Á gây bão mạng xã hội nước Mỹ - Ảnh 1.

Món ăn Trung Quốc, món ăn Thái Lan, món ăn Ấn Độ và món ăn Hàn Quốc nằm trong số 5 loại món ăn được tìm kiếm nhiều nhất tại Mỹ. Ảnh: WI

8/10 món ăn phổ biến nhất trên Instagram Mỹ là món Á

Theo một nghiên cứu mới được công bố bởi blogger ẩm thực người Mỹ "The Picky Eater", trên nền tảng xã hội Instagram, những món ăn được người dùng Mỹ đăng thường xuyên nhất vào năm 2023 là món ăn Ý, tiếp theo là món ăn Nhật Bản, món ăn Ấn Độ và món ăn Hàn Quốc. Nhìn chung, 8 trong số 10 món ăn phổ biến nhất trên Instagram tại Mỹ đến từ các nền văn hóa ẩm thực châu Á.

Theo một cuộc khảo sát về xu hướng tìm kiếm trên Google của trang web FoodFireFriends, món ăn Trung Quốc, món ăn Thái Lan, món ăn Ấn Độ và món ăn Hàn Quốc nằm trong số 5 loại món ăn được tìm kiếm nhiều nhất tại Mỹ.

Các học giả và những người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội Mỹ đều cho rằng, đây là một sự thay đổi lớn về văn hóa được thúc đẩy phần lớn bởi con cháu của những người châu Á nhập cư. Những người này, thông qua ngôn ngữ, nguồn lực, khả năng tiếp cận công nghệ và niềm tự hào về bản sắc dân tộc mình, đã thay đổi nhận thức của người dân Mỹ về món ăn truyền thống châu Á.

Krishnendu Ray - Giám đốc chương trình tiến sĩ về nghiên cứu thực phẩm tại Đại học New York - cho biết: "Theo một cách nào đó, điều này đang phá vỡ hệ thống phán xét văn hóa của người châu Âu... Những người nhập cư châu Á trẻ tuổi đang truyền đi một thông điệp, đó là 'Thức ăn của chúng tôi rất tuyệt, được trình bày đẹp mắt'. Mọi người cần phải học cách thưởng thức nó, giống như chúng ta đã học cách thưởng thức rượu vang và pho mát nặng mùi".

Ông Ray - người cũng nghiên cứu về xu hướng ẩm thực của Zagat và Michelin - cho biết thêm, kể từ năm 1986, món ăn Nhật Bản đã tăng mạnh cả về giá cả và mức độ phổ biến tại Mỹ, đạt "đỉnh" vào năm 2000; tiếp theo là món ăn Hàn Quốc.

Cũng theo ông Ray, thực phẩm Trung Quốc, từ lâu đã là một mặt hàng chủ lực của ngành công nghiệp thức ăn nhanh của Mỹ, ngày càng trở nên đa dạng hơn, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà hàng chuyên phục vụ món ăn Trung Quốc tại Mỹ. Đồng thời, văn hóa ẩm thực châu Âu đang trở nên ít phổ biến hơn tại Mỹ.

Nhân tố mới giúp ẩm thực châu Á gây bão mạng xã hội nước Mỹ - Ảnh 2.

Món mì thịt heo cay sốt dầu hào của Trung Quốc. Ảnh: AP

Giới trẻ nhập cư gốc Á tích cực quảng bá ẩm thực châu Á

Ông Ray cho biết, khái niệm liên kết thực phẩm và địa vị xã hội trong văn hóa phương Tây đã chịu ảnh hưởng bởi lịch sử thực dân châu Âu. Trước năm 1800, người phương Tây coi gia vị là nguyên liệu thô rất có giá trị, vì gia vị chỉ có thể sinh trưởng mạnh và thu hoạch được từ phương Đông xa lạ. Nhưng sau đó, khi châu Âu bắt đầu quá trình thực dân hóa, "người phương Tây đã hình thành một quan điểm rằng, món ăn cay là món ăn hạng hai, món ăn của người nghèo, món ăn của người dân các nước thuộc địa".

Nhưng hiện tại, với sự phát triển của mạng xã hội, các cuộc thảo luận xung quanh việc nấu nướng và ăn uống đã bắt đầu được "dân chủ hóa", phá vỡ tình trạng bị các nhà phê bình ẩm thực nam giới da trắng thống trị bấy lâu nay. Krishnendu Ray cho biết, không giống như các thế hệ trước, thế hệ người nhập cư gốc Á mới tại Mỹ có thể thuyết phục những người đồng niên bằng tiếng Anh và "tự do bày tỏ sở thích của họ", dẫn đến sự xuất hiện của nhiều thuật ngữ mới về thực phẩm châu Á.

Theo trang tin Redian, trong quá trình ẩm thực châu Á xâm nhập vào văn hóa ẩm thực chủ đạo của nước Mỹ, cả người sáng tạo nội dung gốc Á và người dùng mạng xã hội gốc Á bình thường đều đang đón nhận sự thay đổi này. Họ thích chia sẻ các công thức nấu ăn gia đình đã được truyền qua nhiều thế hệ, và tạo ra các video giới thiệu những nhà hàng phục vụ món Á thú vị mà các danh sách ẩm thực nổi tiếng thường bỏ qua.

Ngoài việc đăng tải hình ảnh về các món ăn châu Á lên mạng xã hội, nhiều người gốc Á cũng theo dõi các chủ doanh nghiệp và đầu bếp của các nhà hàng phục vụ món Á trên các nền tảng, với hy vọng họ sẽ duy trì "dòng chảy văn hóa" và mang hương vị truyền thống quê nhà đến với thực khách.

Justin Wu - một nhà sáng tạo nội dung người Mỹ gốc Hoa đang quản lý một tài khoản dành cho người sành ăn có 99.000 người theo dõi trên Instagram - cho biết: "Không quan trọng đầu bếp là ai, ông chủ là ai, nhân viên là ai, ngoài việc mưu sinh, các nhà hàng cần phải nấu ăn bằng cả tình yêu".