Nhân viên trượt ngã khi đi từ giường tới bàn làm việc ở nhà, tòa án bắt công ty bồi thường

Một người Đức đã bị trượt chân và ngã cầu thang ở chính nhà mình trong khi đang đi từ giường tới bàn làm việc. Thật bất ngờ, một tòa án ở Đức đã quyết định rằng, đây là “tai nạn ở nơi làm việc” và yêu cầu công ty phải bồi thường cho nhân viên không may đó. Sự việc xảy ra cụ thể thế nào?

Nhân viên trượt ngã khi đi từ giường tới bàn làm việc ở nhà, tòa án bắt công ty bồi thường - 1

Tại nhiều nước, nhân viên của các công ty vẫn làm việc chủ yếu ở nhà để phòng chống dịch. Vậy tức là, nhà cũng biến thành “nơi làm việc”.

Vậy thì các quy định hoặc các điều luật liên quan đến nơi làm việc sẽ được áp dụng thế nào khi một nhân viên gặp “sự cố” ngay ở nhà mình?

Đó chính là tình huống của một người ở Đức. Gần đây, anh này khi ngủ dậy đã đi từ giường tới bàn làm việc của mình ở nhà, nhưng chẳng may bị trượt chân và ngã cầu thang, gây tổn thương cột sống.

Đây là sự việc chẳng ai mong muốn, nhưng liệu nhân viên này có được công ty hỗ trợ gì không? Hóa ra không chỉ hỗ trợ đâu, mà Tòa án Xã hội Liên bang của Đức còn quyết định rằng, anh ấy phải nhận được tiền bồi thường cho “tai nạn ở nơi làm việc” (sẽ là một khoản lớn).

Theo Tòa án, nhân viên nói trên “đang trên đường đi làm”, thực tế là đi từ phòng ngủ tới bàn làm việc, ở tầng dưới của nhà mình. Cho nên, tai nạn được coi là xảy ra “trên tuyến đường đi làm” của anh ấy.

Tòa án nói: “Anh ấy đã bị tai nạn ở nơi làm việc, khi anh ấy ngã trên đường tới chỗ làm vào buổi sáng”.

Thực tế, khi anh này gửi đơn khiếu nại thì một Tòa án cấp thấp hơn đã cho rằng trường hợp của anh không được bồi thường, và phía công ty cùng công ty bảo hiểm cũng từ chối bồi thường. Cho nên vụ việc mới được đưa lên Tòa án cấp cao thế này, để rồi anh ấy được xử thắng.

Phía Tòa án còn nhấn mạnh, nhân viên này khi ngủ dậy đã đi tới bàn làm việc (ở nhà) “ngay lập tức khi còn chưa kịp ăn sáng”. Mặc dù nhiều người băn khoăn không biết cái chi tiết “không ăn sáng” thì liên quan gì đến vụ việc bồi thường này.

Theo tờ The Guardian, ở nhiều nước, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về nhân viên của mình, dù nhân viên làm việc ở đâu. Còn phía công ty của nhân viên bị ngã nói trên chưa bình luận gì thêm.