Làn sóng phẫn nộ của dư luận Nhật Bản bùng nổ sau vụ việc một giáo viên tiểu học bị bắt vì chụp lén và chia sẻ hình ảnh phản cảm của học sinh,

Các viên chức của hội đồng giáo dục Nagoya xin lỗi về vụ bê bố tại tòa thị chính ở Nagoya, ngày 30/6/2025. (Ảnh: YOMIURI SHIMBUN)
Ngày 2/7, Thị trưởng Nagoya - ông Ichiro Hirosawa - tuyên bố chính quyền thành phố sẽ thành lập một hội đồng điều tra độc lập gồm các chuyên gia để rà soát toàn bộ đội ngũ giáo viên tại các trường công lập. Dự kiến, hội đồng này sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối tháng 7 tới.
Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Hirosawa nhấn mạnh: "Người dân đang hoài nghi liệu có thêm những giáo viên khác liên quan đến các hành vi đồi bại như vậy hay không. Chính quyền không thể làm ngơ trước nghi ngờ chính đáng của công chúng".
Động thái quyết liệt của chính quyền Nagoya được đưa ra sau khi một giáo viên nam của trường tiểu học tại địa phương và một giáo viên khác tại thành phố Yokohama bị bắt giữ vì tình nghi chia sẻ hình ảnh, video nhạy cảm - bao gồm cả ảnh đồ lót của nữ sinh trong một nhóm chat mạng xã hội được cho là quy tụ phần lớn thành viên là giáo viên.
Sự việc bắt đầu được hé lộ sau khi cảnh sát thu giữ và phân tích điện thoại di động của Shota Suito (34 tuổi), giáo viên tiểu học tại Nagoya. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện Suito là thành viên của nhóm chat nói trên và đang sở hữu hàng loạt hình ảnh quay lén trái phép.
Trước đó, vào tháng 1, Suito đã bị truy tố vì hành vi ném tinh dịch lên ba lô của một nữ sinh 15 tuổi tại sân ga tàu điện ở Nagoya. Vụ việc gây chấn động dư luận không chỉ bởi tính chất bệnh hoạn mà còn vì nạn nhân hoàn toàn không quen biết với đối tượng. Sau đó, Suito tiếp tục bị truy tố thêm tội danh bôi tinh dịch lên nhạc cụ của một học sinh tại ngôi trường nơi anh ta giảng dạy.
Trước những bằng chứng không thể chối cãi, Suito đã bị Hội đồng giáo dục thành phố Nagoya chính thức sa thải vào ngày 1/7. Theo một nguồn tin, Suito đã thừa nhận toàn bộ hành vi sai trái và gửi lời xin lỗi đến các nạn nhân, bày tỏ sự hối hận vì đã "gây tổn thương tâm lý suốt đời cho các em".
Để ngăn chặn những vụ việc tương tự, chính quyền thành phố Nagoya không chỉ điều tra nội bộ mà còn thiết lập một đường dây tiếp nhận thông tin tố giác từ phụ huynh, học sinh và người dân. Kênh tiếp nhận này sẽ là nơi để cộng đồng phản ánh nếu phát hiện giáo viên có hành vi bất thường, tạo nên một cơ chế giám sát cộng đồng rộng rãi hơn.
Việc một giáo viên lợi dụng vị trí trong trường học để thực hiện hành vi đồi bại khiến nhiều người dân Nhật Bản bàng hoàng. Đáng lo ngại hơn, vụ việc có thể không phải là cá biệt khi trong nhóm chat còn có sự tham gia của nhiều giáo viên khác trên toàn quốc.

(Ảnh minh họa: EPA)
Nhật Bản siết chặt luật chống xâm hại tình dục trẻ em
Song song với phản ứng ở cấp địa phương, chính phủ Nhật Bản cũng đang xúc tiến các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn ngừa xâm hại tình dục trong môi trường giáo dục và chăm sóc trẻ em.
Ngày 1/7, một hội đồng chuyên gia thuộc Cơ quan Trẻ em và Gia đình Nhật Bản đã phê duyệt dự thảo báo cáo sơ bộ về các hướng dẫn thực thi Luật Phòng chống bạo lực tình dục đối với trẻ em. Theo đó, việc lắp đặt camera giám sát trong trường học và các cơ sở nuôi dạy trẻ được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa hành vi quay lén và các hành vi xâm hại khác.
Dự kiến, đạo luật mới sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2026. Từ nay đến cuối năm, cơ quan chức năng sẽ tổ chức nhiều cuộc tham vấn với học sinh trung học, giáo viên, phụ huynh và doanh nghiệp để hoàn thiện hướng dẫn thực thi chi tiết.
Một trong những nội dung quan trọng của luật là thiết lập hệ thống kiểm tra lý lịch tội phạm tình dục đối với những người đang làm việc hoặc dự định làm việc trong các ngành liên quan đến trẻ em. Các trường học và cơ sở mầm non cũng sẽ bắt buộc phải ban hành và thực thi các quy tắc nội bộ nhằm phòng ngừa hành vi xâm hại.
Liên quan đến việc sử dụng camera giám sát, dự thảo cũng yêu cầu phải có sự đồng thuận từ học sinh, phụ huynh và cán bộ giảng dạy để bảo đảm quyền riêng tư và tránh tạo ra cảm giác bị theo dõi căng thẳng trong môi trường học đường.
Vụ việc tại Nagoya không chỉ làm rúng động dư luận mà còn làm dấy lên mối lo ngại về lỗ hổng đạo đức và giám sát trong ngành giáo dục Nhật Bản, vốn từ lâu được đánh giá là nghiêm ngặt.
"Đây là lời cảnh tỉnh nghiêm túc về sự cần thiết của việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp và xây dựng cơ chế phản ứng nhanh đối với các hành vi bất thường trong môi trường học đường", một chuyên gia giáo dục tại Tokyo nhận định.
Với quyết định điều tra toàn diện đội ngũ giáo viên, kết hợp với các biện pháp lập pháp mạnh mẽ từ trung ương, Nhật Bản đang thể hiện quyết tâm làm trong sạch môi trường giáo dục và khôi phục niềm tin của phụ huynh, học sinh đối với các nhà giáo.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng ngăn chặn xâm hại không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, mà cần sự tham gia của toàn xã hội, từ giáo viên, phụ huynh đến học sinh, trong việc phát hiện, tố giác và lên án mạnh mẽ mọi hành vi vi phạm đạo đức nghề giáo.