Gần một hòn đảo xa xôi của Nhật Bản, các nhà nghiên cứu mới đây đã phát hiện nguồn tài nguyên khoáng sản lớn, bao gồm lượng coban có thể tiêu thụ trong 75 năm và lượng niken dùng trong 11 năm.
Trong cuộc khảo sát từ tháng 4 đến tháng 6, Quỹ Nippon và Đại học Tokyo đã tìm thấy trữ lượng khoảng 230 triệu tấn quặng hỗn hợp dưới đáy biển xung quanh Minami-Torishima, nằm cách Tokyo khoảng 1.900 km về phía đông nam.
Quặng hỗn hợp của nhiều kim loại (nodules) dưới đáy biển có hình cầu, to cỡ nắm tay, chứa khoảng 20% mangan và gần 1% coban và niken. Cả ba thành phần này đều quan trọng và cần thiết để sản xuất pin, bao gồm cả pin xe điện mà cả thế giới đều đang cần đến.
Ảnh: Reuters
Từ lượng quặng phát hiện được, nhóm nghiên cứu ước tính có 610.000 tấn coban và 740.000 tấn niken trên diện tích khoảng 10.000 mét vuông.
Giáo sư Yasuhiro Kato của Đại học Tokyo từng là thành viên của nhóm phát hiện ra các quặng kim loại trong khu vực vào năm 2016. Ông cho biết: “Chúng tôi sẽ đặt mục tiêu khai thác nguồn tài nguyên này để thúc đẩy ngành công nghiệp”.
Nhóm nghiên cứu có kế hoạch bắt đầu khai thác thử nghiệm vào năm 2025, thu thập hàng nghìn tấn hạt mangan mỗi ngày để cung cấp cho các nhà máy luyện kim ở Nhật Bản. Quỹ Nippon sẽ tìm cách thành lập một liên đoàn khu vực tư nhân, nhằm mục đích thương mại hóa sớm nhất vào năm 2026.
Các khu vực xung quanh Minami-Torishima là nơi có lớp bùn chứa các nguyên tố đất hiếm và lớp phủ chứa coban và niken. Tuy nhiên, kinh phí và yêu cầu kỹ thuật khiến việc khai thác và tinh chế ở vùng biển sâu trở thành một nhiệm vụ đầy thách thức.
Trong cuộc khảo sát gần đây nhất, nhóm nghiên cứu đã sử dụng thiết bị khai thác mỏ và các phương tiện dưới nước được điều khiển từ xa để thăm dò hơn 100 điểm dưới đáy biển có độ sâu từ 5.200 mét đến 5.700 mét.
Theo Nikkei Asia