Cách đây vài ngày, một phụ nữ có tuổi sống ở thành phố Hải Ninh, thị Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc nhặt được chiếc điện thoại di động. Sau khi liên lạc được với chủ nhân chiếc điện thoại, bà đòi tiền chuộc là 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,4 triệu đồng).
Vì giá trị chiếc điện thoại chỉ 800 nhân dân tệ (khoảng 2,7 triệu đồng) nên người chủ thương thảo với người phụ nữ, nói rằng sẽ gửi cảm ơn bà nhưng số tiền không thể quá nhiều. Nghe vậy, bà lập tức đe dọa sẽ ném chiếc điện thoại xuống sông nếu người chủ không chịu trả đúng 1.000 nhân dân tệ.
Vì tiếc hình ảnh kỷ niệm và những thông tin liên lạc quan trọng, người chủ không còn cách nào khác, đành phải gọi cảnh sát nhờ can thiệp.
Tuy nhiên, khi cảnh sát đến hiện trường, "bà thím" vẫn không thay đổi, khẳng định mình không trộm điện thoại, chỉ nhặt được của rơi và muốn nhận được tiền thưởng.
Trong quá trình trao đổi, đến cảnh sát cũng bị bà làm cho tức giận vì luôn mồm giảo biện và đòi hỏi vô lý. Tuy nhiên, họ chỉ có thể giúp đỡ người dân nhận lại tài sản đã mất, không thể cưỡng chế thi hành công vụ nên cuối cùng, chủ nhân chiếc điện thoại đành phải chi tiền để lấy lại món đồ của mình.
Sau khi truyền thông địa phương đăng tải thông tin về vụ việc, tờ "Tin tức Bắc Kinh" dẫn lời luật sư Triệu Lương Thiện (Công ty luật Thiểm Tây Hằng Đạt) cho biết, Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định rằng những đồ vật bị mất được tìm thấy phải được trả lại cho người có quyền sở hữu; người tìm thấy nên giữ chúng cẩn thận trước khi gửi đến công an và các cơ quan liên quan khác.
Nếu tài sản bị mất, hư hỏng hoặc thất lạc do cố ý hoặc sơ suất nghiêm trọng, người nhặt được sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự. Nếu người tìm thấy tài sản bị thất lạc từ chối trả lại thì người có quyền sở hữu có thể khởi kiện và yêu cầu trả lại.
Theo Luật sư Triệu, số tiền mà người phụ nữ trên yêu cầu vượt quá chi phí cần thiết để giữ tài sản bị mất, là một hình thức tống tiền trá hình.
Với hành vi đó, bà có thể bị giam giữ không dưới 5 ngày nhưng không quá 10 ngày, phạt hành chính 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu đồng). Nếu có tình tiết nghiêm trọng, mức phạt là giam giữ tối thiểu 10 ngày, tối đa 15 ngày kèm phạt hành chính tối đa 1.000 nhân dân tệ.
Một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra tại Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Theo đó, khi đang đi ăn tại một nhà hàng, cô Trương phát hiện điện thoại di động của mình bị mất. Tìm kiếm khắp nơi không thấy đâu nên nhóm của Trương đã quyết định báo cảnh sát.
Một người đàn ông tầm 30 tuổi, đeo kính đã lấy đi mất. Ảnh: Sohu.
Sau khi cảnh sát đến hiện trường, họ đã yêu cầu quản lý nhà hàng phối hợp trích xuất camera. Đoạn video cho thấy Trương để quên điện thoại di động ở khu vực lấy đồ ăn, sau đó một người đàn ông tầm 30 tuổi, đeo kính đã lấy đi mất.
Với sự giúp đỡ của cảnh sát, Trương đã liên lạc được với Cảnh, người đàn ông trong đoạn video. Nhưng điều mà Trương không ngờ tới là đối phương đưa ra hai phương án khiến cô khó có thể chấp nhận: Thứ nhất, Trương trả 2.000 nhân dân tệ (hơn 6,7 triệu đồng) và Cảnh sẽ trả lại điện thoại; thứ hai, Cảnh trả cho Trương 2.000 nhân dân tệ xem như mua lại chiếc điện thoại này.
Được biết, điện thoại di động của cô là iPhone 13, mới sử dụng chưa đầy một năm và có giá hơn 6.000 nhân dân tệ (hơn 20 triệu đồng), trong đó lưu nhiều thông tin và hình ảnh quan trọng của người thân đã khuất mà cô vô cùng trân quý.
Sau một giằng co, người đàn ông cuối cùng cũng đồng ý giảm “tiền chuộc điện thoại”, trong đó Trương phải chuyển cho hắn 1.000 nhân dân tệ (hơn 3,3 triệu đồng) và phía nhà hàng chịu 500 nhân dân tệ (gần 1,7 triệu đồng) vì có liên quan.
Trương cho biết để giữ thông tin và lấy lại điện thoại, cô đã đồng ý yêu cầu của Cảnh.
Tuy nhiên, khi Trương đã chuyển 500 nhân dân tệ cho Cảnh. "Anh ấy gửi cho tôi số vận đơn chuyển phát nhanh và yêu cầu tôi chuyển cho anh ấy thêm 500 nhân dân tệ. Tôi bảo rằng sẽ chuyển 500 NDT còn lại sau khi nhận được hàng, nhưng anh ấy đã hủy chuyển phát nhanh. Tôi liên lạc lại thì chỉ nhận một từ: Cút!". Trương kể rằng sau đó, Cảnh đã trả lại 500 nhân dân tệ đã nhận cho cô.