Nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục vào tháng 4

Nhiệt độ toàn cầu đã duy trì ở mức cao gần kỷ lục vào tháng 4, kéo dài chuỗi nắng nóng chưa từng có và đặt ra câu hỏi về tốc độ nóng lên của Trái đất.

Đợt nắng nóng bất thường này dự kiến sẽ lắng xuống khi các điều kiện của hình thái thời tiết El Nino làm khí hậu ấm hơn chấm dứt vào năm 2024. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiệt độ toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục hoặc gần ngưỡng kỷ lục cho đến năm nay.

Ông Johan Rockstrom - Giám đốc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam - nhận xét: "Chúng ta dường như bị 'kẹt' ở mức nhiệt kỷ lục đó. Nguyên nhân gây ra điều này vẫn chưa được giải thích hoàn toàn, nhưng đó là một dấu hiệu rất đáng lo ngại".

Trong bản tin mới nhất của mình, Cơ quan Biến đổi Khí hậu của châu Âu Copernicus cho biết tháng 4 là tháng nóng kỷ lục thứ 2 trong nghiên cứu của cơ quan này - tập hợp hàng tỷ phép đo từ vệ tinh, tàu biển, máy bay và trạm thời tiết.

Tất cả trừ 1 tháng, trong 22 tháng qua đều vượt quá 1,5°C so với mức trước thời kỳ công nghiệp - giới hạn nóng lên toàn cầu được đề cập trong Thỏa thuận Paris về khí hậu. Khi vượt quá giới hạn này, những thay đổi lớn và lâu dài về khí hậu và môi trường có nhiều khả năng xảy ra hơn.

Nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục vào tháng 4- Ảnh 1.

(Ảnh: EPA-EFE)

Nhiều nhà khoa học tin rằng mục tiêu này không còn khả thi nữa và sẽ bị vượt qua trong vài năm tới. Một nghiên cứu lớn của hàng chục nhà khoa học khí hậu hàng đầu - hiện vẫn chưa được bình duyệt - gần đây đã kết luận rằng Trái đất nóng lên trung bình 1,36°C vào năm 2024.

Copernicus đưa ra con số hiện tại là 1,39°C và dự đoán mốc 1,5°C có thể sẽ bị vượt qua vào giữa năm 2029 hoặc sớm hơn dựa trên xu hướng nóng lên trong 30 năm qua.

Julien Cattiaux - nhà khoa học khí hậu tại viện nghiên cứu CNRS của Pháp - cho biết mốc 1,5°C sẽ bị "đánh bại" trước năm 2030, nhưng đây không phải là lý do để từ bỏ mục tiêu này.

"Đúng là những con số chúng tôi đưa ra rất đáng báo động, tốc độ nóng lên hiện tại là khá nhanh" - ông Cattiaux nói - "Bất chấp thực tế này, chúng ta không được để điều đó cản trở hành động ngăn chặn Trái đất nóng lên".

Các nhà khoa học nhất trí rằng việc đốt nhiên liệu hóa thạch phần lớn đã thúc đẩy tình trạng nóng lên toàn cầu trong thời gian dài, khiến các thảm họa thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn. Tuy nhiên, họ không chắc chắn về những yếu tố khác có thể góp phần gây ra tình trạng nhiệt độ tăng cao liên tục này.

Các chuyên gia cho rằng những thay đổi trong các mô hình đám mây toàn cầu, ô nhiễm không khí và khả năng lưu trữ carbon của Trái đất trong những khu vực chứa tự nhiên như rừng và đại dương cũng có thể là các yếu tố góp phần gây ra tình trạng quá nóng của hành tinh.

Đợt tăng nhiệt này đã khiến năm 2023 và sau đó là năm 2024 trở thành những năm nóng nhất được ghi nhận, với năm 2025 được dự đoán là năm thứ ba.

Hồ sơ Copernicus có từ năm 1940. Bên cạnh đó, các nguồn dữ liệu khí hậu khác - chẳng hạn như lõi băng, vòng cây và bộ xương san hô - cho phép các nhà khoa học mở rộng kết luận của mình bằng cách sử dụng bằng chứng từ quá khứ xa hơn nhiều. Các nhà khoa học cho biết thời điểm hiện tại có khả năng là giai đoạn Trái đất ấm nhất trong 125.000 năm qua.