Các nhà thiên văn học gần đây đã phát hiện thêm nhiều bằng chứng sự tồn tại của một hành tinh bí ẩn ở rìa hệ mặt trời là có thật. Konstantin Bogytin và nhóm nghiên cứu của ông đã tập trung vào một nhóm các vật thể xuyên sao Hải Vương, nằm xa hơn Sao Hải Vương và có quỹ đạo quanh Mặt Trời tại khoảng cách hơn 250 lần so với Trái Đất.
Trong quá khứ, các nhà thiên văn không thường xuyên nghiên cứu nhóm vật thể này khi tìm kiếm Hành tinh thứ Chín, do sự tương tác của chúng với quỹ đạo của Sao Hải Vương. Tuy nhiên, Bogytin và nhóm của ông đã quyết định khám phá sâu hơn về chuyển động của chúng bằng cách thực hiện các mô phỏng để xem các yếu tố như các hành tinh khổng lồ lân cận và thủy triều thiên hà của Dải Ngân Hà ảnh hưởng như thế nào đến quỹ đạo của chúng.
Kết quả từ các mô hình chỉ ra rằng Hành tinh thứ Chín, một hành tinh bị nghi ngờ từ lâu nhưng chưa được chứng minh ở rìa hệ mặt trời, là lời giải thích tốt nhất cho hành vi quỹ đạo của các vật thể này.
Từ khi Sao Diêm Vương bị phân loại lại thành hành tinh lùn vào năm 2006, cộng đồng thiên văn học đã liên tục tìm kiếm hành tinh thứ chín thực sự trong hệ mặt trời. Công cuộc tìm kiếm này sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ khi Đài quan sát Vera C. Rubin ở Chile đi vào hoạt động vào tháng 1 năm 2025.
Đài quan sát này sẽ sử dụng một máy ảnh 3,2 gigapixel mạnh mẽ với ống kính quang học rộng để tiến hành Khảo sát Di sản Không gian và Thời gian (LSST), giúp các nhà thiên văn học có thêm hiểu biết về các vật thể xa xôi nhất trong hệ mặt trời và xác định liệu Hành tinh Chín có thực sự tồn tại hay không.