Nhiều chủ doanh nghiệp và quản lý, ít nhất là ở Mỹ, có cái nhìn ít thiện cảm với nhân viên Gen Z. Đây là một kết quả được cho là khá “sốc”, theo cuộc thống kê vừa được thực hiện.
Theo đó, trong tháng này, công ty ResumeBuilder đã lấy ý kiến của gần 1.500 người thuộc các cấp bậc quản lý thuộc nhiều ngành khác nhau, hỏi họ về trải nghiệm làm việc với Gen Z - những người sinh năm 1997 và sau đó.
Thật bất ngờ, gần một nửa số người (49%) tuyên bố rằng rất khó làm việc với Gen Z “trong toàn bộ hoặc phần lớn thời gian”, và có đến 79% số người nói rằng Gen Z là “thế hệ khó làm việc cùng nhất ở công ty”.
Trong số những người tham gia cho ý kiến, 59% nói họ đã từng phải sa thải ít nhất một nhân viên Gen Z, và 20% thậm chí còn thừa nhận rằng họ đã phải đuổi việc ít nhất một nhân viên trẻ chỉ trong vòng một tuần kể từ khi nhân viên đó bắt đầu làm việc.
Các nhà quản lý đưa ra nhiều lý do cho những lời khẳng định trên, trong đó đa số nói điều họ khó chịu nhất ở Gen Z là những nhân viên này tự cho rằng mình xứng đáng được đãi ngộ đặc biệt. Ngoài ra là các lý do khác như: Thiếu cố gắng, thiếu động lực, năng suất không cao.
Một số vị sếp thì nói, họ hiểu tại sao Gen Z được gọi là “thế hệ bông tuyết”, đó là vì Gen Z “rất dễ cảm thấy bị xúc phạm”.
Thế hệ Z còn được gọi là "thế hệ bông tuyết". Ảnh minh họa: Getty.
Akpan Ukeme, người đứng đầu bộ phận nhân sự của công ty Dịch vụ Vận tải Toàn cầu SGK, nói: “Trong tổ chức của chúng tôi, những người thuộc Gen Z mà tôi phải làm việc cùng có thể khiến tôi rất mệt, vì họ thiếu kỷ luật, cứ như họ thích thử thách người khác vậy… Công ty của chúng tôi làm việc chủ yếu là online, họ nghĩ họ biết mọi thứ về kỹ thuật số và có thể làm thầy của tôi. Họ luôn nghĩ họ giỏi hơn bạn, thông minh hơn bạn, có năng lực hơn bạn và họ sẵn sàng nói thẳng điều đó vào mặt bạn”.
Một vị sếp tỏ ra khó chịu vì Gen Z thích thể hiện rằng mình giỏi hơn cả sếp. Ảnh minh họa: Times Now.
Nhưng nói như vậy không phải Gen Z thiếu điểm mạnh. Adam Garfield, giám đốc tiếp thị công ty HairBro chuyên các sản phẩm về tóc, nói: “So với các thế hệ khác, Gen Z thích đổi mới hơn, dễ thích nghi hơn, không ngại thay đổi hiện trạng và đưa ra những ý tưởng mới, đặc biệt thường đề nghị công ty đi theo hướng thân thiện với môi trường”.
Còn lời khuyên chung của đa số các nhà quản lý dành cho Gen Z khi đi làm là có thái độ, hành động chuyên nghiệp hơn và rèn luyện khả năng giao tiếp tốt hơn.