Nhìn lại những đột phá y học làm thay đổi thế giới của năm 2024

Năm 2024 là năm mà những đột phá trong y học đã góp phần thay đổi thế giới, tạo ra các "vũ khí" y học mới sẵn sàng ứng phó với những dịch bệnh mới.

Theo đó, hàng loạt đột phá trong y học đã xuất hiện trong năm 2024 như thuốc điều trị HIV mới đem lại hiệu quả phòng ngừa 100%; liệu pháp tế bào miễn dịch Car-T mở ra kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư với tỷ lệ đáp ứng từ 60% - 90%; vaccine chống ung thư được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân, mở ra hy vọng cho hàng triệu người bệnh; công nghệ biến đổi gen đứng sau thành công của các ca ghép tạng động vật cho người; trí tuệ nhân tạo AI được tích hợp hàng loạt trong các công nghệ khám và điều trị bệnh.

Thuốc điều trị HIV được vinh danh là "Đột phá của năm"

Những nghiên cứu điều trị bệnh ung thư và điều trị HIV trong năm nay đã đạt được nhiều đột phá quan trọng, mở ra hy vọng mới cho hàng triệu bệnh nhân trên toàn thế giới. Điều đó là nhờ việc áp dụng các công nghệ y sinh tiên tiến nhất. Đột phá trong y học năm 2024 chính là khi con người đã có nhiều bước tiến quan trọng trong nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị bệnh - đặc biệt là ngày càng tích hợp công nghệ nhiều hơn.

Tạp chí khoa học Science của Mỹ đã vinh danh Lenacapavir - một loại thuốc tiêm thế hệ mới được dùng để điều trị cho người nhiễm HIV là "Đột phá của năm". "Làm nên lịch sử" cũng là cụm từ được Giám đốc điều hành Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), bà Winnie Byanyima nhận định về loại thuốc này với khả năng thay đổi đáng kể trong cuộc chiến chống lại căn bệnh HIV/AIDS.

Lenacapavir - một loại thuốc thế hệ mới được dùng để điều trị HIV và được coi như một vaccine - hiện có giá hơn 40 .000 USD để điều trị cho 1 người/năm, nhưng trong tương lai có thể được sản xuất với giá chỉ 4 USD.

Nhìn lại những đột phá y học làm thay đổi thế giới của năm 2024- Ảnh 1.

(Ảnh: Medical Update Online)

Thuốc Lenacapavir được bán dưới tên thương hiệu Sunlenca do công ty dược sinh học Gilead Sciences phát triển. Đây là một loại thuốc kháng virus thế hệ mới, nhắm vào capsid - lớp vỏ protein bao quanh mã di truyền của virus HIV và có nhiệm vụ chính là cô lập gene của virus, từ đó ngăn cản virus HIV sinh sôi.

Không chỉ hiệu quả đến 99% đối với những bệnh nhân đã mắc căn bệnh này, các thử nghiệm ban đầu cho thấy thuốc cũng hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa phơi nhiễm HIV. Ngoài ra, thay vì uống hàng ngày như các loại thuốc điều trị trước, việc sử dụng thuốc Lenacapavir trở thành phương pháp dễ dàng và hiệu quả hơn khi chỉ cần tiêm 2 lần/năm.

Bước tiến vaccine điều trị ung thư được cá nhân hóa

Năm 2024, cuộc chiến chống ung thư cũng bước sang một chương mới với sự xuất hiện của những công nghệ đột phá.

Ngay trong những ngày tháng 12 này, hãng tin Tass của Nga trích lời Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y học quốc gia về X-quang trực thuộc Bộ Y tế Nga Andrei Kaprin cho biết: Nga đã phát triển một loại vaccine mRNA điều trị ung thư được cá nhân hóa, giúp điều trị những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Điểm đột phá chính là các nhà nghiên cứu đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích các thông tin về khối u và tạo ra bản thiết kế vaccine cá nhân hóa cho từng bệnh nhân. Như vậy, vaccine mới có thể được sử dụng cho bất kỳ loại ung thư nào. Theo kế hoạch, việc được thử nghiệm trên người sẽ diễn ra ở Nga vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Liệu pháp tế bào CAR-T - kỷ nguyên mới cho điều trị ung thư

Bên cạnh tin vui về vaccine chống ung thư cá nhân hóa của Nga, liệu pháp tế bào CAR-T cũng mở ra kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư bằng tế bào miễn dịch.

Tế bào CAR-T là một loại liệu pháp miễn dịch. Các tế bào miễn dịch T từ máu của bệnh nhân sẽ được thu thập, sau đó sửa đổi gen và trang bị thêm cho chúng những thụ thể mới trên bề mặt, giúp tế bào T nhận diện được tế bào ung thư tốt hơn. Thụ thể này được gọi là CAR.

Nhìn lại những đột phá y học làm thay đổi thế giới của năm 2024- Ảnh 2.

(Ảnh: HealthJobsNationwide)

Tiến sĩ William G. Wierda - Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas, bang Texas, Mỹ - cho biết: "Các tế bào CAR-T đã chỉnh sửa sẽ được tiêm trở lại cơ thể qua đường tĩnh mạch để cùng với hệ miễn dịch tiêu diệt các tế bào ung thư xác định. Bệnh nhân có thể mắc các triệu chứng giống như cảm cúm khi điều trị theo liệu pháp này".

Ngay khi vào cơ thể, các tế bào CAR-T sẽ làm hai việc gồm tiêu diệt tế bào ung thư và phân chia thành hai tế bào con. Trung bình, tế bào T phân chia 1.000 lần trong cơ thể, biến cơ thể như một lò phản ứng sinh học.

Đến nay, đã có 6 liệu pháp tế bào CAR-T được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ phê duyệt để điều trị bệnh ung thư máu, với tỷ lệ đáp ứng điều trị từ 60% - 90%, giúp cứu sống hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm. Liệu pháp CAR-T đã mở ra cuộc cách mạng trong điều trị ung thư và các bệnh tự miễn với mức độ cá nhân hóa cao, mặc dù chi phí vẫn đang rất đắt đỏ.

Đột phá trong công nghệ hỗ trợ điều trị

Cái "bắt tay" ngày càng chặt giữa y học và công nghệ số đang khiến những căn bệnh trước đây không thể điều trị hoặc điều trị rất khó khăn nay trở nên ngày càng dễ dàng hơn.

Ca ghép thận lợn biến đổi gen cho người

Đầu năm nay, bệnh viện đa khoa Massachusetts của Mỹ đã thực hiện thành công ca ghép thận lợn biến đổi gen đầu tiên trên thế giới cho bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối. Thận lợn cấy ghép cho bệnh nhân đã được chỉnh sửa gen bằng công nghệ Crisr-Cas để loại bỏ các gen có hại ở lợn và bổ sung các loại gen nhất định của người để cải thiện khả năng tương thích sau khi được cấy ghép. Đây được coi là giải pháp tiềm năng cho tình trạng thiếu hụt nội tạng cấy ghép trên toàn thế giới, mang lại sự sống cho hàng triệu bệnh nhân đang bị suy thận trên thế giới.

Chẩn đoán sớm Alzheimer nhờ AI

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge, Anh đã phát triển một công cụ có khả năng dự đoán những dấu hiệu sớm của những người có khả năng mắc bệnh Alzheimer bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Thuật toán AI sẽ xử lý dữ liệu từ chụp cộng hưởng từ và trả lời câu hỏi kiểm tra nhận thức. Công nghệ mới này có thể giúp can thiệp sớm hơn để chăm sóc hiệu quả và ít tốn kém hơn.

Nhìn lại những đột phá y học làm thay đổi thế giới của năm 2024- Ảnh 3.

(Ảnh: Adobe Stock)

Đột phá công nghệ kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm

Năm 2024, nhiều dịch bệnh cũ bùng phát với tốc độ lây lan chóng mặt và mức độ nguy hiểm gia tăng. Dịch đậu mùa khỉ đã lan rộng từ CHDC Congo ra nhiều quốc gia khác ngoài khu vực châu Phi do virus biến đổi nhanh hơn dự kiến. Dịch sốt xuất huyết trong năm 2024 đã tăng theo cấp số nhân, đặc biệt ở khu vực châu Mỹ, do muỗi ngày càng thích nghi với biến đổi khí hậu và và sinh sản nhiều và sớm hơn. Đã hơn 4 năm sau khi WHO tuyên bố là đại dịch toàn cầu, dịch bệnh COVID -19 vẫn chưa hoàn toàn biến mất.

Nhờ sự phát triển của công nghệ trong năm nay, các quốc gia có thêm nhiều công cụ tốt hơn thể phòng ngừa các bệnh lây nhiễm.

Các nhà nghiên cứu Mỹ, Trung Quốc đã phát triển thành công thiết bị tự động có khả năng phân loại hiệu quả muỗi đực và muỗi cái - bước đột phá kỹ thuật giúp kiểm soát muỗi truyền bệnh, đơn cử như thả muỗi bị triệt sản vào tự nhiên.

Các công nghệ AI đang được áp dụng rộng rãi để theo dõi và phát hiện các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm. AI hỗ trợ các liệu pháp gen mang lại hy vọng mới cho cuộc chiến chống tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn. Công nghệ AI mô phỏng chính xác cơ chế của virus, vi khuẩn, giúp phát triển tối ưu thiết kế vaccine và thuốc điều trị.

Tuy nhiên, trên hết, các công nghệ y tế chỉ là công cụ hỗ trợ, còn yếu tố chủ động của các quốc gia vẫn đóng vai trò quan trọng hàng đầu, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đầu tuần này đã bày tỏ sự tin tưởng rằng các quốc gia có thể đạt được thỏa thuận phòng chống đại dịch vào tháng 5/2025. Thỏa thuận này sẽ khiến các nước tăng cường hợp tác trước và trong đại dịch, trong trường hợp có một đại dịch như COVID-19 xuất hiện trong tương lai.