Công Phượng và vị hôn thê của mình đã thành lập công ty riêng để quản lý hình ảnh của anh. Đây không phải lĩnh vực mới trên thế giới nhưng khá mới ở Việt Nam và đã có nhiều chuyện bi hài liên quan vấn đề này trong làng túc cầu quốc nội.
Bên cạnh việc ra sân và thể hiện mình, các cầu thủ còn là những người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn trên truyền thông. Vậy nên thật dễ hiểu khi hình ảnh cầu thủ cũng là thứ được cả người hâm mộ lẫn các doanh nghiệp quan tâm.
Tuy nhiên, suốt chiều dài lịch sử bóng đá Việt Nam, rất hiếm cầu thủ thực sự quan tâm hay khai thác được hình ảnh thương hiệu của mình. Huỳnh Đức hay Lê Công Vinh là những cầu thủ hiếm hoi trong lịch sử có thể kiếm được tiền từ việc đóng quảng cáo, làm đại diện thương hiệu cho các doanh nghiệp. Nhiều năm sau mới tới thời của những Quang Hải, Công Phượng, Bùi Tiến Dũng... trong lĩnh vực kinh doan hình ảnh cá nhân.
Mới đây, truyền thông tron nước xôn xao việc Công Phượng là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Tiếp thị Thể thao PM, đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7/2019 trong vai trò là đơn vị phụ trách quản lý hình ảnh, truyền thông và thương mại cho cá nhân cầu thủ này. Thông tin này rộ lên ngay sau lễ đính hôn của Công Phương và vị hôn thê của anh được cho là giữ vai trò điều hành công ty PM.
Việc Công Phượng cùng vợ đứng ra mở công ty để quản lý hình ảnh của anh cho thấy đây là một lĩnh vực đang rất phát triển và cực kỳ cần thiết cho các cầu thủ chuyên nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Dù đã quá độ lên chuyên nghiệp từ bao năm nay, nhưng cách mà các đội bóng Việt Nam quản lý hình ảnh cầu thủ vẫn hết sức... nghiệp dư và nhập nhằng. Đó cũng là lý do một cái tên nổi tiếng như Công Phương muốn tự quản lý hình ảnh của mình.
Thực tế thì rất nhiều cầu thủ trẻ Việt Nam khi ký hợp đồng với các đội bóng thường do cha mẹ đứng tên, họ có thể chưa đủ hiểu biết về các quy định nên rất nhiều trường hợp ký bừa. Đặc biệt, nhiều trường hợp không hiểu rõ các điều khoản có ràng buộc như thế nào nên dễ xảy ra tranh chấp quyền lợi về sau.
Cộng đồng chắc vẫn chưa quên vụ tranh chấp của Bùi Tiến Dũng và CLB Thanh Hóa (khi ấy là FLC Thanh Hóa) cách đây vài năm. Khi thủ môn xứ Thanh hợp tác với một công ty truyền thông để khai thác hình ảnh của mình thì vỡ lẽ là CLB không cho phép Bùi Tiến Dũng hợp tác với ai khác trong việc khai thác hình ảnh của anh. Vụ việc căng thẳng tới mức đội bóng này khi ấy còn đòi đâm đơn kiện.
Bảng báo giá quảng cáo liên quan Bùi Tiến Dũng trên MXH năm 2018.
Gần đây nhất, CLB Hà Nội - đương kim vô địch quốc gia cũng mới ban hành quy định nội bộ đòi các cầu thủ phải chia sẻ doanh thu từ hoạt động quảng cáo hình ảnh của mình trên mạng xã hội. Quy định này được cho là ảnh hưởng nhiều nhất tới Quang Hải, cái tên nổi tiếng nhất trong đội hình đội chủ sân Hàng Đẫy.
Thường thì hợp đồng hình ảnh cầu thủ sẽ có tỷ lệ ăn chia là 50-50 hoặc 70 đội bóng - 30 cầu thủ, nhưng hiện nay vấn đề này thường bị xem nhẹ bởi thực tế nhiều cầu thủ xuất thân nghèo khó thì được ký hợp đồng chuyên nghiệp đã là may mắn, vấn đề còn lại họ thường chỉ quan tâm tiền "lót tay", lương thưởng chứ ít khi mơ có ngày mình nổi tiếng, đi đóng quảng cáo kiếm tiền hay kinh doanh hình ảnh cá nhân.
Thực tế nhiều đội bóng cũng còn chật vật đi tìm nhà tài trợ thì nói gì tới việc kiếm tiền từ hình ảnh cầu thủ. Nhưng trong thời đại mạng xã hội lên ngôi thì mọi thứ đã thay đổi, cầu thủ cứ chơi bóng thật tốt, thể hiện tốt trước khán giả và fan hâm mộ, hợp đồng quảng cáo và tiền sẽ tự về nếu họ có công ty quản lý hình ảnh của mình.
Tóm lại, hình ảnh cầu thủ là lĩnh vực có thể giúp các cầu thủ và đội bóng hái ra tiền, tuy nhiên vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức từ chính các CLB, cầu thủ và cả từ phía gia đình các tài năng nhí. Đến một lúc nào đó, nếu bóng đá Việt Nam phát triển ngang ngửa những cường quốc như Anh, Pháp, Đức... thì chắc mỗi cầu thủ sẽ có một công ty riêng. Còn hiện tại, trường hợp của Công Phượng có thể sẽ tạo nên một cú hích cho những người đồng nghiệp thay đổi suy nghĩ./.