"Nhờ" COVID-19, 10 năm ròng tôi mới được đón Tết thảnh thơi

Từ ngày làm vợ, làm dâu, Tết nào tôi cũng quần quật nấu nướng, dọn dẹp trong bếp. Người ta xúng xính váy áo đi chơi, còn tôi kết bạn với chiếc tạp dề.

"Nhờ" COVID-19, 10 năm ròng tôi mới được đón Tết thảnh thơi - 1

Tôi đọc đâu đó một câu nói của nhà văn Trang Hạ: “Có bao nhiêu niềm vui trong tổ ấm khi Tết đến xuân về dành cho những người phụ nữ? Có bao nhiêu mùa xuân nghiêng khi gánh nặng bếp núc trút hết lên vai họ để rồi niềm mong ước lớn nhất trong dịp Tết lại là được ngủ?”. Đó đích thực là nỗi niềm ngày Tết của tôi suốt 10 năm qua, kể từ ngày lấy chồng.

Với tôi, Tết đến mang theo những nơm nớp lo âu về chuyện bếp núc, nào có khái niệm du xuân, trẩy hội. Tôi lấy chồng năm 25 tuổi, ở cái tuổi còn ham chơi nên cái Tết đầu tiên quê chồng, tôi sốc lắm. Mẹ chồng bảo: “Con là dâu trưởng trong nhà, Tết đến phải canh cho bếp nhà mình luôn ấm, thức ăn luôn đầy, vừa hợp khẩu vị người nhà, vừa làm hài lòng khách khứa”. Thế là tôi bước vào một khoá học không thời hạn, đầy những trải nghiệm ê chề: Khoá học “đứng bếp” ngày Tết.

Năm nào cũng vậy, tôi phải thu xếp công việc, về quê chồng từ ngày 25 Tết (dù 27, 28 Tết mới được nghỉ). Việc về lễ Tết quê ngoại giao cả cho chồng, còn tôi là dâu thì phải về quê nội lo sắm sửa Tết. Ngày thường, tôi còn được ngủ đến 7 giờ sáng vì 8 giờ mới đến giờ làm, nhưng ngày Tết thì phải dậy từ 5 giờ sáng dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua đồ ăn dự trữ cho mấy ngày Tết, quà cáp cho họ hàng, trang trí bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị cỗ bàn, nấu ăn, đãi khách…

Đêm 30 Tết, tôi và mẹ chồng vẫn phải cặm cụi thịt gà, chuẩn bị cỗ cúng đêm giao thừa và sáng mùng 1. Xong tất tần tật đã là gần 2 giờ sáng, nhiều khi còn không biết pháo hoa bắn từ lúc nào.

Bố chồng tôi là con trưởng, chồng tôi cũng là con trưởng nên ba ngày Tết hầu như tôi chỉ ở nhà làm cơm đãi khách chứ không có chuyện xúng xính váy áo đi chúc Tết. Sáng mùng 2, tôi phải chuẩn bị đầy đủ 4 mâm cỗ đãi anh em trong nhà, ăn uống xong thì lao vào dọn dẹp. Nhiều khi nhìn người ta quần là áo lượt, má phấn môi son, đến chúc Tết, ngồi ăn cơm rồi thảnh thơi ra về, nhìn lại mình vẫn bộ đồ ngủ, quấn tạp dề, chạy tới chạy lui giữa gian bếp và nhà khách, tôi tủi thân vô cùng. Nhưng trách nhiệm của dâu trưởng quấn lấy, tôi chẳng có cách nào rũ bỏ.

"Nhờ" COVID-19, 10 năm ròng tôi mới được đón Tết thảnh thơi - 3

Năm nay tôi đã có một cái Tết thảnh thơi (ảnh minh hoạ)

Suốt 3 ngày Tết cứ vậy, ai đến chơi nhà tôi cũng phải bưng mâm ra mời, hâm nóng cơm canh rồi lại dọn dẹp. Nhiều khi, có chút thời gian đến nhà họ hàng chơi vào mùng 3, mùng 4 Tết, mọi người còn ngỡ ngàng khi đến giờ mới thấy mặt tôi.

Tết năm nay thì hoàn toàn khác. Cả quê nội lẫn quê ngoại đều nằm trong vùng dịch COVID-19, nhà tôi chỉ còn cách ở lại Hà Nội ăn Tết. Trong khi chồng rối bời lo lắng thì tôi lại khấp khởi mừng thầm vì sắp có một cái Tết thảnh thơi, không còn tất bật mua sắm, nấu nướng, dọn dẹp, đón tiếp hết đoàn khách nọ đến đoàn khách kia.

Lấy chồng 10 năm, 10 năm sống ở Hà Nội, chính thức có nhà riêng 8 năm, có lẽ đây là năm đầu tiên tôi được lau dọn, “chưng diện” sắc xuân cho căn nhà này. Tôi bắt đầu lên kế hoạch đón Tết Hà Nội, ăn uống ra sao, nghỉ ngơi thế nào… Tôi quan niệm, cả năm ăn uống hoành tráng rồi, Tết nhất chẳng cần cầu kỳ, chỉ cần vài món truyền thống như bánh chưng, dưa hành, giò lụa… là đủ, mà mấy thứ đó, tôi đặt trong vòng một buổi sáng.

Thay vì tất bật đi chợ sắm đồ, nấu nướng, đón khách, tôi sẽ có thời gian đọc một cuốn sách, xem một bộ phim, làm những điều mình thích. Cái Tết tôi mong muốn từ lâu, không ngờ lại đến vào đúng cái năm người người than vãn về COVID-19. Có lẽ, cũng có chút buồn khi không được sum vầy bên gia đình nhưng tôi cần chút không gian riêng này.