Sang tháng 5, chỉ cần nghe tiếng ve kêu râm ran khắp nơi, thấy những chùm phượng nở đỏ thắm sân trường… là các bạn học sinh cuối cấp biết rằng mùa chia tay đã đến. Học sinh sẽ phải tạm biệt ngôi trường thân thương, bạn bè và thầy cô để bước sang một chặng đường mới của cuộc đời với nhiều thử thách phía trước.
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh chụp lại một bài kiểm tra môn Toán cuối cùng của thời học sinh khiến nhiều dân mạng bồi hồi xúc động. Thường thì môn Toán được biết đến với các con số, các phép tính, đồ thị, hình học, hay các hàm lượng giác... nhưng ở đề này học sinh không hề bắt gặp một con số nào. Không còn phải tính toán, không còn phải vẽ hình hay suy luận, tất cả chỉ còn lại sự bồi hồi, xao xuyến vì sắp phải chia tay mái trường THPT.
Cụ thể, đề kiểm tra gồm 2 câu hỏi. Câu đầu tiên yêu cầu học sinh dự đoán đề thi học kỳ II môn Toán của bản thân, cho phép sai lệch nhưng nếu cứ lệch 0,2 điểm sẽ bị trừ 0,5 điểm. Câu hỏi này có biểu điểm là 4 điểm. Nếu chỉ dự đoán thôi thì học sinh chắc chắn sẽ thích lắm đây vì đâu còn phải suy nghĩ tính toán gì nữa.
Câu hỏi thứ 2 với biểu điểm là 6 điểm với nội dung: "Em cảm thấy để trưởng thành thì nên học môn gì, tại sao?". Đáng chú ý, thầy giáo còn cho phép các bạn học sinh được tra Google để tìm đáp án. Tuy nhiên, với câu hỏi này thì dù được phép tra Google cũng chẳng tìm ra. Tất cả phụ thuộc vào cách nhìn nhận vấn đề của từng bạn. Đây có lẽ là đề kiểm tra Toán dễ thở đầu tiên cũng là cuối cùng của thời học sinh. Chính vì vậy nó khiến rất nhiều người không khỏi bồi hồi xúc động.
Trước đó có một số thầy cô cũng ra những đề bài tương tự thu hút sự chú ý của dân mạng.
Đối với các thầy cô giáo chỉ cần học sinh của mình được sống hạnh phúc, thế là đủ.
Sau khi đăng tải, đề kiểm tra này đã thu hút sự chú ý lớn của cư dân mạng. Nhiều học sinh để lại bình luận trả lời cho câu hỏi thứ 2. Cũng không ít bạn bồi hồi tag những người bạn cùng bàn cấp 3 của mình ôn lại kỷ niệm xưa.
- Nếu làm bài này chắc mình được 9 điểm đó.
- Nhớ ngày còn đi học ghê, thời mà vô lo vô nghĩ, không nhiều áp lực và gánh nặng như bây giờ.
- Với bài tập này, giáo viên đang "khám phá" tư duy của học sinh về cách chọn nghề, chọn trường đây mà.