Những đánh giá của chuyên gia về thảm kịch máy bay tại Hàn Quốc

Vụ tai nạn máy bay tại sân bay Muan, Hàn Quốc khiến 179 người thiệt mạng đã gây ra nỗi đau thương lớn và đặt ra nhiều câu hỏi về an toàn hàng không.

Công tác cứu hộ và điều tra vụ tai nạn máy bay tại sân bay Muan, Hàn Quốc đang được tiến hành khẩn trương. Nhiều người thân của các nạn nhân vẫn nán lại sân bay, chờ đợi tin tức từ những người bị nạn trong thảm kịch.

Danh sách các nạn nhân được công bố, bao gồm tên, ngày sinh và quốc tịch, khiến không khí tại sân bay càng thêm tang thương. Tính đến thời điểm hiện tại, 179 người đã thiệt mạng và chỉ 2 người sống sót. Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok đã tuyên bố quốc tang kéo dài 7 ngày để tưởng nhớ các nạn nhân.

Ông Jeon Je-young, một người cha mất con trong vụ tai nạn, chia sẻ nỗi đau không thể nguôi ngoai: "Con tôi đã sắp trở về nhà rồi, gần đến mức không cần phải gọi điện thoại cho tôi. Khi tôi thấy cuộc gọi nhỡ của con, thì máy bay đã gặp tai nạn rồi".

Những đánh giá của chuyên gia về thảm kịch máy bay tại Hàn Quốc- Ảnh 1.

Người thân của hành khách trên chiếc máy bay xấu số tại Sân bay quốc tế Muan ở Muan, Hàn Quốc, ngày 30/12/2024. (Ảnh: AP)

Không chỉ gia đình các nạn nhân, người dân Hàn Quốc cũng không giấu được sự lo lắng. Anh Kim Soo-chul cho biết: "Thật khó để tưởng tượng rằng một vụ tai nạn như thế này có thể xảy ra khi đi máy bay. Nhưng sau vụ việc này, tôi không thể không cảm thấy lo lắng và thận trọng hơn khi bay trong tương lai".

Theo các chuyên gia hàng không, vụ tai nạn của chiếc máy bay số hiệu 7C2216 là một sự cố hiếm gặp với nhiều câu hỏi chưa có lời giải. Báo cáo cho thấy máy bay có khả năng gặp sự cố với bánh đáp, va chạm với chim, và các yếu tố khác.

Ông Philip Butterworth-Hayes, chuyên gia hàng không, nhận định: "Động cơ máy bay được chế tạo để chịu được va chạm với chim. Nhưng nếu những con chim lớn bay thành đàn, ngay cả động cơ hiện đại cũng gặp vấn đề".

Những đánh giá của chuyên gia về thảm kịch máy bay tại Hàn Quốc- Ảnh 2.

Các thành viên đội cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ cháy máy bay ở Sân bay quốc tế Muan tại Muan, Hàn Quốc, ngày 30/12/2024. (Ảnh: AP)

Ngoài ra, cựu phi công Marco Chan cho rằng hỏng hóc cơ học nghiêm trọng có thể là nguyên nhân chính: "Các vấn đề với bánh đáp có thể gây ra loạt hệ lụy từ việc kẹt cửa bánh đáp, hỏng hệ thống thủy lực đến hư hỏng dây điện".

Giáo sư Gregory Alegi từ Đại học Luiss (Italy) cũng đặt câu hỏi về tình trạng mặt đất tại hiện trường: "Tại sao máy bay không thể hạ cánh an toàn dù tiếp cận bằng phẳng? Chúng ta không thấy các biện pháp khẩn cấp như rải bọt trên đường băng. Thêm vào đó, bức tường mà máy bay đâm vào không nên tồn tại gần đường băng, vi phạm tiêu chuẩn quốc tế".

Bình luận viên Geoffrey Thomas nhấn mạnh: "Không bao giờ nên có một bức tường ở bất kỳ đâu gần đường băng. Việc này hoàn toàn vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế".

Các quan chức Hàn Quốc đang tập trung điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, bao gồm khả năng va chạm với chim. Họ bác bỏ ý kiến cho rằng độ dài đường băng là yếu tố góp phần vào thảm họa. Đây là vụ tai nạn chết người đầu tiên trong lịch sử của Jeju Air, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc, với lịch sử hoạt động an toàn đáng tin cậy kể từ năm 2005.

Những đánh giá của chuyên gia về thảm kịch máy bay tại Hàn Quốc- Ảnh 3.

Những người đưa tang cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ cháy máy bay tại một bàn thờ tưởng niệm ở công viên thể thao Muan ở Muan, Hàn Quốc, ngày 30/12/2024. (Ảnh: AP)

Không chỉ người thân các nạn nhân, vụ tai nạn cũng khiến nhiều người dân Hàn Quốc cảm thấy bất an khi nhắc đến việc đi máy bay.

Anh Kim Soo-chul, một người dân Hàn Quốc, chia sẻ: "Thật khó để tưởng tượng rằng một vụ tai nạn như thế này có thể xảy ra khi đi máy bay. Nhưng sau vụ việc này, tôi không thể không cảm thấy lo lắng và thận trọng hơn khi bay trong tương lai".