Những lời khuyên người độc thân không nên nghe

Dù có ý định tốt, gia đình và bạn bè thường đưa lời khuyên có hại cho những người độc thân.

Nhận quá nhiều thông tin từ các nguồn dễ gây choáng ngợp, nhiễu loạn và bị cám dỗ làm theo lời khuyên không phù hợp với giá trị bản thân.

Tiến sĩ tâm lý học người Mỹ Roxy Zarrabi chỉ ra một số lời khuyên người độc thân không nên nghe theo.

"Đừng kén chọn nữa"

Nếu bạn đang mong yêu được một siêu mẫu, sống trong biệt thự có thể không phải kỳ vọng thực tế. Nhưng việc có tiêu chuẩn về cách ai đó đối xử với bạn và các giá trị bạn chia sẻ là cần thiết trong một mối quan hệ nghiêm túc.

Nếu nghe thấy lời khuyên này, hãy nhắc nhở bản thân quan trọng là phải có tiêu chuẩn và tuyệt đối không bắt đầu một mối quan hệ làm tổn hại đến các giá trị của bạn.

"Hợp thì bắt đầu không thì thôi"

Nếu bạn bước vào buổi hẹn hò với suy nghĩ cảm thấy hợp thì bắt đầu, không thì dừng luôn, bạn có thể đánh mất một mối quan hệ tốt đẹp. Điều đó cũng gây quá nhiều áp lực cho buổi đầu gặp gỡ.

Nghiên cứu chỉ ra sự thu hút của bạn với người khác có thể tăng theo thời gian. Càng tiếp xúc nhiều với thứ gì đó hoặc ai đó bạn cảm thấy trung lập thì càng có nhiều khả năng có cảm xúc tích cực với người/thứ đó.

Một số người dẫn dắt bằng cảm xúc khi hẹn hò và thường "chỉ cần biết" ai đó là người phù hợp từ đầu. Những người khác phân tích nhiều hơn và tiếp cận tình yêu từ góc nhìn lý trí hơn.

Nếu thuộc nhóm thứ hai, bạn dễ bị thu hút theo kiểu "chậm phát triển" và có thể không dễ dàng cảm nhận được ''tia lửa tình'' trong vài buổi hẹn hò đầu tiên.

Buổi đầu gặp mà không rung động thì dừng

Với nhiều người, sét ái tình có thể phát triển thành một mối quan hệ. Nhưng sai lầm là nhiều người nghĩ lần đầu gặp mà không thích thì không nên bắt đầu. Như đã nói, sự gần gũi và hấp dẫn cần thời gian phát triển.

Đôi khi, cảm giác bồi hồi là dấu hiệu cho thấy bạn lo lắng hoặc căng thẳng nhưng bạn lại nhầm lẫn là rung động yêu đương. Điều này đặc biệt đúng với người quen hẹn hò với những kiểu người giống nhau, mà không thành công.

Khi nghĩ mình rung động với người mới bắt đầu gặp, thường adrenaline nhanh chóng tăng lên, khiến nhịp tim nhanh, hơi thở gấp - những phản ứng thể chất tương tự gặp phải mối đe dọa. Adrenaline là hormone phát huy tác dụng trên thần kinh giao cảm, được sản xuất khi cơ thể con người thích thú và cả sợ hãi hay tức giận.

Khi những phản ứng thể chất này xảy ra lúc hẹn hò, bạn có thể nhầm với cảm giác lãng mạn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ lo lắng cao có thể khiến ai đó cảm thấy bị hấp dẫn hơn đối với một đối tác tiềm năng, so với những gì họ cảm thấy trong tình huống khác.

Tình yêu đến khi bạn ít mong đợi nhất

Giả định chắc chắn tình yêu sẽ đến khi không mong nhất dễ khiến bạn bỏ lỡ cơ hội quý để gặp một người mới. Người yêu lý tưởng sẽ không tự nhiên rơi trên trời xuống. Đa phần bạn cần chủ động, hành động một cách có ý thức để gặp.

Không nên để mọi thứ chỉ là may rủi - điều chúng ta không thể kiểm soát mà hãy nghĩ tình yêu có thể đến bất ngờ và đôi khi đến khi bạn chủ động kiếm tìm.

Yêu bản thân mới yêu được người khác

Đây là hiểu lầm rất phổ biến. Đúng là bạn không thể có một mối quan hệ lành mạnh nếu mong đối tác làm bạn hạnh phúc và phụ thuộc họ trong mọi thứ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể vừa cải thiện mối quan hệ với chính mình, trong khi đang trong mối quan hệ với ai đó.

Ai cũng có thể thay đổi, chỉ cần cho họ cơ hội

Nếu bạn có những nghi ngờ ai đó, hãy dành thời gian để tìm hiểu thật kỹ. Bắt đầu một mối quan hệ trong hy vọng sẽ thay đổi được đối phương giống như mong cầu một bữa ăn đầy đủ trong vô vọng.

Dù ai cũng có thể thay đổi theo thời gian, nhưng bạn đang hẹn hò với người ngay trước mắt, không phải tương lai của họ.