Bác sĩ Richard Teo Keng Siang, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ người Singapore đã cố gắng chia sẻ thông điệp của mình trước khi qua đời ở tuổi 40 vì ung thư phổi vào tháng 10 năm 2012. Câu chuyện của bác sĩ Teo đã trở thành bài học truyền cảm hứng lâu dài, chạm đến trái tim của nhiều người đang vật lộn tìm kiếm hạnh phúc của họ.
Một cuộc đời khuôn mẫu
Là một người đã sống cuộc đời được đánh giá là “thành công” bởi xã hội, đến khi sắp qua đời, ông mới học được một bài học quan trọng: cuộc sống còn nhiều thứ hơn là tiền bạc.
"Tôi là một sản phẩm điển hình của xã hội ngày nay," ông nói. "Từ khi còn trẻ, tôi luôn chịu ảnh hưởng và ấn tượng rằng hạnh phúc là thành công. Và thành công là giàu có. Vì vậy, tôi đã sống cuộc đời của mình theo phương châm này. Tôi luôn mang trong mình một khát vọng ganh đua rất lớn. Tôi không chỉ là học sinh xuất sắc, mà còn muốn là người giỏi nhất trong mọi lĩnh vực. Tôi phải đoạt giải, phải mặc đồng phục đẹp, phải có huy chương, càng nhiều càng tốt."

Bác sĩ Richard Teo Keng Siang là một triệu phú
Bác sĩ Teo đã chuyển từ sự nghiệp nhãn khoa sang thẩm mỹ, một sự chuyển đổi đã mang lại cho ông hàng triệu USD chỉ trong vài năm đầu tiên hành nghề. Lý do cho quyết định chuyển khoa này chủ yếu vì đây là lĩnh vực có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn.
"Bạn biết đấy, điều trớ trêu là mọi người không biến những bác sĩ đa khoa bình thường, bác sĩ gia đình thành anh hùng," bác sĩ Teo nói trong một bài phát biểu khác. "Họ biến những người giàu có và nổi tiếng thành anh hùng. Có người không vui khi trả 20 đô la Singapore (khoảng 400.000 đồng) để gặp bác sĩ đa khoa, nhưng họ có thể không ngần ngại trả 10.000 đô la Singapore (hơn 200 triệu đồng) cho một ca hút mỡ, 15.000 đô la Singapore (hơn 300 triệu đồng) cho một ca nâng ngực."
Sau khi kiếm được hàng triệu USD, bác sĩ Teo, một người đam mê xe thể thao đã dành những ngày cuối tuần tại các buổi tụ họp câu lạc bộ xe hơi và đua xe. Ông cũng dùng bữa tại những nhà hàng sang trọng nhất và giao du với những người nổi tiếng, bao gồm cả Hoa hậu Hoàn vũ Singapore Rachel Kum và người đồng sáng lập Facebook Eduardo Saverin. Bác sĩ Teo sở hữu ít nhất 4 chiếc xe thể thao, bao gồm Honda S2000, Nissan GTR, Subaru WRX và Ferrari 430.
"Tôi đã ở đỉnh cao sự nghiệp của mình. Tôi nghĩ rằng tôi đã kiểm soát mọi thứ," ông nhớ lại.
Sau đó, tin không may ập đến vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, cùng ngày sóng thần tàn phá Nhật Bản: Bác sĩ Teo được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối và chỉ còn sống từ ba đến bốn tháng, tối đa là sáu tháng.
"Tôi không thể chấp nhận điều đó. Tôi có một trăm người thân ở cả hai bên nội ngoại, mẹ tôi và bố tôi… không một ai bị ung thư," ông nói về căn bệnh của mình, căn bệnh đã di căn đến não và cột sống. Rơi vào tình trạng trầm cảm nặng, bác sĩ Teo đã khóc đến mức ngủ thiếp đi vào ban đêm.
Giá trị thực sự của hạnh phúc là gì?
"Điều trớ trêu là tất cả những thứ tôi có, thành công, địa vị, xe hơi, nhà cửa, tôi đã nghĩ rằng chúng sẽ mang lại cho tôi hạnh phúc. Nhưng hóa ra chúng chẳng mang lại cho tôi niềm vui một chút nào. Tôi từng nghĩ tiền sẽ mua được hạnh phúc. Thế mà giờ đây tôi mới hiểu rằng những chiếc Ferrari, nhà lầu hay danh tiếng không thể nào khiến tôi mỉm cười nổi nữa ", vị bác sĩ chia sẻ.

Khi ngày tháng chống trọi bệnh tật đến, ông nhận ra rằng chiếc Ferrari hay món ăn được gắn sao Michelin hoàn toàn vô nghĩa và không liên quan đến "hạnh phúc" thực thụ. "Điều thực sự mang lại niềm vui cho tôi trong 10 tháng qua là sự tương tác với mọi người, những người thân yêu, bạn bè, những người thực sự quan tâm đến tôi. Họ cười và khóc cùng tôi, họ có thể nhận ra nỗi đau mà tôi đang trải qua."
Trong lúc đau khổ, bác sĩ Teo cũng học được cách đồng cảm với những bệnh nhân ung thư khác - điều mà ông chưa từng trải qua khi còn là một bác sĩ chỉ tập trung vào lợi nhuận.
"Tôi không biết họ cảm thấy thế nào cho đến khi tôi trở thành một bệnh nhân. Và, nếu bạn hỏi tôi liệu tôi có chọn trở thành một bác sĩ rất khác nếu tôi được sống lại cuộc đời mình bây giờ không, tôi có thể nói với bạn, vâng, tôi sẽ. Tôi sẽ làm bác sĩ - đúng nghĩa - để chữa bệnh và xoa dịu nỗi đau. Bởi vì tôi thực sự hiểu cảm giác của bệnh nhân bây giờ. Và đôi khi bạn phải học bài học này một cách thật khó khăn. Đừng quên lý do bạn trở thành bác sĩ. Bệnh nhân không phải là "nguồn thu". Đừng kê đơn vì lợi nhuận. Hãy đối xử với họ như con người với trái tim biết đồng cảm." ông nói với các bác sĩ trẻ.
"Không có gì sai khi thành công, giàu có hay thịnh vượng, hoàn toàn không có gì sai. Vấn đề duy nhất là rất nhiều người trong chúng ta giống như tôi không thể xử lý được nó. Tôi trở nên quá ám ảnh đến nỗi không còn gì thực sự quan trọng với tôi nữa. Bệnh nhân chỉ là nguồn thu nhập và tôi đã cố gắng vắt kiệt từng xu từ những bệnh nhân này" .
Sau khi nhận ra mình đã sống một cuộc đời hối hả nhưng không thực sự hạnh phúc như thế nào, bác sĩ Teo đã nỗ lực hết mình để truyền tải bài học mà mình học được trên giường bệnh, nhất là với các thế hệ bác sĩ trẻ hơn mình. Đây dường như là những việc cuối cùng ông có thể làm để trân trọng lại cuộc đời, một lần nữa.
"Khi tôi đối mặt với cái chết, tôi đã từ bỏ mọi thứ và chỉ tập trung vào những gì cần thiết. Điều trớ trêu là đôi khi chỉ đến lúc chúng ta phải đối mặt cái chết thì mới học được cách sống. Tôi sắp chết nhưng tôi cảm thấy như mình vừa mới bắt đầu sống".

Sau cả thập kỷ, thông điệp của Richard Teo vẫn vang vọng không chỉ với các bác sĩ trẻ mà còn với bất kỳ ai đang cố gắng tìm kiếm hạnh phúc thực sự cho mình.
"Tôi tự hào về anh ấy vì đã để lại một di sản," vợ ông chia sẻ với Asia One. "Tôi ước mình có thể giống như anh ấy. Anh là người thầy tốt nhất mà Chúa đã gửi đến cho tôi."
Nguồn: NextShark