Những người không tuân theo 4 thói quen tiền bạc này đều rơi vào nghèo khó

Khi bạn không biết cách quản lý tiền của mình, bạn vẫn có thể trở nên giàu có nhưng điều đó sẽ không bền vững. Trong khi đó, ngay cả khi bạn có xuất phát điểm thấp, bạn vẫn có cơ hội cải thiện cuộc sống của mình rất nhiều nếu biết cách quản lý tiền bạc khôn ngoan.

Tiền bạc là điều mà dường như càng đề cập nhiều đến nó, chúng ta càng phát hiện ra rằng nhiều người hoàn toàn không hiểu về chủ đề này. Điều này không quá gây ngạc nhiên bởi đa phần chúng ta không được học về cách quản lý tiền bạc cũng như làm sao để đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn cho tương lai.

Có một quy tắc cơ bản mà ai cũng cần nhớ và nó áp dụng cho tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống này, không loại trừ tiền bạc:

“Trong cuộc sống, sự thiếu hiểu biết sẽ khiến bạn phải trả giá đắt”.

Càng ít hiểu biết về tiền, bạn càng có nguy cơ mất nhiều tiền hơn như câu nói “mọi sự thiếu hiểu biết đều phải trả giá bằng tiền mặt”. Dù bạn rất giàu hay rất nghèo, có bao nhiêu tiền trong tay, quy tắc này đều có giá trị như nhau.

Khi bạn không biết cách quản lý tiền của mình, bạn vẫn có thể trở nên giàu có nhưng điều đó sẽ không bền vững. Thực tế là có không ít người đứng trên đỉnh cao tiền bạc khi trẻ rồi nhanh chóng trở nên trắng tay, rơi vào khó khăn nhiều năm sau đó. Trong khi đó, ngay cả khi bạn có xuất phát điểm thấp, bạn vẫn có cơ hội cải thiện cuộc sống của mình rất nhiều nếu biết cách quản lý tiền bạc khôn ngoan. Dưới đây là 4 quy tắc tiền bạc mà nhất định bạn không được bỏ qua.

Trả tiền cho chính mình trước

Ra trường, kiếm một công việc ổn định rồi vay tiền mua nhà, mua xe có lẽ là “quy trình” phổ biến của rất nhiều người. Bạn trở nên giống như một con rô bốt, nhanh chóng thanh toán tất cả các hóa đơn của mình ngay khi tiền lương đến. Sau khi đã thanh toán các hóa đơn từ điện nước đến truyền hình cáp, bạn tiếp tục xử lý các khoản tín dụng rồi nhanh chóng rơi vào cái bẫy thúc đẩy chi tiêu của xã hội hiện đại, “ném” tiền của mình vào những thứ bản không thực sự cần. Cuối tháng chưa đến, bạn đã nhận ra rằng mình không còn gì để tiết kiệm.

Đó là tình trạng mà rất nhiều người đã trải qua, thậm chí vẫn chưa thể thoát ra nổi. Đã đến lúc bạn cần nhìn nhận vấn đề theo cách khác. Câu nói này của doanh nhân John Rampton có thể giúp bạn thay đổi suy nghĩ:

“Một quy tắc cơ bản trong lập ngân sách và tiết kiệm là hãy trả tiền cho bản thân bạn trước. Ngay khi tiền lương đến tài khoản của bạn, bạn nên chuyển một khoản sang tài khoản tiết kiệm trước khi thanh toán các hóa đơn”.

Thay vì để tiết kiệm ở cuối danh sách, bạn nên đặt chúng lên đầu, trước cả các khoản thanh toán cần thực hiện mỗi tháng. Điều này có nghĩa là ngay sau khi nhận lương, bạn nên gửi tiết kiệm luôn với con số mà bạn đã lên kế hoạch trước. Sẽ tốt hơn khi bạn thực hiện tự động hóa việc trả tiền cho mình trước. Nếu bạn luôn trả cho mình sau cùng, bạn sẽ rất dễ quên đi việc mình cần tiết kiệm và kết thúc tháng với chỉ vài đồng sót lại trong ví.

Tiết kiệm cho “ngày mưa”

Những người không tuân theo 4 thói quen tiền bạc này đều rơi vào nghèo khó - 3

Bằng cách trả tiền cho chính mình trước, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá mà chính bản thân có thể không nhận ra. Sau đó, tùy thuộc vào sự lựa chọn mà bạn có thể đầu tư khoản tiền tiết kiệm này để chúng sinh sôi nảy nở và không bị mất giá do lạm phát.

Không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy đến với mình trong tương lai như việc đoán xem ngày nào mưa sẽ tới vậy. Bạn không thể biết liệu một ngày nào đó mình bỗng nhiên mất việc hay người thân trong gia đình gặp biến cố… và cần nhiều tiền để trang trải. Đó chính là lý do mỗi người đều cần có cho mình quỹ dự phòng khẩn cấp, quỹ tiết kiệm dành cho những “ngày mưa”.

Hiểu được điều này, bạn sẽ dễ dàng vượt qua những giai đoạn khó khăn hơn. Bạn cũng sẽ thấy rằng chiến lược này giúp mình chi tiêu ít hơn nhiều .

Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại, có một công thức hoàn hảo để minh họa cho điều này:

"Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi chi tiêu, hãy tiêu những gì còn lại sau khi tiết kiệm."

Tiết kiệm bao nhiêu cho quỹ dự phòng khẩn cấp còn phụ thuộc vào độ ổn định công việc của bạn, tình trạng sức khỏe, mức độ phụ thuộc của các thành viên gia đình… và không có con số tuyệt đối nào là đúng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên con số thường được đưa ra để bạn tham chiếu là khoảng 3-6 tháng chi phí sinh hoạt.

Sống dưới khả năng của bạn

Những người không tuân theo 4 thói quen tiền bạc này đều rơi vào nghèo khó - 4

Xã hội hiện đại này đang khiến chúng ngày càng chi tiêu nhiều tiền hơn vào những thứ chúng ta không thực sự cần thiết. Các nhà quảng cáo ngày càng sáng tạo hơn để bạn cảm thấy bị hấp dẫn, muốn mua những thứ mới mẻ.

Song nếu dành thời gian để suy nghĩ về điều đó, bạn sẽ nhận ra rằng mình không cần phải đổi điện thoại mới hàng năm, cập nhật những mẫu điện thoại mới nhất. Thậm chí bạn không cần thiết chi vài chục triệu cho một chiếc điện thoại thương hiệu khi một chiếc điện thoại thông minh khác rẻ hơn cũng có các chức năng tương tự.

Khi lùi lại một bước, bạn sẽ nhận ra rằng mình đang mua rất nhiều thứ mà bản thân không cần. Có một câu tục ngữ Thụy Điển rằng:

"Ai mua những thứ mình không cần chính là vứt đi tiền của chính mình”.

Thay vì tiếp tục “vứt tiền qua cửa sổ”, bạn cần bắt đầu sống dưới khả năng của mình. Đây là một quy tắc cơ bản về tiền bạc và bằng cách áp dụng nó, bạn sẽ thúc đẩy tình hình tài chính cá nhân của mình hơn bao giờ hết.

Không mắc nợ

Những người không tuân theo 4 thói quen tiền bạc này đều rơi vào nghèo khó - 5

Việc có thể làm thẻ tín dụng và vay tiền tiêu dùng một cách dễ dàng khiến không ít người đang ngày càng sa lầy vào bẫy mua sắm. Điều tệ hơn là, các khoản vay này lại là đầu tư cho những thứ không thực sự cần thiết.

Bất chấp một sản phẩm thời thượng nào đó thực sự đắt đỏ và chất lượng không tương xứng, nhiều người vẫn sẵn sàng vay tiền để có thể sở hữu chúng. Kiểu tiêu dùng này khiến bạn lao vào nợ nần, khiến tình trạng tài chính bấp bênh hơn bao giờ hết.

Không quan trọng bạn giàu hay nghèo bởi càng có nhiều tiền, bạn sẽ càng dễ tiêu nhiều hơn với tâm lý này. Đã đến lúc bạn cần nhận thức rõ ràng hơn về việc vay nợ. Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ, Thomas Jefferson từng nói:

"Đừng bao giờ tiêu tiền của bạn trước khi bạn có nó."

Nếu bạn thực sự muốn có một chiếc điện thoại đời mới, hãy nỗ lực tiết kiệm tiền. Hãy kiếm số tiền đó bằng cách làm việc chăm chỉ và năng suất. Bạn sẽ nhận ra rằng một khi có sẵn số tiền đó, bạn sẽ đắn đo hơn rất nhiều khi quyết định “ném” chúng vào một chiếc điệ thoại.

Nợ cho bạn cảm giác rằng mọi thứ đều miễn phí và đó là một sai lầm. Bằng cách dành thời gian tiết kiệm, bạn sẽ trả lại giá trị thực cho những thứ mà xã hội tiêu dùng này đang không ngừng thúc đẩy bạn mua sắm.

Những người không nắm vững các quy tắc cơ bản về tiền bạc chắc chắn sẽ rơi vào cảnh nghèo khó. Điều này đúng đắn cho dù bạn giàu hay nghèo. Trong mọi trường hợp, nếu bạn không biết cách quản lý tiền bạc, bạn sẽ tiêu xài hoang phí. Bằng cách luôn trả tiền cho bản thân trước để tiết kiệm cho “những ngày mưa” và sau đó tránh mua những thứ không cần thiết, bạn sẽ ngày càng tiến gần hơn đến sự ổn định tài chính. Điểm cuối cùng tất nhiên là tránh càng xa nợ nần càng tốt.