Trao niềm vui
Nhóm “Team Lee” gồm 6 thành viên, các thành viên còn khá trẻ thuộc thế hệ 9X, chỉ riêng có anh Lê Quyết Thắng (37 tuổi) là người lớn tuổi nhất và đồng thời cũng được xem là thầy của cả nhóm. Công việc chính của nhóm là chỉnh sửa ảnh bất động sản, làm các sản phẩm phục dựng và nhận ghép ảnh theo yêu cầu. Gần đây, mọi người biết đến “Team Lee” qua các bức ảnh phục chế những liệt sĩ và ghép ảnh gia đình đoàn viên được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Đằng sau những bức ảnh như vậy luôn là những câu chuyện và hoàn cảnh khiến nhiều người phải xúc động.
Ban đầu, các thành viên của “Team Lee” chỉ hoạt động riêng lẻ ở các hội, nhóm chỉnh sửa ảnh dạo trên mạng xã hội. Trong đó, thường có nhiều câu chuyện ý nghĩa, cảm động được chia sẻ nên các thành viên đã nảy ra ý tưởng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn nhưng muốn có một bức ảnh phục chế hoặc ghép ảnh gia đình. Vì có xuất phát điểm và tính cách phù hợp với nhau, nên mọi người đã quyết định kết hợp lại thành một nhóm để làm việc hiệu quả hơn. Dù đây là công việc mang lại nguồn thu nhập chính, nhưng nếu gặp những hoàn cảnh khó khăn và ý nghĩa thì cả nhóm luôn sẵn sàng làm miễn phí.
Mới đây nhất, anh Phùng Quang Trung (thành viên của nhóm) đã hoàn thành ghép bức ảnh gia đình cho chị Như Quỳnh. Chồng chị là liệt sĩ Phạm Công Huy (cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an Hà Nội) hy sinh vào tháng 1/2020, lúc đó con gái của anh chị chỉ được 6 tháng tuổi nên chưa có bức ảnh chụp chung với cả bố mẹ. Khi tiếp cận được với hoàn cảnh này, anh Trung đã ngay lập tức bắt tay thực hiện ghép cho gia đình một bức ảnh đoàn viên. Bức ảnh gia đình tưởng chừng là điều không thể, nay đã được anh Trung và cả nhóm hoàn thiện, trao tặng tận tay cho chị Như Quỳnh khiến rất nhiều người cảm động.
Công đoạn đóng khung và gửi đi.
Theo chia sẻ của anh Trung thì đây chưa phải là trường hợp đặc biệt duy nhất mà anh và nhóm thực hiện, mà trước đó đã làm rất nhiều bức ảnh ý nghĩa như vậy. Vào ngày 20/6 vừa rồi, anh và các thành viên đã thực hiện dự án phục dựng, in đóng khung 75 bức ảnh để tặng các thân nhân, gia đình liệt sĩ và dự án vẫn đang được cả nhóm tiếp tục hoàn thành trong tháng Bảy này.
Những cảm xúc khó tả
Do các thành viên sống ở nhiều nơi khác nhau, nên mỗi khi có tác phẩm nào cần cùng làm thì cả nhóm chỉ có thể hẹn gặp trực tiếp vào mỗi buổi tối cuối tuần ở Hà Nội. Để hoàn thành một tác phẩm phục dựng, ghép ảnh trung bình sẽ mất khoảng vài giờ, nhiều trường hợp, nhóm phải tham khảo ý kiến từ phía gia đình, người thân của nhân vật trong ảnh nên mất đến vài ngày, thậm chí là một tuần mới có thể hoàn thành.
“Team Lee” đến trao tặng tận tay bức ảnh cho gia đình liệt sĩ Phạm Công Huy.
Thông thường, nhóm tiếp cận với các hoàn cảnh thông qua mạng xã hội và từ sự giới thiệu của bạn bè. Khi đó, nhóm sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. “Tất cả mọi người trong nhóm đều có thể chỉnh sửa cơ bản được. Tuy nhiên, với những bức ảnh khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ cao thì thầy Lê Quyết Thắng sẽ tự tay thực hiện. Những thành viên khác sẽ đóng khung và in ảnh gửi đi, bản thân mình phụ trách tiếp nhận thông tin và sắp xếp lịch trình để đi giao ảnh tận tay cho các hoàn cảnh đặc biệt”, anh Phùng Quang Trung chia sẻ thêm.
Hạnh phúc khó tả của người thân gia đình liệt sĩ khi nhận được món quà ý tinh thần ý nghĩa.
Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng theo chia sẻ của anh Trung, cả nhóm phải chịu rất nhiều áp lực và khó khăn, nhất là khi tiếp nhận những bức ảnh đã quá cũ, không rõ nét khiến việc hoàn thành mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, hiện tại có một vấn đề mà nhóm chưa thể giải quyết được triệt để đó là việc bị nhiều người mạo danh, trục lợi từ các hoàn cảnh khó khăn, điều đó khiến “Team Lee” không ít lần bị hiểu lầm. Điều làm cả nhóm trăn trở nhất lúc này đó là việc không thể hỗ trợ được hết cho tất cả mọi người. Đôi lúc thấy tin nhắn của mọi người nhờ giúp đỡ, anh Trung và các thành viên thậm chí không dám trả lời vì sợ không giúp được thì rất có lỗi.
“Dù khó khăn là vậy, nhưng khi nhóm mình đến giao tận tay các bức ảnh cho những gia đình đặc biệt ấy, nhìn mọi người vui vẻ đón nhận, thậm chí là rơi nước mắt vì hạnh phúc khiến cả nhóm càng càng có thêm động lực để tiếp tục. Dù đã quá quen với công việc này, nhưng vẫn có không ít trường hợp khiến mình và thành viên có những cảm xúc khó tả. Như trường hợp của gia đình liệt sĩ Phạm Công Huy, khi mình đến trao bức ảnh cho người nhà, nhìn những giọt nước mắt vì hạnh phúc của người vợ, sự hớn hở của đứa trẻ lên ba chạy nhảy thích thú bên bức ảnh của bố, mình đã không thể kiềm chế cảm xúc và cũng rất tự hào vì đã có thể gửi gắm món quà tinh thần đặc biệt cho gia đình liệt sĩ”, anh Trung tâm sự.