Việc tham gia tiệc tất niên công ty là hoàn toàn tự nguyện, tuy nhiên, ở một số công ty, vì muốn 100% nhân sự tham dự tiệc cuối năm mà đề ra những quy định khó hiểu. Nhiều người vốn không mặn mà với tiệc cuối năm công ty, chỉ vì sự “bắt buộc ngầm” này mà càng trở nên áp lực.
Minh Hiếu (27 tuổi) làm việc ở công ty cũ 3 năm thì 3 lần vắng mặt ở bữa tiệc tất niên. Anh “cay cú” bởi cách phòng hành chính nhân sự ép nhân viên tham gia sự kiện này, cho dù, vốn dĩ đó là hoàn toàn tự nguyện.
“Công ty tôi tổ chức tất niên rất to, mời cả ca sĩ và DJ về chơi nhạc nhưng tôi vẫn không tham gia đơn giản vì… không thích. Năm mới vào công ty, gia đình có việc đột xuất nên tôi vắng mặt, ai ngờ sau đó bị trừ điểm KPI với lý do “không có tinh thần tập thể”. Hai năm sau đó, dù không bận gì tôi vẫn cứ vắng mặt, mặc kệ sếp khiển trách. Đã là tự nguyện thì nên để tự nguyện hẳn chứ cái kiểu tự nguyện trên tinh thần ép buộc thì sớm muộn gì cũng chia tan thôi”, Minh Hiếu chia sẻ.
Lê Phương (25 tuổi) cũng rất bức xúc với cách công ty “mời” nhân sự tham gia tiệc tất niên. Nói là mời và việc đăng ký tham gia là hoàn toàn tự nguyện nhưng công ty cô cũng có sự “bắt buôc ngầm” cho sự kiện này.
Phương cho hay, sự việc không đơn giản chỉ là “thích thì đi, không thích thì nghỉ”. Mail truyền thông về tiệc tất niên ở công ty cô ghi rõ: “Nhân sự không tham gia phải trình bày rõ lý do. Vắng mặt với lý do không chính đáng sẽ bị trừ một ngày công”.
“Thế nào là chính đáng và không chính đáng? Đến đi ăn tiệc cũng bị ép buộc thì còn gì là tự do. Năm đó, mình phải đi từ quận Cầu Giấy sang quận Long Biên để ăn tiệc cuối năm. Đúng là đi trong ấm ức thì ăn không ngon, chơi không vui”, Lê Phương kể.
Công ty Thu Trang (29 tuổi) không có quy định chính thức về việc tham gia tiệc tất niên nhưng ai cũng tự ý thức không được vắng mặt trong sự kiện này bởi, nếu vắng sẽ bị khiển trách công khai trong cuộc họp.
“Mình bị một lần rồi, chừa đến già. Cuộc họp 30 phút thì sếp dành đến 15 phút nói về việc mình là trưởng nhóm mà không chịu tham gia sự kiện cuối năm của công ty, như thế là vô trách nhiệm, không thể làm gương cho cấp dưới… Mà có phải năm nào mình cũng vắng mặt đâu, chỉ năm đó con ốm mình không tham gia được. Sau này, dù bận đến mấy mình cũng phải có mặt điểm danh cái đã”, Thu Trang kể lại.
Nhiều bạn trẻ ấm ức khi bị công ty ép đi tiệc cuối năm (ảnh minh hoạ)
Tiệc tất niên là nỗi áp lực của Thu Trang và nhiều nhân sự khác. Cuối năm công việc bận rộn, Thu Trang vẫn phải “tăng ca” đến 8, 9 giờ tối trong cả tháng trời để chuẩn bị cho bữa tiệc cuối năm.
“Mà một khi đã tham gia văn nghệ thì lại càng không thể vắng mặt trong bữa tiệc này với bất kỳ lý do nào. Mỗi phòng ban trong công ty mình phải chuẩn bị một tiếc mục văn nghệ, cái này tính vào cả chỉ tiêu khen thưởng nên không thể làm qua loa. Thế là năm nào chúng mình cũng phải chạy đua với thời gian, vừa hoàn thành deadline, vừa tập tành văn nghệ, chưa kể còn phải bỏ tiền túi ra sắm sửa đạo cụ, thuê váy áo, giày dép biểu diễn… Nói chung là cực kỳ mệt mỏi”, Thu Trang nói.
Không nói đến tiệc cuối năm của công ty, chỉ riêng tất niên phòng đã khiến Tiến Lộc ngán ngẩm. Tiệc tất niên công ty là hoàn toàn miễn phí nhưng với tiệc tất niên phòng, Tiến Lộc cùng các nhân sự khác phải bỏ tiền túi đóng góp, mà khoản đóng góp nhiều hay ít lại phụ thuộc vào chức vụ cao hay thấp.
“Phòng mình quy định, trưởng phòng đóng 2 triệu đồng, trưởng nhóm đóng 1,5 triệu đồng còn nhân viên đóng 1 triệu đồng. Ai không tham gia sẽ bị dị nghị là tiếc tiền, không có tinh thần tập thể, thiếu gắn kết với đồng nghiệp.
Hơn nữa tiệc mà vui vẻ, thoải mái thì chẳng nói làm gì, đằng này khâu tổ chức năm nào cũng “fail”. Năm nào cũng vậy, nhân viên kéo nhau đến nhà hàng, ngồi nghe diễn thuyết phát chán rồi liên hoan, chúc tụng rào rào một lúc là xong. Vẫn những món đấy, chỗ ngồi đấy, chẳng có gì khác biệt”, Tiến Lộc tâm sự.
Tiệc tất niên công ty được tổ chức với nhiều mục đích tốt đẹp, là cơ hội ban lãnh đạo tri ân các nhân sự sau một năm nỗ lực làm việc, tạo không gian giao lưu, tăng cường kết nối… Tuy nhiên, vì một vài lý do mà nhiều bạn trẻ không mặn mà và luôn tìm cách né tránh bữa tiệc này.
Chị T.N. (32 tuổi, trưởng phòng nhân sự của một công ty truyền thông) chia sẻ, ở vị trí lãnh đạo, ai cũng mong muốn bữa tiệc tất niên có sự tụ họp của đông đủ các nhân sự. Tuy nhiên, việc đưa ra các “quy định” ngầm để ép buộc nhân viên tham gia là không cần thiết.
“Tôi tin rằng, việc những cá nhân tìm trăm ngàn lý do né tránh tiệc cuối năm công ty chỉ là thiểu số, còn hầu hết nhân sự đều muốn được tham gia bữa tiệc này vì ý nghĩa tốt đẹp của nó. Tuy nhiên, công ty cũng cần đặc biệt chú ý đến khâu tổ chức, làm sao để bữa tiệc tất niên luôn mới mẻ qua các năm, đem lại bầu không khí sôi động, thoải mái, tạo cơ hội cho các nhân viên giao lưu, gắn kết. Được như vậy thì ai cũng muốn tham gia thôi”, chị nói.