Trong lúc nhiều người lo lắng, thương hè tiếc phượng thì có nên nhìn nhận tai nạn này theo một góc khác là vấn đề an toàn trường học.
Không ai muốn cây phượng trong sân trường đổ. Nhất là cái sự đổ của nó đã gây ra một hậu quả không một ai mong muốn.
Cây phượng thứ hai trong sân Trường THCS Bạch Đằng được đốn hạ.
Cây phượng đó, trước khi đổ còn đang là chỗ trú nắng của trẻ đến trường sớm, chưa muốn vào lớp học. Nó còn là nơi hò hẹn của những mối tình học trò mơ mộng... vậy mà hôm nay nó là tội đồ.
Vì nó, nhiều cây phượng khác cũng bị xén cành. Những cây nghi là có thể đổ thì bị đánh đến tận gốc. Nhiều người nghĩ “thôi cắt đi cho nó lành”, và họ cắt luôn cả nỗi buồn hoa phượng.
Trong lúc nhiều người lo lắng, thương hè tiếc phượng thì có nên nhìn nhận tai nạn này theo một góc khác là an toàn trường học.
Một người làm giáo dục lâu năm nói rằng chỉ cần đóng cái đai cho cây là có thể giữ nó khỏi đổ.
Rồi thì lại nổi lên phong trào hiến kế để giữ cây, giữ cho mùa hè đỏ rực hoa phượng.
Thế đấy, thay vì trồng những cây phượng còn nhỏ, thay vì không đổ xi - măng khắp sân trường, hoặc ít ra là không xây bít gốc, rồi còn phải làm giá đỡ thì sẽ không có chuyện phượng đổ sân trường.
Hoá ra làm phượng không đổ cũng chẳng khó. Chỉ cần các trường học mới xây đừng vội vã bứng các cây cổ thụ từ nơi khác đến. Rồi cũng nên tính đến việc trồng cây gì khó đổ mà lại nhiều màu xanh.
Trường học cũng nên được quy hoạch rộng rãi hơn để trồng cây xanh rủ bóng, để có phượng hồng báo hè.
(Ảnh minh họa: Congan.com.vn)
An toàn trường học có nhiều thứ phải lo, đó là bữa ăn đủ dinh dưỡng và vệ sinh cho trẻ học bán trú. Đó là giấc ngủ quý hơn vàng của trẻ giữa trưa. Là sự an toàn khi thực hành, an toàn khi đi dã ngoại...
Tất cả những thứ đó có thể cần ở mọi nơi, nhưng chỉ ở trường học mới lại là nơi đáng chú ý nhất. Trường học là nơi trẻ em chuẩn bị cho mình hành trang vào đời, là nơi trẻ sớm tiếp thu và thực hành kiến thức. Mà những kiến thức được thực hành này sẽ là kĩ năng, là năng lực của trẻ để hoà nhập cộng đồng.
Chúng ta đã có những chương trình dạy kĩ năng sống trong trường học, nhưng bao nhiêu trẻ biết sơ cấp cứu cho mình, cho bạn học?. Bao nhiêu học sinh có thể nhận ra những dấu hiệu của sóng thần, động đất để có thể tự mình thoát nạn?.
Hiện chúng ta đang nặng về giảng dạy nội dung khoa học, chưa gắn nội dung khoa học với cuộc sống hàng ngày, nhất là hình thành năng lực ứng phó với những thảm họa thiên nhiên, chiến tranh, dịch bệnh.
Nhà trường với sứ mệnh cao quý của mình còn phải làm cho trẻ đủ sức đề kháng với mọi sự cố trong tự nhiên, trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng. Đó mới chính là sứ mạng của giáo dục, của mọi nhà trường.
Nguyễn Kim Hồng (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) - Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/tu-cay-phuong-do-de-hoc-sinh-nghi-ve-an-toan-truong-hoc-646703.html