Chỉ học hết lớp 7 nhưng nông dân Phạm Văn Hát đã sáng chế được 40 loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, hoạt động hiệu quả với giá bán chỉ bằng 1/3 - 1/10 máy Nhật khiến khách nước ngoài cũng phải bỏ tiền mua.
Tại triển lãm Thiết bị và Công nghệ nông lâm ngư nghiệp - Vietnam Growtech 2019, gian trưng bày của anh Phạm Văn Hát thu hút sự chú ý của khách tham quan trong và ngoài nước với nhiều máy móc hiện đại như máy phun thuốc trừ sâu, máy gieo hạt, máy đặt hạt trên khay, máy đóng bầu... Ít tai biết người sáng chế ra những chiếc máy này là một anh nông dân mới chỉ học hết lớp 7.
Anh Phạm Văn Hát sinh năm 1972 ở Tứ Kỳ, Hải Dương, có biệt danh là “anh Hát sáng chế”. Anh Hát cho biết, từ năm 2007 đến 2010, anh đầu tư hơn 3 tỷ đồng để làm trang trại nhưng thất bại do thời điểm đó người dân chưa quan tâm nhiều đến rau an toàn. Sau đó, anh sang Israel làm để trả nợ, đồng thời học hỏi cách làm nông nghiệp.
“6 tháng đầu thu hoạch, 6 tháng sau đến mùa trồng mới, họ giao việc cho tôi đi rải phân nhưng cả trăm héc ta phải đi rải phân bằng tay. Lúc đó tôi mới đề xuất chế tạo máy. Sau khi thành công, họ bán bản quyền được mấy tỷ và tăng lương cho tôi. Tôi bắt đầu có 'lửa' sáng chế từ đó.”, anh Hát kể lại.
Nhận thấy khả năng của anh Hát, chủ doanh nghiệp Israel đã ưu đãi tăng lương cho anh từ 1.000 USD lên 2.500 USD. Do đó, anh không phải đi làm đồng nữa mà chỉ ngồi nghiên cứu, sáng chế. Sau đó, anh có chế tạo thêm được một số sản phẩm máy nông nghiệp, nhưng cũng từ đó anh quyết định về nước.
“Tôi nghĩ nếu làm thuê thì không thể giàu được mà phải làm chủ. Tôi quyết định về nước khi mới sang Israel được 1 năm. Lúc về họ hàng anh em không ai nhất trí vì lúc đó tôi đang nợ 4 tỷ, nó là cả một vấn đề. Tôi về lại vay mượn mở xưởng. Quyết định về nước là chính xác vì trong 3 năm tôi đã trả được hết nợ nần.”, anh Hát kể tiếp.
Từ đó đến nay, anh Hát đã sáng chế được 40 loại máy phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp và cả tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, trong đó có 20 loại theo anh là "đặc biệt, không giống ai, chưa ai có".
Đặc biệt nhất phải kể đến sáng chế robot đặt hạt, máy phun thuốc trừ sâu và máy đóng bầu đã xuất đi được rất nhiều nước. Robot đặt hạt anh đã bán đi 14 nước trên thế giới, còn máy phun thuốc trừ sâu đã bán đi 5 nước.
“Nhiều người mua từ Trung Quốc về phải bỏ không sử dụng nhưng đến với tôi lại rất đơn giản nhưng hiệu quả. Phương châm của tôi là chế ra sản phẩm người ta cần chứ không phải bán thứ mình có. Chính vì thế sản phẩm bán ra ứng dụng được cho nông dân toàn quốc. Nhiều nông dân áp dụng sản phẩm của tôi và đều đánh giá hiệu quả.”, anh Hát cho biết.
Theo anh Hát, giá sản phẩm đắt nhất của anh là máy phun thuốc sâu với giá 80 triệu đồng, so với máy của nước ngoài thì chỉ rẻ bằng 1/10. Chiếc mấy rẻ nhất anh chế tạo là máy tẽ ngô tươi với giá 5 triệu đồng/máy, thay thế cho sức lao động của 40 công nhân. Còn robot đặt hạt có giá 35 triệu đồng/máy cũng có khả năng thay thế cho 40 nhân công trên đồng ruộng.
“Robot đặt hạt cũng là sản phẩm tôi tâm đắc nhất. Chính khách quốc tế sang cũng nói họ khâm phục, không nghĩ người Việt Nam - nền nông nghiệp chưa hiện đại đã nghĩ ra máy hiện đại như vậy. Tôi đã bán chiếc máy này đi Mỹ, Israel, Nhật, Hàn...
Trong nước thì máy đã có ở 63 tỉnh không thiếu tỉnh nào. Chỉ cần gõ trang trại rau an toàn thì không trang trại nào không sử dụng sản phẩm của tôi. Chỉ tính từ đầu năm đến nay tôi đã bán được hơn 30 chiếc máy robot đặt hạt.”, anh Hát cho hay.
Tiết lộ bí quyết của mình, anh Hát chia sẻ: “Tôi nói thật là trên máy có 1 - 2 chi tiết để sử dụng vĩnh cửu, không bị hỏng. Muốn bắt chước thì phải tháo ra nhưng nếu tháo ra thì không lắp lại được nữa. Vì thế, bước sang năm thứ 7 nhưng chưa có ai ăn cắp sáng chế này”.
Đối với chiếc máy phun thuốc trừ sâu, anh Hát kể, việc sáng chế đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của người nông dân. Họ bảo khổ nhất là khâu đánh thuốc sâu, độc hại mà không thuê được người. Để sáng chế ra chiếc máy này, anh phải mất 2 năm cùng số tiền nguyên vật liệu tiêu tốn mất 200 triệu đồng.
Năm 2014, anh sáng chế thành công máy phun thuốc trừ sâu. Hiện máy này đã có mặt tại các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Ngoài ra, người Úc cũng sang tận nơi mua 2 chiếc. Tính từ năm 2014 đến nay, anh đã bán ra hơn 130 chiếc.
Chỉ vào chiếc máy đặt hạt trên khay, anh Hát giới thiệu chiếc máy này trên thế giới đã có nhưng máy của anh đã được anh cải tiến tới mức không có nhiều con chip, rơ le. “Máy chỉ duy nhất sử dụng mô tơ và quạt gió, thời gian tốc độ đặt nhanh hơn các máy khác. Trên thế giới các máy đặt dọc nhưng máy tôi đặt ngang, nhanh gấp đôi. Máy có thể điều chỉnh nhanh, chậm. Chẳng hạn máy hạt dẹt thì điều chỉnh tốc độ chậm hơn, còn hạt tròn thì tốc độ cao.
Máy đơn giản nhưng rất hiệu quả và giá rẻ. Mỗi chiếc máy này chỉ 40 triệu đồng, nếu so với Nhật thì giá bằng 1/3, đặc biệt người nông dân ưa thích, sử dụng không phải lo sửa chữa vì máy không sử dụng con chip và rơ le.”, anh Hát phân tích.
Anh Hát phấn khởi cho biết, tính đến hiện tại anh đã sáng chế được 40 chiếc máy, mỗi chiếc đem đến cho anh hơn 1 tỷ đồng/máy/năm. Chính vì thế mà anh từ chối các lời mời làm việc từ các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài để làm ông chủ, làm giàu trên chính quê hương mình. Hiện tại, anh đã thành lập công ty, vừa làm giám đốc, đồng thời cũng trực tiếp sáng chế, chế tạo ra từng chiếc máy.
“Có tập đoàn máy nông nghiệp ở Mỹ trả bản quyền cho tôi 5 tỷ đồng/máy nhưng tôi không bán. Tôi cũng từ chối làm sáng chế cho một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương 7.000 USD/tháng. Mức lương 7.000 USD tương đương 150 triệu đồng nhưng mình chỉ vẫn là người làm thuê, còn ở nhà mình được làm chủ.”, anh Hát vui vẻ kể.
Theo Cafebiz.vn
* Nội dung liên quan: