NÓNG: Vi phạm bản quyền nghiêm trọng, người Việt có nguy cơ không được xem trận chung kết World Cup

Tình trạng vi phạm bản quyền World Cup 2018 đang bùng nổ tại Việt Nam ở những lượt đấu cuối cùng.

Chiều 10/7, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã chia sẻ với PV những con số mới nhất liên quan tới tình trạng vi phạm bản quyền World Cup 2018 tại Việt Nam. Theo đó, từ đầu mùa giải tới hết vòng tứ kết, tổng số vi phạm mà VTV đã phát hiện là 1.134 trường hợp, trong đó tổng số trường hợp đã xử lý là 1.098, tức vẫn còn 36 trường hợp vi phạm mà VTV chưa thể xử lý.

Riêng tại vòng tứ kết, đặc biệt là 2 trận đấu cuối cùng, tình trạng vi phạm bản quyền đã bùng phát tới gần 200 vi phạm hằng đêm. Tình trạng vi phạm phổ biến vẫn trên các tài khoản mạng xã hội và các trang web “quen mặt” ở các vòng đấu trước.


Theo lý giải của VTV, các vi phạm chưa xử lý được chủ yếu là ở các website vi phạm có tính chất hệ thống như xoac.tv, vatvo.tv, mybongda.com, vuithat.net,… Ngoài ra, nhiều trường hợp các tài khoản mạng xã hội đã xoá nội dung vi phạm nhưng sau đó lại tái diễn hành vi vi phạm, cùng với nhiều ứng dụng OTT lậu, như Trực tiếp bóng đá, Fly TV, TopDogTV, Xem Tivi Online Ola, Tran Long,…

Từ thực tế trên, các chuyên gia cảnh cảnh báo trường hợp xấu nhất là Việt Nam bị FIFA cắt sóng bản quyền World Cup 2018 ở những lượt trận cuối cùng hoàn toàn có thể xảy ra. Việc này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào mà VTV cũng có thể không được thông báo trước.

Trước đó, trong những ngày đầu VTV vừa chính thức sở hữu bản quyền World Cup 2018 tại Việt Nam, đại diện VTV từng cảnh báo: “Một khi xảy ra vi phạm, đặc biệt là vi phạm làm tín hiệu chương trình FIFA World Cup 2018 từ Việt Nam bị tràn sang nước ngoài, vượt giới hạn địa lý thì chúng ta đã vi phạm hợp đồng và FIFA có toàn quyền dừng sóng bất cứ lúc nào”.


Để giải quyết dứt điểm các vi phạm nhằm bảo vệ trọn vẹn bản quyền World Cup 2018 tại Việt Nam trong 4 trận đấu cuối cùng, VTV cho biết đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng vào cuộc xử lý các tên miền vi phạm, chặn các địa chỉ IP hoặc khoá máy chủ (đối với các trang web có máy chủ đặt trong nước).

“Đối với các ứng dụng OTT lậu, VTV cùng các cơ quan chức năng tại Việt Nam đang làm việc với Apple (chủ quản kho ứng dụng App Store) và Google (chủ quản kho ứng dụng Google Play) để xử lý”, VTV cho biết.


Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, dư luận từng đặc biệt quan tâm đến việc Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) bị đối tác quốc tế ngừng cung cấp tín hiệu, yêu cầu ngừng truyền dẫn, phát sóng, quảng bá, phân phối các giải bóng đá UEFA Champions League (UCL) và UEFA Europa League (UEL) vì vi phạm bản quyền.

Theo chia sẻ của VTVcab lúc đó, quy định của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) là khi bán bản quyền cho bất cứ một đơn vị nào, đơn vị đó ngoài việc trả tiền bản quyền để được phát sóng thì phải có trách nhiệm bảo vệ bản quyền, không cho phép bất cứ một đơn vị nào khác phân phối, ghi hình, quay hình, kinh doanh, phát sóng dưới bất cứ hình thức nào khác. Nếu vi phạm thì đơn vị mua bản quyền chịu trách nhiệm cho tất cả các hành vi đó, và sẽ bị cắt sóng nếu như không bảo vệ được bản quyền tại khu vực mình đang phát sóng.

Theo Ohman