NSND Thu Hiền vừa tham gia chương trình “Dấu Ấn Huyền Thoại”, phát sóng trên kênh HTV7. Trong hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, NSND Thu Hiền ghi dấu ấn với khán giả nhờ giọng ca ngọt ngào, da diết qua những ca khúc như: Quảng Bình Quê Ta Ơi, Khúc Tâm Tình Người Hà Tĩnh, Câu Hò Bên Bờ Hiền Lương…
Bắt đầu tình yêu âm nhạc với vai trò là một nữ văn công mang tiếng hát “tiếp lửa” tinh thần cho dân quân, giờ đây, NSND Thu Hiền đã trở thành tượng đài âm nhạc trong dòng nhạc trữ tình, cách mạng mang âm hưởng dân ca.
Tại thời điểm mưa bom, bão đạn khốc liệt, cô gái nhỏ ở độ tuổi trăng tròn đã lựa chọn trở thành giọng ca tiếp lửa cho các chiến sĩ ở khắp các mặt trận. Lý tưởng sống hướng về quê hương, đất nước như ăn sâu vào máu, thôi thúc bản thân Thu Hiền dành trọn tuổi trẻ mang tiếng hát phục vụ tinh thần dân quân. Thanh xuân của Thu Hiền chính là những năm tháng đi theo bộ đội từ Bắc vào Trung để tiếp thêm sức mạnh, ý chí, và giờ đây nữ văn công ngày ấy đã trở thành Nghệ sĩ Nhân dân được nhiều người mến mộ.
NSND Thu Hiền kể: “Thu Hiền vào Quảng Trị năm 1972, hát bài Trông Cây Lại Nhớ Đến Người và Người Ơi Người Ở Đừng Về giữa mảnh đất Đông Hà. Sau đó, Hiền được lệnh sang bên sông Thạch Hãn để hát qua bên kia Thành Cổ. Hồi đấy nhìn cái sông Thạch Hãn nó rộng lắm, mình bảo mình hát thế này thì làm sao qua được bờ bên kia được nhỉ. Mình hát cái loa bóp thì mình hát được một câu mình lại quên bóp, mà bóp thì lại quên hát”. Cuối cùng, Thu Hiền vẫn hoàn thành nhiệm vụ “truyền lửa tinh thần” từ bên này bờ sang bên kia bờ cho các đồng đội.
Đứng trên sân khấu của “Dấu Ấn Huyền Thoại”, giọng ca gốc Bắc đã đưa người nghe chìm đắm vào không gian âm nhạc của những ký ức với những ca khúc bất hủ. Vẫn với giọng ca ngọt ngào, da diết đầy tình cảm ngày nào, có chăng thời gian trôi qua chỉ khiến giọng hát của NSND Thu Hiền trở nên đậm đà hơn.
Ở tuổi thất thập, ngoài niềm vui được hát, NSND Thu Hiền còn có thêm niềm vui khác khi được trao “nhiệm vụ” truyền đạt lại tình yêu, tinh hoa cho lớp trẻ.
Cũng theo NSND Thu Hiền: “Dân ca là nguồn cội. Dù chúng ta có đến 4.0 hay 5.0, bao nhiêu chấm không thì chúng ta vẫn quay về với tiếng mẹ ru. Bao giờ ai sinh ra và lớn lên cũng đều như thế thì mình nghĩ là bạn nào có khả năng thì mình vẫn cứ yêu. Mình xuất phát từ cái yêu thì mọi thứ sẽ yêu mình lại. Dân ca là nguồn cội, không bao giờ cũ”.
Có lẽ, chính nhờ vào tình yêu đó mà nữ văn công ngày nào hiện đã trở thành một huyền thoại âm nhạc.