Đến hiện tại, câu chuyện nghệ sĩ Thành Lộc chia tay sân khấu IDECAF vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của người hâm mộ. Mới đây, nghệ sĩ gạo cội lần đầu tiết lộ lý do anh rời IDECAF trong "The Khang show".
NSƯT Thành Lộc
Theo đó, nam diễn viên bật cười trước những tin đồn về việc ra đi vì vấn đề tài chính. Thành Lộc bộc bạch, bất cứ cuộc chia tay nào cũng bắt nguồn từ những bất đồng trong quan điểm, suy nghĩ. Dù hoạt động ở sân khấu nào, Thành Lộc cho biết anh vẫn chỉ là người làm công. Một khi người làm công không đồng nhất suy nghĩ với người chủ, sẽ rất khó để tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, quan điểm của anh là không công kích, hạ bệ uy tín bất cứ ai khi rời đi.
Có một điều Thành Lộc khá tiếc nuối trong quá trình làm nghề, đó là không thể quay lại hết các vở kịch mình tâm đắc. Từ khi còn hoạt động ở công ty, nam nghệ sĩ đã đề xuất tới ban giám đốc việc quay lại những vở kịch mang giá trị lịch sử, nghệ thuật cao như Bí mật vườn lệ chi, Ngàn năm tình sử, 12 bà mụ, Tiên nga… với mục đích lưu lại kỷ niệm cho những khán giả yêu mến Thành Lộc cũng như dùng làm tư liệu cho các bạn trẻ sau này. Riêng vở Hợp đồng mãnh thú không được duyệt quay vì ban giám đốc sợ sẽ ảnh hưởng tới doanh thu sân khấu. Tới khi vở được lưu diễn ở Mỹ, Thành Lộc đã gần 60, không thể quay lại được nữa vì anh đã có tuổi, trong khi nhân vật chính của vở là chàng thanh niên ở độ tuổi 20. Thành Lộc trải lòng đó cũng là một trong những sự việc anh và những cộng sự không tìm được tiếng nói chung.
Thành Lộc cũng được biết đến là một trong những người có công đầu trong việc đưa nhạc kịch đến gần với công chúng Việt Nam. Tin ở hoa hồng vốn là một vở kịch bình thường nhưng nhận thấy có tố chất trở thành nhạc kịch, nam nghệ sĩ đã biến vở thoại kịch thành nhạc kịch và may mắn được công chúng đón nhận. Anh cho hay người nghệ sĩ luôn phải là người đi trước thời đại một cái đầu. Cái gì mới mẻ, tinh túy thì mình phải cố gắng để giới thiệu với công chúng, thế mới không có lỗi. Nhạc kịch cũng vậy.
“Mưu bà Tú” là vở diễn cuối cùng của NS Thành Lộc ở IDECAF
Với IDECAF và sân khấu kịch nói chung, Thành Lộc không dừng lại mà chỉ tạm dừng để “làm một điều gì khác cho riêng mình”. Thành Lộc nhớ lại những năm 80, ai được làm việc trong biên chế là một niềm vinh dự và tự hào, là ước mơ của rất nhiều người. Nhưng anh vẫn quyết định từ bỏ, bất chấp những lời nói nam nghệ sĩ “dại dột”. Tuy nhiên, để đi đến quyết định ấy, Thành Lộc cũng mất nhiều thời gian suy nghĩ, cân nhắc. Vì thế mỗi cuộc ra đi đối với anh chưa bao giờ dễ dàng. Thành Lộc chia sẻ với host Nguyên Khang về việc từng xem biểu diễn ở một sân khấu gần trục đường Broadway – nơi tập trung nhiều sân khấu kịch nổi danh nhất thế giới. Dù là một sân khấu thuộc khuôn khổ sự kiện tầm cỡ quốc tế nhưng số ghế ngồi chỉ vỏn vẹn 70. Sân khấu đó được gọi là “off Broadway” - một dòng sân khấu đi vào sự trải nghiệm, dàn dựng tinh vi và rất kén khán giả. Đó cũng chính là hướng đi mà Thành Lộc đang tìm kiếm sau khi chia tay IDECAF. Sau những hào quang và thành công đã gặt hái, Thành Lộc muốn sống khép mình hơn và trải nghiệm những thứ thuộc về chiều sâu, như sân khấu “off Broadway” anh đã chia sẻ.
Nam nghệ sĩ cũng trải lòng về những kỷ niệm đáng nhớ khi diễn “Ngày xửa ngày xưa”. Sân khấu đã đi qua 34 hành trình, đồng nghĩa với việc nhiều khán giả đã theo Thành Lộc từ ngày còn thơ bé cho tới khi trưởng thành. Chính diễn viên gạo cội là người khởi xướng ra nhóm kể chuyện Líu Lo sau khi mời thêm Hoàng Trinh, Thanh Thủy, Đình Toàn với mong muốn khiến chương trình trở nên thu hút hơn. Có một điều Thành Lộc không nghĩ tới khi làm “Ngày xửa ngày xưa”, đó là thế hệ khán giả là trẻ con sẽ lớn lên, trở thành cha mẹ, rồi chính họ lại dẫn con cái tới để xem kịch. Cứ như thế, một lớp khán giả từ nhỏ đã thích sân khấu, sau này trưởng thành lại tìm tới sân khấu kịch người lớn để được gặp lại các thần tượng. Và đây chính là nhân duyên giúp IDECAF gặt hái được thành công. Thành Lộc ví von việc này giống như “trồng người”.
Thành Lộc không giấu được sự say mê, ánh mắt hạnh phúc khi nói về những chi tiết dù là nhỏ nhất thuộc về sân khấu, cho thấy đó là một phần không thể tách rời trong hành trình cuộc đời nam nghệ sĩ. Tính từ năm 1982, nam nghệ sĩ đã có hơn 40 năm hoạt động, cống hiến cho ngành sân khấu.