Nữ giám đốc sáng tạo đưa tranh dân gian đến với Gen Z

Từ niềm đam mê mãnh liệt với văn hóa truyền thống, nữ nhiếp ảnh gia kiêm CEO sáng tạo Rose Ng đã tái hiện tranh dân gian Đông Hồ qua triển lãm Kinh Kỳ, biến nó thành nguồn cảm hứng sống động cho thế hệ trẻ.

Khởi đầu từ những ngày Tết tuổi thơ

Tết Nguyên đán trong ký ức của Nguyễn Hồng Nhung (Rose Ng, sinh năm 1996) là những khoảnh khắc đầy màu sắc và đậm chất truyền thống: cả gia đình quây quần gói bánh chưng, hương lá dong và gạo nếp lan tỏa trong tiết trời se lạnh, hay những chiều cuối năm dạo chợ hoa Tết, ngắm sắc đào thắm rực. "Tôi vẫn nhớ những buổi sáng mùng một quanh Hồ Gươm, cả thành phố như sáng bừng lên với sự háo hức, ấm áp của ngày đầu năm", Rose cho biết. Những kỷ niệm ấy không chỉ gắn kết cô với giá trị gia đình mà còn trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong hành trình khám phá văn hóa dân gian sau này.

Quãng thời gian học tập chuyên ngành Visual Communication & Design (Truyền thông và thiết kế hình ảnh) ở Đức, Rose nhận ra cách các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc đã quảng bá và lan tỏa văn hóa đại chúng qua phim ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử và ẩm thực. Điều đó thôi thúc cô trở về nước với câu hỏi "Tại sao Việt Nam, với nền văn hóa sâu sắc như vậy, lại chưa lan tỏa mạnh mẽ hơn?".

Tình yêu văn hóa truyền thống: Một hành trình tự nhiên

Cơ duyên đưa Rose đến với nghệ thuật dân gian không phải là sự sắp đặt từ trước. Trong hai năm Covid-19, khi nhịp sống chậm lại, cô mới có thời gian nhìn sâu vào văn hóa bản địa và cảm nhận sức hút mạnh mẽ của những giá trị truyền thống. "Tôi bắt đầu từ việc sưu tầm tranh dân gian như Hàng Trống, Đông Hồ hay Kim Hoàng - những dòng tranh mang vẻ đẹp độc đáo nhưng đang dần mai một. Càng tìm hiểu, tôi càng bị cuốn hút bởi những câu chuyện ẩn sau từng bức tranh, từng nét vẽ. Văn hóa truyền thống không chỉ nằm trong tủ kính mà cần sống động trong đời sống hiện đại", cô nói.

Theo nữ giám đốc sáng tạo, ba dòng tranh dân gian kể trên đều mang ý nghĩa và đặc điểm tạo hình rất riêng nhưng đáng tiếc là dữ liệu thông tin thường bị nhầm lẫn. Điều này đã trở thành động lực lớn để cô thực hiện dự án Kinh Kỳ nhằm cung cấp những kiến thức thú vị, dễ tiếp cận về tranh Hàng Trống, giúp người trẻ không chỉ hiểu rõ hơn mà còn yêu thích và ứng dụng được những hình hoạ tranh dân gian vào đời sống.

Triển lãm Kinh Kỳ thu hút nhiều người thăm quan và trải nghiệm. Ảnh: NVCC

Triển lãm Kinh Kỳ thu hút nhiều người thăm quan và trải nghiệm. Ảnh: NVCC

Văn hóa dân gian vốn được truyền miệng qua nhiều thế hệ, nên tài liệu ghi chép cụ thể rất hiếm hoi. Cuốn Tranh Hàng Trống của tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa là nguồn tài liệu giá trị nhất mà Nhung tìm được. Tuy nhiên, cô cho biết, thông tin trên internet không có kiểm chứng khiến việc phân biệt và tìm hiểu chi tiết càng thêm khó khăn. Thách thức không chỉ dừng lại ở việc thu thập thông tin. Hồng Nhung nói việc thuyết phục nghệ nhân hợp tác là cả một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và tôn trọng sâu sắc.

Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất là khi cô gặp nghệ nhân Lê Đình Nghiên - người cuối cùng gìn giữ dòng tranh Hàng Trống. Ông không chỉ kể về từng bản khắc, đường nét tinh xảo mà còn cả những thăng trầm mà dòng tranh này đã trải qua, như thể ông đang kể câu chuyện của chính cuộc đời mình. Cảm động nhất là khi ông nói về thời chiến, nhiều gia đình phải dùng gỗ khắc tranh để làm chất đốt, nhưng gia đình ông đã quyết định giữ lại những bản khắc quý giá, mặc dù rất khó khăn. Ông cho rằng những bản khắc ấy không chỉ là gỗ, mà là di sản vô giá. Làm việc với nghệ nhân, cô cũng nhận ra một điều quan trọng: Họ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi hay từ bỏ, mà luôn tự hào rằng mình đang gìn giữ một phần văn hóa dân tộc. Chính niềm tự hào ấy đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho Rose Ng, giúp cô kiên định và bền bỉ trên con đường gìn giữ, tái hiện lại văn hóa truyền thống.

Rose Ng bên nghệ nhân Lê Đình Nghiên - một trong những người cuối cùng gìn giữ dòng tranh Hàng Trống. Ảnh: NVCC

Rose Ng bên nghệ nhân Lê Đình Nghiên - một trong những người cuối cùng gìn giữ dòng tranh Hàng Trống. Ảnh: NVCC

Khi được hỏi về nguy cơ "mất đi bản sắc gốc" trong quá trình sáng tạo, Rose khẳng định: "Đã là bản sắc, thì không dễ gì mất đi. Thứ chúng ta cần là sự hiểu biết và tôn trọng, để tái hiện đúng tinh thần cốt lõi của văn hóa dân gian". Theo cô, truyền thống và hiện đại không phải là hai mặt đối lập, mà là một dòng chảy liên tục. Nếu chúng ta hiểu đúng và làm đúng, văn hóa sẽ không cạn kiệt mà luôn phong phú hơn.

Hành trình tiếp nối: Lan tỏa giá trị văn hóa trong năm mới

Trong 5 ngày triển lãm, Kinh Kỳ thu hút hơn 1500 lượt khách tham quan và trải nghiệm. Sự kiện không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng mà còn tạo nên một cộng đồng trực tuyến sôi động, với hơn 100.000 lượt trao đổi và tương tác. Trong năm 2025, Rose dự định giới thiệu thêm nhiều dòng tranh dân gian ít được biết đến như Kim Hoàng hay làng Sình (Huế). Cô mong muốn kết hợp nghệ thuật truyền thống với công nghệ hiện đại như triển lãm thực tế ảo (VR) hay ứng dụng họa tiết dân gian vào thời trang và nội thất. "Mong các bạn trẻ không chỉ tìm hiểu mà còn kể câu chuyện văn hóa dân tộc qua ngôn ngữ của thời đại mình. Đó có thể là video lan tỏa trên mạng xã hội, sản phẩm thiết kế hiện đại hoặc dự án cộng đồng", Rose bày tỏ.

Rose Ng, tên thật là Nguyễn Hồng Nhung, sinh năm 1996 tại Hà Nội. Tốt nghiệp trường Design Factory International, Đức. Cô thông thạo 4 ngoại ngữ: Anh, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc, từng đạt Quán quân cuộc thi ảnh quốc tế "Photo Face-off" tại Việt Nam. Hồng Nhung từng hợp tác với các nghệ sĩ như Suboi, Tăng Thanh Hà, Chi Pu. Hiện tại cô là Người sáng lập Cready Creative, Công ty sáng tạo chuyên thực hiện chiến dịch quảng cáo lấy cảm hứng từ văn hóa Việt. Đồng thời là giảng viên bộ môn Nhiếp ảnh thời trang tại trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội.

Dự án Kinh Kỳ diễn ra vào đầu tháng 1 tại Hà Nội nhằm giới thiệu, bảo tồn và truyền cảm hứng về nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống đến đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ Gen Z - nhóm đối tượng chính. Triển lãm trưng bày các bức tranh độc đáo từ gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên, những bản khắc gỗ 100-200 năm tuổi của nhà tranh Vũ Hải, cùng bộ sưu tập tranh Hàng Trống công phu của nhà sưu tầm Rose Ng.

Phạm Linh