Báo cảnh sát khi thấy sếp yêu cầu chuyển khoản cho đối tác
Cô Trần là kế toán trưởng lâu năm tại một công ty có trụ sở tại Giang Tô, Trung Quốc. Chia sẻ trên 163, người phụ nữ cho biết sáng ngày 27/8/2023 cô bất ngờ thấy tài khoản của mình được thêm vào một nhóm làm việc trên QQ.
Ngoài cô Trần, nhóm này còn có sếp Khương - Giám đốc công ty nơi cô làm việc và 1 người đàn ông nữa tên Tống. Theo như tin nhắn giới thiệu trong nhóm, người này là đối tác công ty. Ngay đầu cuộc hội thoại, sếp Khương cũng nêu rõ đang bận đi công tác, không thể giải quyết được luôn. Vì thế anh thêm nhân viên kế toán của công ty vào nhóm để làm việc trực tiếp với đối tác.
Theo đó, công ty - nơi cô Trần làm việc vừa ký một bản hợp đồng với công ty của ông Tống. Liên quan đến khoản đặt cọc được nêu rõ trong hợp đồng, cô Trần có nhiệm vụ chuyển khoản số tiền 1,9 triệu NDT (khoảng 6,6 tỷ đồng) cho phía đối tác. Để chắc chắn, ông Tống đã chụp và gửi ảnh bản hợp đồng có chữ ký của sếp Khương vào nhóm.
Tuy nhiên, một điều khiến người phụ nữ này khá lăn tăn. Đó là trong 10 năm làm việc tại công ty. Cô chưa bao giờ thấy sếp yêu cầu giao dịch số tiền lớn như vậy chỉ qua vài dòng tin nhắn.
Do vẫn còn nhiều hoài nghi, cô Trần liên lạc trực tiếp qua số điện thoại của lãnh đạo. Tuy nhiên, do sếp Khương đang trên máy bay nên không thể nhấc máy để xác minh. Thấy sau gần 30 phút, người phụ nữ này vẫn không chuyển khoản, ông Tống liên tục thông tin rằng rất nhiều công ty khác muốn ký được bản hợp đồng này. Nếu phía công ty cô Trần không thể nộp tiền cọc. Họ có thể nhường vị trí này cho người khác. Khi đọc được tin nhắn này, nữ kế toán càng hoang mang hơn.
Tuy nhiên, để xác thực thông tin trên, cô đã liên hệ với Phó Giám đốc của công ty. Người này cho biết công ty chưa từng ký kết một bản hợp đồng nào như vậy. Vô cùng ngạc nhiên trước thông tin này, cô Trần tiếp tục chuyển cả hình ảnh bản hợp đồng nhận được từ phía ông Tống. Vị lãnh đạo tiếp tục khẳng định chắc chắn không có đối tác nào như vậy. Đến đây, cô Trần hiểu rằng các đối tượng lừa đảo đã mạo danh sếp Khương và tạo cuộc hội thoại này nhằm chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin. Không suy nghĩ nhiều, cô đã âm thầm liên hệ với cảnh sát để có hướng giải quyết.
Phanh phui nhóm đối tượng lừa đảo
Sau khi nhận được thông tin trên, cảnh sát nhanh chóng mời cô đến trụ sở để làm việc. Tại đây, viên cảnh sát thông tin rằng trong khoảng 1 tháng trở lại đây, họ liên tục nhận được đơn trình báo của các cá nhân cũng rơi trường hợp tương tự. Cảnh sát đang tiến hành thu thập dữ liệu để điều tra và sẽ thông tin sớm nhất về vụ việc.
Sau khoảng 1 tháng tiến hành làm rõ sự việc, cảnh sát đã mời cô Trần đến trụ sở để làm việc. Tại đây, viên cảnh sát cho biết 2 người tự xưng sếp Khương và ông Tống là thành viên của một đường dây lừa đảo qua không gian mạng. Chúng đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người nhằm thực hiện các chiêu thức lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin từ cảnh sát địa phương, nhóm người này có tổng cộng hơn 40 đối tượng, có địa bàn hoạt động rộng khắp. Song tất cả đã bị tóm gọn và xử lý theo quy định của pháp luật.
May mắn trong vụ việc này, cô Trần đã không sập bẫy của nhóm đối tượng trên. Ngay khi trở về từ chuyến công tác và biết tin vụ việc, sếp Khương đã quyết định thưởng 10% tháng lương nhằm tuyên dương nữ nhân viên kế toán này. Bởi cô đã vô cùng tỉnh táo để không rời vào bẫy của đối tượng lừa đảo, giúp công ty tránh được tổn thất nặng nề.
Để không có những sai sót nếu rơi vào trường hợp tương tự, ban lãnh đạo công ty nơi cô Trần làm việc đã tiến hành đào tạo nội bộ các nhân viên về an ninh mạng. Mục đích là để mọi người nâng cao cảnh giác với các trường hợp lừa đảo vô cùng tinh vi hiện nay.
Theo 163, sau khi sự việc này được chia sẻ rộng khắp, nó thu hút sự quan tâm của nhiều người. Một số chuyên gia chỉ ra rằng hiện nay các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng đa dạng, thủ đoạn hết sức tinh vi, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho cá nhân, doanh nghiệp. Vì thế, mỗi người cần nâng cao kiến thức và cách phòng ngừa để tránh sập bẫy của những đối tượng lừa đảo.
(Theo 163)