Valentina Tereshkova (sinh năm 1937) là nữ phi hành gia đầu tiên trên thế giới bay ra ngoài vụ trụ vào năm 1963, chỉ 2 năm sau khi Yuri Gagarin - đồng nghiệp của bà bay vào không gian năm 1961. Cuộc hành trình duy nhất này của Tereshkova đã đi vào lịch sử của ngành khoa học vũ trụ thế giới.
Nữ du hành gia đầu tiên bay vào vũ trụ được tuyển chọn từ 400 người
Valentina Tereshkova sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Yaroslavl. Khi học xong năm 17 tuổi, bà đi làm công nhân tại một nhà máy cao su, nhà máy dệt rồi đi học nghề kỹ sư. Ngay từ nhỏ, Tereshkova đã có niềm yêu thích kỳ lạ với bộ môn nhảy dù. Bà tập luyện bộ môn thử thách này tại câu lạc bộ hàng không ở địa phương và thực hiện cú nhảy đầu tiên trong đời mình vào năm 22 tuổi. Tereshkova cũng làm thư ký cho Đoàn Thanh niên địa phương và sau đó trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô.
Sau khi phi hành gia đầu tiên trên thế giới Yuri Gagarin bay thành công ra ngoài vũ trụ vào năm 1961, Liên Xô khi ấy đã lên kế hoạch để đưa phụ nữ ra không gian. Có tới 400 ứng viên đã được tuyển chọn qua nhiều vòng. Sau thời gian tập huấn, sàng lọc, có 5 người được lựa chọn mà thôi.
Điều kiện để trở thành người phụ nữ đầu tiên được bay vào vũ trụ rất khắt khe, bao gồm: dưới 30 tuổi, thấp hơn 1,7 mét, nặng dưới 70kg và tất nhiên phải có đủ sức khỏe, kỹ năng, chuyên môn.
Dẫu không có trình độ học vấn hay kinh nghiệm như các đối thủ, cuối cùng Valentina Tereshkova vẫn là người được chọn. Ngày 16/6/1963, bà một mình thực hiện chuyến bay tên Chayka (có nghĩa là mòng biển) trên tàu Vostok 6, trở thành người phụ nữ đầu tiên của thế giới bay vào vũ trụ ở tuổi 26.
Nhiệm vụ được giao của Valentina Tereshkova là ghi lại nhật ký chuyến bay và chụp ảnh đường chân trời nhằm mục đích phân biệt các tầng khí trong bầu khí quyển. Để lấy đà, bà đã lái tàu vũ trụ bay quanh Trái đất 48 vòng và dành gần 3 ngày trên vũ trụ.
Góc khuất của chuyến hành trình để đời
Sau khi trở về mặt đất an toàn, Valentina Tereshkova đã trở thành nữ anh hùng của người Liên Xô. Chuyến đi của bà được cho thành công rực rỡ, mãi đến hơn chục năm sau, Valentina Tereshkova mới trải lòng tiết lộ về những trắc trở mình gặp phải.
Khi phải xoay xở một mình ở một không gian đặc biệt, từng công việc sinh hoạt bình thường đều làm khó các phi hành gia. Với Tereshkova, việc ăn uống trên tàu vũ trụ là thách thức rất lớn. Việc mặc bộ đồ du hành vũ trụ cồng kềnh, nặng nề cũng rất khó chịu, thậm chí từng khiến Tereshkova phải bật khóc vì đau đớn. Để giải tỏa cơn đau và sợ hãi, có lúc bà phải hát để tự làm mình mất tập trung.
Khi Trung tâm kiểm soát dưới mặt đất cố gắng liên lạc với Tereshkova lần cuối cùng trước lúc Vostok 6 hạ cánh, nữ phi hành gia đã không nhận được cuộc gọi vì lúc đó bà đã ngủ gục do quá mệt mỏi. Ngay cả việc ghi lại nhật ký hành trình cũng không thể hoàn thành trọn vẹn, vì cả 2 chiếc bút chì Tereshkova có trên tàu đều bị gãy khi ở môi trường khác.
Vào thời điểm gần hoàn thành sứ mệnh, nữ phi hành gia còn phải đối mặt với tình huống sinh tử "ngàn cân treo sợi tóc". Tereshkova cho biết lẽ ra mình đã vĩnh viễn không thể trở về Trái đất nữa nếu phép màu phút chót không xảy ra.
Chương trình kiểm soát con tàu vũ trụ từ xa đã mắc một lỗi khiến tàu vũ trụ của bà bay lên, thay vì phải đi xuống để trở về Trái đất. Lúc phát hiện ra lỗi, dù vô cùng lo lắng nhưng Tereshkova cũng đã nhanh chóng báo cáo về cho trung tâm. Để cứu lấy chính mình, bà đã phải tự tìm cách nhập lại dữ liệu chuẩn vào chương trình điều khiển một cách thủ công trong thời gian rất ngắn. May mắn cho nữ phi hành gia là bà đã làm chính xác và con tàu chuyển hướng khi chuẩn bị bước vào quỹ đạo đi lạc, hay tồi tệ hơn là có thể phát nổ.
Ngay cả việc hạ cánh xuống mặt đất của Valentina Tereshkova cũng khó khăn và gặp tai nạn. Tàu Vostok 6 đáp xuống Trái đất vào ngày 19/1/1963 ở Altai, phía nam vùng Siberia thuộc Liên Xô. Vì gió thổi quá mạnh, việc nhảy dù xuống của bà không thuận lợi. Đã có thời gian dài cả đầu Tereshkova bị gió thổi hất ra đằng sau. Kết quả là ngay khi vừa đặt chân xuống đất, bà phải được đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay lập tức. Dẫu vậy, dù thế nào thì Tereshkova cũng hạnh phúc và biết ơn vì mình đã sống sót trở về.
Đây chính là chuyến đi ra ngoài vũ trụ duy nhất trong cuộc đời Valentina Tereshkova dù sau đó bà đã theo học tại Học viện Hàng không Zhukovsky, trở thành kỹ sư và có nhiều đóng góp cho ngành hàng không vũ trụ. Mãi đến 19 năm sau chuyến hành trình trắc trở này mới có người phụ nữ thứ 2 trên thế giới bay vào không gian.
Với đóng góp mang tính lịch sử của mình, Valentina Tereshkova đã được trao danh hiệu nữ anh hùng Nga. Để vinh danh, tên của bà cũng đã được đặt cho một ngọn núi lửa trên Mặt trăng.
Nguồn: History, ESA