Alex, 17 tuổi, học sinh lớp 12 trường THPT Northside, bang Georgia, Mỹ, trúng tuyển 10 đại học trong đợt xét tuyển sớm, trong đó có Đại học Princeton - trường số 1 ở Mỹ theo xếp hạng của US News & World Report, Viện Công nghệ Georgia (hạng 33), Đại học Georgia (hạng 46), cùng ba trường quân sự là Học viện Quân sự West Point, Học viện Hải quân Mỹ và Học Viện Không Quân Mỹ.
"Em rất xúc động, đặc biệt khi đỗ các trường quân sự", Alex nói. "Mọi công sức bỏ ra đã được ghi nhận".
Alex sinh ra và lớn lên ở bang Georgia. Từ bậc THCS, Alex đã học chương trình nhanh hơn so với các bạn khoảng hai lớp. Đến lớp 8, Alex thử thi SAT và đạt 1.470/1.600 điểm, đủ điều kiện đăng ký học đại học song song với chương trình THPT. Alex đang theo học một đại học ở địa phương, nhưng đến kỳ xét tuyển, nữ sinh vẫn nộp hồ sơ tới một số trường ngoài bang Georgia để xem khả năng đến đâu.
Nhà ở gần doanh trại quân đội, lại được bà ngoại - từng là quân nhân Việt Nam, thường xuyên kể những câu chuyện về tính kỷ luật và tình đồng đội sâu nặng trong quân đội, Alex rất hứng thú. Lớp 9, khi học chương trình Quân sự học đường (JROTC) - môn học về khả năng lãnh đạo, tinh thần yêu nước và trách nhiệm, Alex rất thích. Được thầy cô động viên, cuối lớp 10, Alex quyết định tìm hiểu thêm về khối trường quân sự này.
Mỹ có 4 trường quân sự với quy trình apply khác hẳn các trường thường. "Nó phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều ba yêu cầu lớn song song", Alex nói.
Đầu tiên là về thể chất. Ngoài chiều cao, cân nặng đạt chuẩn BMI (chỉ số khối cơ thể), ứng viên phải đạt một số yêu cầu tối thiểu khác như kéo xà được 4 lần, chống đẩy 70 cái, gập bụng 100 cái, chạy một dặm (khoảng 1,6 km) trong 8 phút.
Thời điểm cuối lớp 10, Alex chưa đạt được bất kỳ yêu cầu nào. Kể từ đó, ngoài đi trượt băng hoặc dạy trượt băng vào mỗi chiều tối, Alex duy trì dậy từ 5h30 mỗi ngày để đi tập gym, cải thiện sức khỏe nhằm đạt tiêu chuẩn thể chất.
Chị Trang Trần, mẹ của Alex, nhìn nhận các yêu cầu về thể chất của trường quân sự không chỉ giúp Alex nâng cao sức khoẻ, mà còn giúp rèn luyện khả năng quản lý thời gian hiệu quả và nâng cao tính kỷ luật.
"Có những ngày con rất mệt mỏi nhưng vẫn dậy sớm để tập gym. Con tự sắp xếp thời gian để đảm bảo việc học, có thời gian đi trượt băng và đi ngủ sớm hơn trước để dậy sớm vào hôm sau", chị Trang nói.
Alex và mẹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đủ yêu cầu về thể chất, Alex phải chuẩn bị song song điều kiện chính trị và năng lực.
Về chính trị, Alex phải xin được thượng nghị sĩ ở bang viết thư tiến cử vào trường quân sự. Toàn bang Georgia có hai thượng nghị sĩ, mỗi người được tiến cử tối đa 15 học sinh tới mỗi học viện. Để được tiến cử, Alex cần nộp đơn, viết bài luận và tham gia phỏng vấn trực tiếp.
Trong bài luận, Alex phải trả lời câu hỏi "Bạn là ai?". Alex đã viết về quá trình vượt hàng trăm cây số để tập luyện môn trượt băng. Dù không phải lúc nào cũng tập luyện với 100% nhiệt huyết, Alex vẫn duy trì. Qua đó, nữ sinh muốn khẳng định bản thân là người có ý chí, kỷ luật và khả năng vượt khó.
Một câu hỏi khác là "Vì sao muốn vào trường quân sự?". Alex đã viết về lòng biết ơn. Alex biết ơn khi nhận được nhiều cơ hội ở Mỹ dù bố mẹ là dân nhập cư. Em cũng kể về lần được đi hát Quốc ca lúc 4h30 ở một cuộc thi dành cho các chiến sĩ đặc nhiệm. Cảm giác xúc động khi chứng kiến quân nhân thi đấu khiến Alex muốn thử sức vượt khỏi vùng an toàn và phục vụ đất nước.
Song song với điều kiện về chính trị, Alex phải chuẩn bị hồ sơ xét duyệt với 23 phần nhỏ vào từng trường, như sơ yếu lý lịch, thư giới thiệu, kết quả học tập, thư đảm bảo của thầy cô ở trường phổ thông, bài luận về lý do chọn trường, trả lời các câu hỏi ngắn...
Nữ sinh cũng trải qua các cuộc phỏng vấn kéo dài nửa tiếng đến một tiếng với nhiều tình huống nhằm kiểm tra khả năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề.
Các trường quân đội cho mở đơn xét duyệt vào tháng 8. Ứng viên có thể biết kết quả sớm nếu điểm xét tuyển thuộc nhóm 5% xuất sắc nhất, nếu không sẽ phải đợi đến tháng 3-4 năm sau.
Học viện Quân sự West Point là trường đầu tiên báo kết quả, vào cuối tháng 8. Đại diện ban tuyển sinh gọi trực tiếp cho Alex, thay vì gửi mail.
"Khi nghe họ nói 'Có phải Alex không? Chúc mừng em đã đủ tiêu chuẩn vào học viện', nước mắt em tự chảy ra vì quá hạnh phúc. Dù đây không hẳn là trường mơ ước của em, nhưng mọi cố gắng của em đã được ghi nhận bởi học viện", Alex chia sẻ.
Alex có hai sở thích lớn là trượt băng và chơi violin. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Với các trường ngoài quân đội, Alex nộp đơn qua Common App. Đạt SAT 1.570 cuối lớp 11, điểm học tập đứng đầu trong gần 350 học sinh lớp 12 của trường, có khả năng chơi violin, đang làm thêm công việc dạy trượt băng, Alex tự tin nộp vào nhiều trường. Có trường được xếp hạng không cao nhưng lại có sân trượt băng trong khuôn viên - điều Alex đặc biệt quan tâm.
Phần còn lại là bài luận. Từ lớp 11, Alex tạo thư mục riêng, ghi lại những ý tưởng có thể triển khai từ những khó khăn đã gặp phải.
Bài luận chính của Alex viết về giới hạn. Khi học ở lớp, em chỉ biết các giới hạn trong môn Giải tích. Sau biến cố giữa năm lớp 10, khi thầy giáo dạy Giải tích bất ngờ qua đời, Alex biết thêm về giới hạn của cuộc sống. Rồi Alex nói về giới hạn của bản thân.
"Ban đầu em nghĩ nếu không có thầy hướng dẫn, em chỉ đạt được điểm C. Nhưng sau quá trình phải tự học trong hai tháng trường tìm giáo viên thay thế, em cảm thấy giới hạn của bản thân không chỉ nằm trong 4 bức tường của lớp học", Alex viết trong bài luận.
Kết quả trúng 7 trường ngoài quân sự, trong đó có Đại học Princeton, khiến Alex thoải mái. Nữ sinh xúc động khi có ba trường gửi kèm thư tay, có trường cho học bổng 37.000 USD mỗi năm, tạo điều kiện cho Alex tham gia trượt băng hay chơi violin trong dàn hòa nhạc của trường.
"Em thấy rất ngầu khi trúng tuyển sớm nhiều trường, có cả trường số 1 ở Mỹ, nhưng không quá phấn khích như khi đỗ vào trường quân sự", Alex nói.
Alex không có "ngôi trường mơ ước" nên hiện tại chưa chắc chắn học trường nào. Nữ sinh có thời gian tìm hiểu đến tháng 5/2025 để đưa ra quyết định cuối cùng.