Cô quản lý trẻ tuổi tại Apple
Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin (CNTT) Đại học RMIT năm 2016, Nguyễn Thị Bảo Châu gia nhập Intel Products Việt Nam với vị trí thực tập sinh CNTT, và chỉ sau chưa tới ba năm cô đã được bổ nhiệm làm quản lý dự án tích hợp sản phẩm mới, trực tiếp tham gia vận hành sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao.
Sau gần sáu năm gắn bó với Intel, Châu vừa chuyển sang “ông lớn” Apple và thử sức ở vị trí quản lý dự án vận hành chịu trách nhiệm giám sát sản xuất linh kiện camera cho các sản phẩm điện thoại và máy tính bảng thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu của hãng này.
Châu chia sẻ rằng dù đi lên từ lập trình phần mềm, cô tận dụng cơ hội học hỏi và phát triển ở mảng quản lý vận hành sản xuất công nghệ cao. Chính kiến thức và kỹ năng thực tiễn đã giúp cô gái trẻ vượt qua tám vòng phỏng vấn để có được vị trí hiện tại.
“Nền tảng CNTT tích luỹ được từ những ngày học tại RMIT đã cho tôi tư duy logic cần thiết để hoàn thành tốt công việc hiện nay. Kiến thức nền về kỹ thuật vẫn luôn là lợi thế lớn dù bạn chọn làm việc trong ngành nào đi chăng nữa”, Châu chia sẻ.
Công việc trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ sẽ khiến nhiều người liên tưởng ngay đến những thứ khô khan, song theo cô gái trẻ, thực tế cơ hội việc làm rất đa dạng “nếu bạn biết phát huy thế mạnh của bản thân”.
“Tôi nhận thấy nữ giới làm trong ngành này lợi thế hơn nam giới về kỹ năng giao tiếp, khả năng đàm phán và quản lý các bên liên quan – những kỹ năng mà cá nhân tôi đã trau dồi được nhiều từ thời học đại học qua các môn học cũng như hoạt động ngoại khóa”.
Với điểm trung bình (GPA) 3,86/4,00, Trần Đặng Bảo Nhi đã hai lần nhận Học bổng Thành tích học tập xuất sắc cho sinh viên hiện đang học tại RMIT.
Dân chuyên Văn “bẻ lái” ấn tượng vào ngành CNTT
Bước vào cánh cổng Đại học RMIT sáu năm sau “tiền bối” Nguyễn Thị Bảo Châu, Trần Đặng Bảo Nhi cũng quyết định theo học CNTT theo sự động viên của gia đình dù không mạnh về các môn khoa học tự nhiên.
Cựu học sinh chuyên Văn của Trường Phổ thông năng khiếu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh từng khá vất vả trong thời gian đầu để tìm ra vẻ đẹp của các ngôn ngữ lập trình máy tính như Python hay C++.
Nỗ lực bền bỉ cùng quyết tâm chinh phục mọi thử thách của Nhi đã được đền đáp – cô bạn là một trong số ít sinh viên hai lần nhận Học bổng Thành tích học tập xuất sắc cho sinh viên hiện đang học tại RMIT với suất học bổng gần đây nhất trị giá 50% học phí nhờ điểm trung bình (GPA) rất cao 3,86/4,00.
“Tôi vẫn nhớ cảm giác hạnh phúc vỡ òa khi lần đầu tiên đạt 95/100 trong một bài kiểm tra lập trình ở học kỳ 1. Nhờ cú hích ban đầu ấy, tôi có thêm niềm tin về khả năng của mình và đó là nguồn động lực để tôi tiếp tục trau dồi kiến thức, tự mày mò để học thật tốt. Tôi cũng bày tỏ mong muốn học thêm qua việc chủ động tham gia dự án thực tiễn trong khoa cùng bạn bè và thầy cô”, Nhi chia sẻ.
Ngoài những buổi lên lớp, Nhi còn là thành viên cốt cán của Neo Culture Tech - CLB Công nghệ mới tại RMIT. Cô bạn năng động làm thêm từ năm ba đại học ở một công ty chuyên cung cấp phần mềm quản lý nhân sự. Và dù chưa ra trường, Nhi đã được tuyển dụng vào vị trí chuyên viên CNTT toàn thời gian ở một doanh nghiệp CNTT toàn cầu.
Nhi cho biết: “Tôi đã từng sợ lập trình và tự ti về bản thân. Nhưng với nhiều nỗ lực và sự động viên, tôi cảm thấy hiện tại mình rất yêu thích ngành CNTT. Tôi mong rằng ai có mong muốn theo học CNTT, nhất là các bạn nữ hãy luôn tự tin vào năng lực của mình và luôn không ngừng học hỏi. Không có năng khiếu không có nghĩa là sẽ không thể giỏi được, hãy luôn can đảm và cố gắng cho ước mơ của mình!”
Cơ hội rộng mở cho các bạn nữ đam mê khoa học công nghệ
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2021, nữ giới hiện chiếm 28% tổng số sinh viên nhận bằng kỹ sư và 40% tổng số sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính và tin học trên toàn cầu. Còn tại Việt Nam, báo cáo của TopDev cho thấy nhân lực nữ chỉ chiếm 7,85% người làm việc trong lĩnh vực công nghệ năm 2021.
Trong bối cảnh nhu cầu nhân lực kỹ năng cao thuộc các lĩnh vực khoa học công nghệ vẫn gia tăng, dư địa để thúc đẩy bình đẳng giới và thu hút thêm nhiều bạn nữ học tập và làm việc trong các ngành này là rất lớn.